(VietNamNet) - Trường THPT DL Ngôi Sao ở TP.HCM có một số kinh nghiệm về việc đưa CNTT vào trường học, đã từng được một số tờ báo giới thiệu. Nhà giáo Đỗ Đức Huyến, Hiệu trưởng nhà trường, đã có bức thư hơn 3.000 chữ gửi Bộ trưởng nhân dịp ông đối thoại trực tuyến với người dân. Dưới đây là phần lược trích bức thư mà nhà giáo Huyến gửi tới VietNamNet.
Bạn muốn đối thoại gì với Bộ trưởng qua buổi giao lưu, hãy bấm vào đây.
Xã hội học tập
Theo tôi, cần có chính sách khuyến khích việc tự học của mọi người trong xã hội. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần người để giải quyết vấn đề gì, Bộ biên soạn chương trình và tài liệu giáo khoa đào tạo con người giải quyết vấn đề đó. Công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người có thể dựa theo đó tự học. Để ghi nhận lại kết quả học tập của từng người, Bộ và các cơ quan quản lý giáo dục có trách nhiệm tổ chức các kỳ thi thật nghiêm túc.
Dựa vào kết quả các kỳ thi đó để tuyển sinh vào các trường thích hợp hoặc tuyển dụng ngay vào các công việc cần thiết.
Như vậy, cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên những bộ môn có tính công cụ. Trước hết là ngoại ngữ, và tin học. Có ngoại ngữ và tin học, giáo viên dù bất cứ ở đâu cũng có thể tự học, tự nâng cao trình độ. Giáo viên phải là người có ý thức và có năng lực tự học tốt nhất. Chỉ như vậy mới có thể rèn luyện cho học sinh thói quen tự học.
Xã hội hóa giáo dục: thiếu công bằng
Trong thực tế, đang có 2 xu hướng xã hội hóa giáo dục sai lầm: hoặc quá thiên về thương mại hóa giáo dục, hoặc tìm mọi cách bắt nhân dân, nhất là những người có con em đang học tại trường, đóng góp một cách tùy tiện.
Tôi nghĩ, cần phải thay đổi. Nhà nước, nhất là các cơ quan quản lý giáo dục, phải thực sự khuyến khích và có chính sách minh bạch tạo điều kiện cho những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đứng ra mở trường tư thục.
Xây dựng các trường tư thục thành những cơ sở giáo dục hiện đại nhất, tiên tiến nhất như ở các nước tiên tiến để những người có khả năng tài chính có thể theo học với chất lượng cao như mong muốn.
Các trường công lập vẫn tiếp tục được nâng cấp và dành cho con em những người thu nhập trung bình hoặc thấp. Như vậy, nền giáo dục của ta sẽ mau chóng được hiện đại. Đó mới thực sự là công bằng.
Hiện nay, cách tuyển sinh vào các trường công lập, nhất là vào các trường chuyên, trường điểm, thực tế đa số là con em của cán bộ, doanh nhân, những người khá giả được vào học, còn con em của những người thu nhập thấp thì phần lớn lại phải học ở các trường ngoài công lập, đóng học phí cao. Nhiều em phải bỏ học. Đó mới thực sự là thiếu công bằng. Bản chất nền giáo dục XHCN ở đâu?
Quản lý các “trường quốc tế": bỏ ngỏ
Các “trường quốc tế” ở các thành phố lớn đang mọc lên như nấm hiện nay là một hiện tượng vừa đáng mừng vừa đáng lo. Mừng thì dễ hiểu rồi, nhưng lo thì theo tôi nhiều người chưa hiểu. Kể cả những cán bộ cấp cao, những người có trình độ văn hóa cao nhưng không có chuyên môn về giáo dục, rất dễ ngộ nhận.
Tôi đã có lần dẫn ban lãnh đạo trường mình đến tham quan để học tập một trường mà có vị lãnh đạo ngành đã đến thăm và ca ngợi trên đài truyền hình. Đó là một “trường quốc tế” có danh tiếng ở TP.HCM. Lớp nhiều nhất khoảng 15-16 em, ít nhất là 4-5 em, nhưng đi qua lớp nào cũng thấy có vài em nằm ngủ gục trên bàn, ngay trước mắt GV mà GV (kể cả người nước ngoài lẫn người VN) cũng không quan tâm đến.
Chương trình học ở VN ai cũng thấy là rất nặng, mà ở các “trường quốc tế” vừa dạy chương trình VN, vừa dạy chương trình Mỹ, Anh, Úc… gì đó mà họ nói là “chương trình quốc tế” thì kết quả sẽ như thế nào? Vả lại, phần lớn học sinh vào học tại “trường quốc tế” đều là con em của các gia đình khá giả, nhiều em không chịu học. Như vậy, chất lượng thực sự của các “trường quốc tế” ở VN ra sao?
Các “trường quốc tế” nhập khẩu vào Việt Nam, theo tôi nghĩ, không giống như các trường ở bên chính quốc của họ. Nhiều trường chỉ là một ngôi nhà, hoặc một khu nhà được trang trí bắt mắt và bên trong được bày biện có vẻ sang trọng, nhưng những thiết bị dạy học hầu như nghèo nàn, phòng thí nghiệm, thư viện và nhất là sân bãi để học sinh vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao lại không có.
Cơ sở vật chất như thế còn nội dung dạy học và giáo dục thì sao?
Điều này phải có sự thanh tra, kiểm tra đến nơi đến chốn mới có thể kết luận được. Nhưng ai sẽ làm nhiệm vụ này? Trình độ hiểu biết về khoa học giáo dục và trình độ ngoại ngữ của mấy cán bộ quản lý giáo dục liệu có đủ khả năng để đảm đương công việc phức tạp đó?
TP.HCM ngày 14/12/2006
-
Đỗ Đức Huyến