(VietNamNet) -"Tôi nghiên cứu rất kỹ, học cùng con trai tôi đã nhiều năm nay. Tất cả những gì tôi thấy là các cô dạy song song hai chương trình. Việc này đã và đang bắt đầu ảnh hưởng tới các thế hệ HS: học lớp 5, 6 không biết đọc; thi ĐH chỉ được 2 hay 3 điểm, thậm chí là điểm 0 cho cả ba môn".
Độc giả Bích Thủy, "là một người mẹ, và một người đã từng nhiều năm giảng dạy trong nhà trường, có một vài ý kiến từ người trong cuộc" về dạy thêm, học thêm.
Chương trình dạy thêm: rất nguy hiểm!
Một "vấn nạn" nghiêm trọng mà tôi chưa thấy ai nêu ra là: chương trình dạy thêm là gì? Có ai giám sát, khuyến cáo các cô và nhà trưòng về việc này không?
Trên thực tế, tôi thấy các thầy cô luôn quan niệm "dạy thêm thì phải khó". Cái khó đó, các cô không tạo ra được, bèn lấy sách lớp trên, thậm chí sách nâng cao của lớp trên dạy cho lớp dưới.
Tôi nghiên cứu rất kỹ và học cùng con trai tôi đã nhiều năm nay. Tất cả những gì tôi thấy là các cô dạy song song hai chương trình:
Một là chương trình phổ thông của SGK, hai là chương trình nâng cao theo kiểu "lớp dưới học bài lớp trên".
Hai thứ này gần như không tương thích với nhau nên các cháu rất sợ "nếu không đi học thêm làm sao con biết". Hơn thế nữa, lại xảy ra tình trạng có cháu học chương trình phổ thông trong SGK trên lớp chưa vững vẫn còn phải " nhồi nhét" nâng cao. Việc này làm nhụt chí và đuối sức các cháu. Làm sao chúng ta có thể tránh được tình trạng học sinh càng lên cao càng dốt?
Đây là một trong những điều mà Bộ phải quan tâm ngay. Bởi vì việc này đã và đang bắt đầu ảnh hưởng tới các thế hệ học sinh của chúng ta: Học sinh lớp 5, 6 không biết đọc. Học sinh thi đại học chỉ được 2 hay 3 điểm thậm chí là điểm 0 cho cả ba môn.
Có phụ huynh nào không ký?
Hiện nay tất cả các thày cô đều dạy thêm tại nhà, liệu sẽ xảy ra tình trạng đấu tố lẫn nhau? và sẽ biết bao nhiêu người sẽ rơi vào "cuộc cách mạng giáo dục" này ? Liệu Bộ GD & ĐT có định tuyển thêm lực lượng "cảnh sát giáo dục" không?
Tất cả các trường học, các cô giáo đều đã rất chặt chẽ trong việc dạy thêm: Học ở trường thì nhà trường phát đơn để gia đình ký. Thử hỏi, có phụ huynh nào không ký cho con khi nhà trường gửi đơn về để ký? Khi đã ký, có nghĩa là gia đình tự nguyện; làm sao "nói" đựơc trường?
Bộ cần phải kết hợp với các cơ quan truyền thông để tạo ra các diễn đàn về việc kèm cặp các cháu tiểu học ở gia đình và nhà trường.
Việc dạy thêm tràn lan hiện nay không thể đổ lỗi cho mình các thầy cô, nhà trường vì:
Các bậc phụ huynh đều mắc một thói xấu: thói "khôn lỏi". Đó là muốn con mình giỏi hơn, muốn con mình được học nhiều hơn. Tôi thấy phụ huynh lớp con trai tôi học ( lớp 4) đều tìm cách gặp riêng cô giáo, "đặt vấn đề" để cô kèm thêm. Đây là thói xấu và thiếu hiểu biết về dạy học cho trẻ tiểu học.
Nhóm phụ huynh thứ hai, vì thiếu trình độ, thiếu thời gian, nhóm cha mẹ này thường trông vào phương tiện là học thêm để yên tâm. Họ phó mặc cho cô giáo và "nộp" bao nhiêu cũng được miễn là "nó được học thêm" không thì "mình không dạy được"?
Sao không để giáo viên kiếm sống "trong luồng"?
Thực tế, nếu không dạy thêm, thu nhập của giáo viên tiểu học sẽ thấp so với nhu cầu cuộc sống (tôi không thể so sánh với lương tối thiểu hoặc lương của các ngành nghề khác vì những con số đó không thực; ai cũng biết ở Việt Nam công chức nhà nước không sống bằng lương mà bằng lộc).
Tôi nghĩ, tại sao không cho nhà truờng tự xắp xếp công khai các giờ dạy thêm ngay tại trường vào một buổi chiều nào đó trong tuần để củng cố kiến thức, ôn lại cho các cháu những kiến thức vừa học trong giờ chính khoá.
Việc làm này sẽ giải quyết được:
- Các cháu không "bị" đi học thêm vào ngày nghỉ hoặc vào buổi tối. Điều này , theo tôi nghĩ, hiện đang là mối bức xúc lớn nhất hiện này đối với các bậc phụ huynh .
- Nhà trường và cô giáo sẽ sử dụng thời gian hiệu quả hơn: cô sẽ không ra sân trường " buôn dưa lê" vào các buổi chiều nữa. Các cháu không phải "tự quản" rồi tối lại về làm bài tập từ đầu. - Cô có thu nhập công khai, không cảm thấy "bị tổn thương" vì phải kiếm sống "ngoài luồng" nữa.
********
Tôi mong rằng, Bộ có thể tạo ra diễn đàn giáo dục nào đó thực tế hơn và phải có những người phụ trách có nhiệt huyết, có trình độ không chỉ về bằng cấp mà còn phải uyên thâm về xã hội học và đặc biệt tâm lý trẻ em, tâm lý phụ huynh để có thể xác định được những nguyên nhân căn bản cội rễ mà giải quyết dần từng bước.
Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" hoặc chỉ nhìn thấy được phần nổi của "tảng băng" thì không bao giờ cải thiện được tình hình giáo dục tiểu học hiện nay.
Cuôí cùng, tôi mong rằng khi đưa ra chủ trương nào đó ta phải xét đến tính khả thi của nó, nếu không sẽ rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" khi thực hiện thì xã hội càng rối ren hơn.
- Bích Thủy (Hà Nội)