(VietNamNet) - Một trong nhiều bức xúc mà bạn đọc mong muốn đối thoại với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là câu chuyện đào tạo ĐH tại chức.
Bạn muốn đối thoại gì với Bộ trưởng qua buổi giao lưu, hãy bấm vào đây.
Phan Huấn
UBND huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu
huanphm@yahoo.com
Nhiều cán bộ, công nhân ngoài giờ đi làm vẫn đến giảng đường đại học để nâng cao kiến thức, nghề nghiệp. Ảnh: SGGP |
Phần lớn những người đi học tại chức hiện nay làm lợi cho ai?
Được ư? Nhà nước và cơ quan quản lý họ chẳng được cái gì. Chỉ có riêng họ được nghỉ để đi học. Được có mảnh bằng như ai. Được nâng lương theo đúng ngạch, bậc.
Còn những điều mất? Làm mất một nguồn lớn nhân lực của các cơ quan; họ đi học, người khác phải làm thay công việc của họ. Làm mất một nguồn lớn ngân sách đào tạo của Nhà nước. Làm mất giá trị của các loại bằng cấp thực sự được đào tạo chính qui và làm cho những người được đào tạo chính qui thấy như là bị xúc phạm. Nhà nước sẽ mất thêm một số lớn kinh phí để trả lương cho họ sau này, trong khi họ chẳng cống hiến được gì hơn. Và mất lòng tin của dân vào chủ trương đào tạo, vào trình độ của cán bộ nói chung.
Bởi vì: Những người được đào tạo tại chức (nhất là đào tạo từ xa) có bằng cấp hẳn hoi nhưng thực chất kiến thức không nâng lên được gì, họ chỉ ghi tên đi học rồi nộp tiền để thi và bỏ tiền ra chạy chọt cho được mảnh bằng mà chẳng có cái gì hơn trong đầu. Họ sẽ là khối đá cản đường, làm cho những người có trình độ, có tâm huyết, có trách nhiệm và nghị lực phấn đấu sẽ bị kẹt lại không có lối để vượt lên.
Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, xem xét lại cách thức đào tạo này. Đừng vì "nồi cơm" trước mắt mà làm tổn hại đến cả tương lai của đất nước. Nền giáo dục của đã quá xuống cấp rồi, chúng ta có rất nhiều giáo viên không thực sự có đủ trình độ phù hợp với chỗ đứng của mình trên bục giảng; chúng ta cũng có rất nhiều cán bộ lãnh đạo bằng cấp đầy mình nhưng thực sự không có đủ kiến thức phù hợp với cái ghế đang cố giữ.
Cao Ba Trung
Ha Noi
caobatrung@yahoo.com
Người theo học tại chức không phải để lấy kiến thức (tôi không nói là hoàn toàn như vậy nhưng tuyệt đại đa số) cho người đi học mà chủ yếu để giải quyết “cái bằng”, góp phần “làm đẹp” hồ sơ cho những người đang đi làm ở các cơ quan, tổ chức nào đó. Đồng thời, cái bằng tại chức giúp cho việc “tăng lương” và “thăng tiến” trong công tác.
Tôi cho rằng bản thân hệ tại chức không có lỗi mà cái lỗi là ở chính ngành giáo dục đã không xây dựng được một mô hình đào tạo tại chức theo hướng chuẩn mực, nghiêm túc theo quy định của pháp luật mà đã tạo ra sự “lộn xộn” và “vô tổ chức” của loại hình đào tạo này.
Nếu chỉ vì lo cho “nồi cơm” của các trường và không thể quản lý mô hình đào tạo tại chức theo hướng tốt hơn hiện này thì tôi cho rằng Bộ trưởng nên đề xuất với Quốc hội và Chính phủ tạm thời dừng đạo tạo tại chức. Song song với việc này, tôi đề nghị Bộ trưởng cũng đề nghị với Quốc hội và Chính phủ quy định lại chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ lương của cán bộ, công chức dựa trên “bằng cấp” mà phải dựa trên trình độ chuyên môn và năng thực tực tế của cán độ đó. Tôi tin rằng nếu làm được điều này thì không bỏ hệ tại chức cũng sẽ không còn mấy người theo học hệ tại chức nữa nếu chất lượng của hệ đạo tào này “tốt” như hiện nay.
MinhQuyen
dmquyen69@yahoo.com
Nếu thực sự là "nồi cơm" thì nồi cơm này không ngon lành gì. Vì vậy, nên bỏ nồi cơm này và thay bằng "nồi cơm" khác ngon hơn. "Nồi cơm" khác có thể do Nhà nước cung cấp bằng lương để giáo viên khi giảng dạy không phải lo gì về "nồi cơm" cả lúc đó chắc chắn toàn tâm toàn ý để dạy học. Đề nghị bỏ tại chức là cần thiết vì hệ quả của học tại chức dẫn đến nhiều thế hệ công chức yếu kém và tất yếu việc quản lý xã hội sẽ rất kém. Bản thân tôi cũng là một công chức kém.
Phan Van Dung
Tam Kỳ (Quảng Nam)
binhlnqn@gmail.com
Được biết, trong lần trả lời chất vấn tại cuộc họp của Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng có phát biểu rằng, nguồn thu từ hệ ĐH tại chức là nồi cơm của các trường. Vì vậy, đổi mới phải từng bước. Tôi đồng ý với suy nghĩ này, nhưng với quan điểm rằng: Vấn đề lớn và khó giải quyết cần phải cân nhắc, suy nghĩ thận trọng. Vấn đề lớn ở đây là chúng ta chưa có phương án quản lý chất lượng của hệ ĐH này chứ không phải vì đụng đến nồi cơm của các trường như Bộ trưởng phát biểu. Tuy nhiên, lộ trình giải quyết vấn đề này, Bộ đã vạch ra chưa?
Lê Văn Tiến
Triệu Sơn, Thanh Hoá
letiendth01@yahoo.co.uk
Kính chào Bộ trưởng! Hiện nay, theo tôi được biết, phần lớn các trường ĐH đều mở hệ đào tạo ĐH tại chức và các chương trình liên kết đào tạo. Nhưng phần lớn người có nhu cầu mua hồ sơ tuyển sinh đều không mua được vì lý do "khách quan" là "đã bán hết" hồ sơ tuyển sinh! Có những trường thông báo bán hồ sơ tuyển sinh trong vòng 1 tuần nhưng ngay từ buổi sáng của ngày bán đầu tiên thí sinh đến mua thì đã được thông báo là "đã bán hết". Nhưng lại có "nguồn khác" nói nhỏ rằng nếu cần thì có thể mua được nhưng giá hơi cao từ 200.000 - 500.000 đồng/1bộ! Vậy là những ai có nhu cầu thật thì cứ thế mà mua, bao nhiêu bộ cũng có! Ngoài ra, thi được vào hệ ĐH tại chức cũng mất từ 4-7 triệu đồng. Thậm chí, những người ở vùng sâu vùng xa không biết thông tin còn có thể mất đến trên chục triệu đồng để vào được hệ ĐH tại chức của một trường nào đó. Cụ thể, để vào được hệ ĐH tại chức của trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN) bây giờ giá thấp nhất là 8 triệu đồng thông qua những hình thức như thi hộ, tráo bài, sửa điểm... Bộ trưởng có biết những vấn đề này? Và sẽ giải quyết như thế nào?
Ha Viet Thanh
Cầu Giấy Hà Nội
ha_thanh222@yahoo.com
Xin chúc Bộ trưởng mạnh khoẻ. Qua đây, xin hỏi Bộ trưởng vấn đề sau: Có nên chăng việc tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH? Việc liên thông này có thật chất và chất lượng hay chỉ để làm kinh tế cho một số trường? Tôi đơn cử ra đây như trường ĐH Mở Hà Nội vừa tuyển sinh liên thông khoá 1, có 80 thí sinh đăng ký dự thi thì đỗ cả 80 em. Đến khi tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH khoa Công Nghệ Thông tin ngày 25-10-2006 thì gần như không bị loại mặc dù chưa biết điểm chuẩn nhưng thi sinh dự thi quá ít, làm bài thi cho quay bài thoả mái. Bộ trưởng xem xét lai qui chế liên thông của một số trường đặc biệt là ĐH Mở vừa qua. Đề nghị Bộ trưởng xem xét lại qui chế thi tuyển liên thông để đất nước có những nhân tài thực sự, không vì lợi ích kinh doanh mà làm hỏng cả một xã hội.
Nguyen Mai Sau
ĐH Huế
maisaunguyen@yhoo.com
Kính thưa Bộ trưởng, có một số người cho rằng: “Nhà dột là dột từ nóc”. Muốn chống dột phải lợp lại nóc, nếu chúng ta chưa đủ sức để lợp lại toàn bộ mái nhà. Trong giáo dục cũng vậy, để trở lại với môi trường giáo dục “sạch”, phải thực hiện theo quy trình sạch từ trên xuống. Trước tiên, hãy tẩy rửa, làm sạch từ bậc đào tạo sau đại học, đại học rồi mới đến các bậc đào tạo thấp hơn; để có một môi trường sạch, đào tạo ra những người thầy cô tốt, cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Chưa có được đội ngũ cán bộ, thầy cô hết lòng vì sự nghiệp giáo dục-trồng người, đừng hy vọng có nhiều trò ngoan, học giỏi; không thể có một nền giáo dục bền vững, phát triển. Từ trước đến nay, chúng ta thực hiện các nội dung đổi mới, cải cách trong giáo dục theo lộ trình, triển khai từ dưới lên . Đổi mới, cải cách bắt đầu từ bậc tiểu học đến trung học; còn bậc đào tạo đại học và sau đại học chưa có gì đổi mới, cải cách đáng kể. Theo tôi, đây là cách làm không đúng với quy luật. Và Bộ GD&ĐT đã bị nhầm lẫn. Vì hiện tại, chúng ta đang sửa, cải tạo lại “ngôi nhà giáo dục” chứ không phải chúng ta đang xây mới toà nhà giáo dục. Cứ loay hoay gia cố “móng” cho chắc có ích lợi gì, khi toàn bộ công năng sử dụng của ngôi nhà ở phần trên móng đã rệu rã, dột nát khắp nơi. Tôi muốn chía sẻ với Bộ trưởng quan điểm nêu trên. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về “triết lý” này? Xin kính chào Bộ trưởng.