221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
877556
Hai giờ bàn chuyện “trăm năm”
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Hai giờ bàn chuyện “trăm năm”
,

(VietNamNet) - Trước buổi giao lưu trực tuyến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có hàng trăm ý kiến của bạn đọc gửi về VietNamNet. Điều đặc biệt, không chỉ nêu những câu hỏi về nhiều vấn đề bức xúc lâu nay, nhiều bạn đọc còn đưa ra những giải pháp, kiến nghị áp dụng vào thực tế để thay đổi thực trạng yếu kém của giáo dục.

Thậm chí có bạn đọc không ngần ngại đặt ra câu hỏi  tế nhị: “Bộ trưởng nói nhận một chút phong bì nhân ngày 20/11 là điều bình thường, vậy Bộ trưởng đã bao giờ nhận tiền chưa?” 

Những tâm huyết về giáo dục đã được đặt lên bàn người đứng đầu ngành GD-ĐT. Cuộc giao lưu trực tuyến kéo dài hai tiếng đồng hồ chỉ có ý nghĩa “xới xáo” ban đầu.  

Hỏi: Tâm huyết và bức xúc với nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục 

 
Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lan Hương

Trong hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về VietNamNet đã được chuyển đến buổi giao lưu, có thể chia ra những nội dung chính: 

Thứ nhất, là những băn khoăn về chất lượng giáo dục còn yếu, chương trình và sách giáo khoa nặng nề quá tải, việc quản lý các trường quốc tế bị bỏ ngỏ. Thay vì chỉ trích những yếu kém kéo dài của giáo dục, nhiều bạn đọc đã chỉ ra những khía cạnh cần khắc phục. 

Không khí hội nhập làm “nóng” lên chuyện chất lượng các trường “quốc tế”, vốn là lĩnh vực lâu nay còn “lình xình”: từ trường ĐH Quốc tế châu Á đến trường quốc tế Hà Nội... Nhà giáo Đỗ Đức Huyền đặt vấn đề: Chương trình học ở VN ai cũng thấy là rất nặng, mà ở các “trường quốc tế” vừa dạy chương trình VN, vừa dạy chương trình Mỹ, Anh, Úc… gì đó mà họ nói là “chương trình quốc tế” thì kết quả sẽ như thế nào? Phần lớn HS vào học tại “trường quốc tế” đều là con em của các gia đình khá giả, nhiều em không chịu học. Như vậy, chất lượng thực sự của các “trường quốc tế” ở VN ra sao?

Điều này phải có sự thanh tra, kiểm tra đến nơi đến chốn mới có thể kết luận được. Nhưng ai sẽ làm nhiệm vụ này? Trình độ hiểu biết về khoa học giáo dục và trình độ ngoại ngữ của mấy cán bộ quản l‎ý giáo dục liệu có đủ khả năng để đảm đương công việc phức tạp đó?

Nhiều bạn đọc là nghiên cứu sinh, học viên cao học ở nước ngoài bày tỏ mong muốn đưa những phương pháp giảng dạy hiện đại vào nhà trường, góp tay “chấn hưng giáo dục”, nhưng dường như cơ hội để được tham gia giảng dạy của họ là rất khó khăn. Nền giáo dục ĐH trong nước vẫn còn “khép kín”, chậm thay đổi và thiếu khả năng thích ứng. Bạn đọc vietthaikienvu (email: vietthaikienvu@yahoo.com) nêu câu hỏi: Bộ trưởng sẽ có kế hoạch gì để thu hút lực lượng chất xám từ nước ngoài về làm giảng viên ĐH - một lực lượng có khả năng trình độ, mong muốn cống hiến nhưng lại không quen các rào cản "không chính thức"?

Thứ hai, nhiều ý kiến băn khoăn về chính bộ máy tổ chức Bộ GD-ĐT, khi các vụ chức năng  không làm đúng nhiệm vụ tham mưu mà tham gia chỉ đạo quá sâu vào các công việc cụ thể của cơ sở giáo dục, “vượt quyền” lãnh đạo bộ. Ông Đặng Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp - Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên tỉnh Lào Cai phản ánh: “Vụ Giáo dục thường xuyên vẫn viện dẫn vào thông tư 01/TT/BGD-ĐT ban hành từ năm 1981 để yêu cầu các Trung tâm phải làm tờ trình qua Sở GD-ĐT để xin phép Bộ cho mở các lớp tin học, ngoại ngữ, phải đăng ký với Bộ để lấy đề thi từng khoá (nộp 300.000 đồng/đề). Giấy phép cho phép mở lớp này do Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên ký. Việc làm này rất phiền nhiễu và có vẻ như "lệ Vụ to hơn phép Bộ vì theo quy định của Bộ, việc này thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo".  

Thứ ba, bạn đọc băn khoăn về cách hiểu xã hội hóa giáo dục như thế nào cho đúng? GS.TS Vũ Ngọc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, một người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý nêu ra 6 bất cập của xã hội hóa giáo dục như: Sự quản lý của Bộ đối với các trường còn quá cứng nhắc, ôm đồm; quyền hạn giao mang tính ban phát theo từng thời gian trước sự đòi hỏi của các trường ĐH và sức ép xã hội; chưa tạo cơ chế thích ứng cho các trường ĐH còn được tiến hành theo phương thức nhỏ giọt, thiếu đồng bộ nên khó được thực hiện...

Trên cơ s đó, GS. Hải đề xuất: Bộ GD-ĐT và các Bộ ngành liên quan trước hết cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển giáo dục ĐH và các chính sách đầy đủ, đồng bộ, giúp các trường ĐH có thể thực thi quyền tự chủ và tính trách nhiệm xã hội của mình một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Tiến tới xóa bỏ các đẳng cấp trong giáo dục ĐH mang nặng tính hình thức như hiện nay để tương lai gần, trong giáo dục ĐH chỉ còn phân biệt các trường theo chất lượng đào tạo và chất lượng nghiên cứu khoa học.

Nhà giáo Đ Đức Huyền nhận xét: đang có 2 xu hướng xã hội hóa giáo dục sai lầm: hoặc quá thiên về thương mại hóa giáo dục, hoặc tìm mọi cách bắt nhân dân, nhất là những người có con em đang học tại trường, đóng góp một cách tùy tiện.

Nhiều bạn đọc quan tâm đến mô hình quản lý các trường ĐH, trong đó đặc biệt chú ý đến việc cổ phần hóa giáo dục, coi đó là cách cách đầu tư hữu hiệu. Bạn đọc Hoà Minh Tân, Hoàn Kiếm - Hà Nội (email: hoaminhtan05@yahoo.com) tâm huyết: Đã cổ phần hóa thì phải làm triệt để. Nếu không, cũng chỉ là thay màu da cho xác chết, hoặc bình mới rượu cũ.

Thứ tư, bạn đọc nêu nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề đời sống giáo viên và câu chuyện “nồi cơm” các trường ĐH. Cụ thể là mức lương quá thấp, giờ giảng được chi trả quá ít, không đủ khuyến khích người dạy nâng cao chất lượng, gắn bó tâm huyết với nghề. Đặc biệt, câu trả lời trước QH, coi đào tạo tại chức là “nồi cơm” của các trường ĐH nên cần duy trì và điều chỉnh dần dần đã làm nóng nhiều ý kiến bạn đọc. Nhiều bạn đọc quan tâm đến “nồi cơm” lớn hơn là uy tín và chất lượng nền giáo dục. Câu trả lời của Bộ trưởng trước Quốc hội hưa thấy rõ trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước...

Trả lời: Còn quá thiếu thời gian 

Bộ trưởng trả lời bạn đọc. Ảnh: Lan Hương

Không phải ngẫu nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân lại là vị Bộ trưởng đầu tiên được mời đối thoại trên báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nền giáo dục đang tồn đọng quá nhiều vấn đề cần giải quyết, bao bức xúc cần mổ xẻ. Sự kỳ vọng vào giáo dục rất lớn còn vì lẽ vị Bộ trưởng mới ít nhiều đã tạo dựng được ấn tượng tốt với công luận, qua những chuyến “vi hành” và tuyên bố tâm huyết, quyết xắn tay giải quyết những vấn đề nóng của ngành còn tồn đọng bấy lâu. 

Cuộc giao lưu đã diễn ra, dù chậm một chút vì xe bộ trưởng đến muộn. Nhưng rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến trước đó, qua nhiều “kênh” khác nhau.

Toà soạn VietNamNet trong cuộc họp giao ban buổi chiều đông Hà Nội lạnh gió mùa, con số thư từ bạn đọc gửi về được thống kê đều nóng lên vấn đề giáo dục.

Bộ trưởng sẽ đưa ra những thông điệp gì mới mẻ? Sẽ đi thẳng vào những bức xúc của ngành với thái độ cầu thị và thẳng thắn vốn có? Sẽ truyền vào bạn đọc niềm tin và quyết tâm đi đến tận cùng mọi vấn đề? 

Hai tiếng đồng hồ trôi qua. Những câu hỏi và trả lời được cập nhật chi tiết trên trang báo điện tử. Rất nhiều vấn đề của giáo dục đã được đề cập. 

Thế nhưng, dường như có điều gì rất lạ. Một không khí yên tĩnh, rất nhẹ nhàng. Cái nóng của những câu hỏi bạn đọc gửi đến đã được Bộ trưởng hoá giải bằng cách trả lời khá bài bản của một người đã quen tiếp xúc với công chúng? Nhưng hàng triệu công chúng, các bậc phụ huynh, học sinh, các nhà giáo, các chuyên gia liệu đã thoả mãn với những câu trả lời và cả những câu hỏi được chọn để “giao lưu”?  

Một vị phụ huynh ở Hà Nội gọi điện cho phóng viên bức xúc: “Bộ trưởng trả lời về tăng học phí quá đơn giản. Đâu phải cứ học sinh ở thành phố là giàu nên phải đóng cao, học sinh miền núi nghèo nên đóng thấp? Chỉ chăm chăm chia theo vùng miền thế thì học trò nghèo thành thị làm sao có cơ hội đến trường?” 

Một nhà giáo về hưu nhận xét:  “Từ khi Bộ trưởng nhậm chức, tôi đã nghe kỹ mọi ý kiến của Bộ trưởng phát biểu. Nhưng lần này, không thấy rõ quan điểm cá nhân Bộ trưởng, không thấy cách lý giải trực tiếp, tức thì, rất ấn tượng như mọi lần. Hay là tại tôi kì vọng quá, chứ bộ máy phải vận hành từ từ, không nhanh lên được”... 

Giới hạn thời gian không đủ để Bộ trưởng trả lời hết mọi câu hỏi. Có ý kiến nhận xét, hình như Bộ trưởng đã chọn cho mình những câu hỏi không phải là khó nhất? Điều đó có thể không chính xác, nhưng chính xác là Bộ trưởng đã chọn cách trả lời “an toàn”, thể hiện sự khéo léo, thông minh. Nhưng những vấn đề của giáo dục qua đó có được nhìn nhận toàn diện, đầy đủ, người dân có thấy được vị Bộ trưởng đã chọn được giải pháp giải quyết thấu đáo? Đáng tiếc, đó vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ khi cuộc giao lưu khép lại.  

Có lẽ, ý thức rất rõ về giới hạn thời gian không đủ giải đáp moi vấn đề, Bộ trưởng chủ động giãi bày: “Hàng ngày, trên Bộ, chúng tôi cũng nhận được nhiều thư tham gia đóng góp ý kiến, và thắc mắc về vấn đề GD-ĐT. Với thời luợng chương trình ngắn, chúng tôi chưa thể trả lời hết, xin tiếp thu và trong thời gian tới, Bộ sẽ phân công trả lời tất cả các ý kiến trên. Rất mong nhận được sự quan tâm, tiếp tục hỏi và chât vấn của các nhân dân cả nước, nếu ai có gì động viên hay thắc mắc xin cứ tiếp tục gửi câu hỏi cho Bộ. Tất nhiên, chúng tôi sẽ có sự chọn lọc chung để có phương án tối ưu, qua đó nhờ báo điện tử của Đảng, Truyền hình thông tin thêm và trả lời trực tiếp trên website của Bộ".

  • Đỗ Chí Nghĩa

 Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,