(VietNamNet) - "Đây là một trong số ít những báo cáo thẳng thắn, tương đối có chất lượng vì không chỉ nêu thành tích mà còn vạch ra rất nhiều hạn chế, đồng thời cũng phân tích rõ nguyên nhân. Thường, các báo cáo khác, phần "làm được" vài chục trang, nhưng "hạn chế" lại chỉ vài chục dòng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thỏa mãn".
>>Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội
>>Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.
Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân và Nguyễn Đức Dũng trao đổi với VietNamNet về những nội dung báo cáo về tình hình giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mà Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trình bày sáng nay trước Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân: Sao không có kiến nghị về ngân sách?
Tôi cho đây là một trong số ít những báo cáo thẳng thắn, tương đối có chất lượng vì không chỉ nêu thành tích mà còn vạch ra rất nhiều hạn chế, đồng thời cũng phân tích rõ nguyên nhân. Thường, các báo cáo khác, phần "làm được" vài chục trang, nhưng "hạn chế" lại chỉ vài chục dòng.
Tuy nhiên, theo tôi, vẫn còn hai vấn đề.
Thứ nhất, trong 7 kiến nghị mà Bộ trưởng nêu, không có kiến nghị nào liên quan đến vấn đề ngân sách trong ngành GD.
Mặt tốt của điều này là ngành GD đã cố gắng thu xếp để làm tốt trong phần kinh phí được phân. Nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải đề cập thêm bởi vì 20% của tổng chi ngân sách, nghe thì có vẻ nhiều, thậm chí tương đối nhiều trong điều kiện hiện nay, nhưng vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế.
Mà, 85% trong tổng số ngân sách đó đã được dành để trả lương cho giáo viên. Điều này giải thích chuyện vì sao vẫn không đủ bàn ghế, cơ sở vật chất để phục vụ cho dạy và học.
Toàn bộ báo cáo toát lên một tinh thần của Bộ GD-ĐT. Đó là cố gắng sử dụng phần ngân sách có được để chi cho ngành GD trong điều kiện tốt nhất.
Cũng xuất phát từ tinh thần "làm tốt nhất với những gì đã được giao" tôi sẽ hỏi trong phiên chất vấn, rằng trong kinh phí 20% tổng chi ngân sách, việc phân bổ đã hợp lý chưa? Phải trả lời câu hỏi đó trước khi tính đến chuyện xin thêm kinh phí nhà nước.
Mới hôm trước, tôi có nêu vấn đề chúng ta đã chi 106 tỷ cho các bộ, ngành để nâng cao trình độ cán bộ, công chức. Tại sao chúng ta không để dành số tiền này cho ngành GD-ĐT? Cán bộ, công chức đã được đào tạo chu đáo rồi, thì sau đó không cần thiết phải chi thêm nữa.
Rõ ràng, chúng ta đã cố gắng làm cách nào đó để hợp lý hóa trong nguồn ngân sách được cấp nhưng hợp lý hóa thôi chưa đủ, vẫn cần thiết phải xin thêm và thúc đẩy xã hội hóa để tăng thêm ngân sách.
Nền kinh tế thị trường mở ra cho giáo dục nhiều cơ hội. Tất nhiên, nếu làm không đúng cách, có thể sẽ khiến giáo dục bị tha hóa. Nhưng làm đúng cách, sẽ góp phần làm tăng đáng kể nguồn thu để nâng chất lượng giảng dạy.
Khi đó, thay vì gửi con cái ra nước ngoài với khoản kinh phí khổng lồ, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm gửi gắm con cái vào các trường học trong nước. Tôi đã từng chất vấn bộ trưởng cũ, mỗi năm gửi ra nước ngoài cả ngàn học sinh, SV với chi phí lên tới 25 ngàn USD.
Khi vào WTO, dịch vụ trong giáo dục sẽ là lĩnh vực phát triển đầu tiên. Đặc biệt chú trọng hợp tác quốc tế.
Kiến nghị thứ hai tôi muốn nêu là, trong báo cáo của Chính phủ, chưa nêu lên được một vấn đề bất cập là trình độ của giáo viên ĐH, cũng chưa thấy cách giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng: "Chuẩn phải ra chuẩn"
Về cơ bản, báo cáo đã nêu được tương đối đầy đủ nội dung, từ thành tích, hạn chế cũng như các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tôi cho đây thái độ nghiêm túc.
Nhưng với suy nghĩ cá nhân của mình, tôi vẫn chưa thỏa mãn báo cáo này. Có những đánh giá chưa sát với thực tế.
Ví dụ, đánh giá về hợp chuẩn đội ngũ giáo viên mầm non hay phổ thông, trong báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng như báo cáo giám sát của QH ghi rằng tỷ lệ này đạt rất cao, toàn 95-97% cả. Như chúng ta đã biết, giáo viên giống như cỗ máy cái. Cỗ máy cái tốt sẽ cho ra những sản phẩm tốt, nhưng giáo viên được đánh giá hợp chuẩn cao như vậy mà tại sao chất lượng giáo dục kém như thế, cần phải suy nghĩ.
Tôi cho rằng, chỉ có 2 vấn đề. Thứ nhất, có thể chuẩn mà chưa chuẩn. Còn nếu cái chuẩn đã chuẩn rồi thì vấn đề lại là cái hợp chuẩn chưa tốt, hoặc chúng ta cũng bị ngay bệnh thành tích trong hợp chuẩn của giáo viên, dẫn đến có rất nhiều giáo viên chưa đủ điều kiện vẫn được coi là hợp chuẩn. Từ chỗ đó làm cho đội ngũ giáo viên không đạt yêu cầu, chất lượng giáo dục vẫn tiếp tục thấp.
Theo tôi, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến chất lượng giáo dục thấp. Thứ nhất, chương trình giáo dục thể hiện ở chương trình chuẩn và SGK hiện chưa chuẩn và ổn định. Thứ hai, đội ngũ giáo viên không chuẩn. Thứ ba, quản lý giáo dục lỏng lẻo, dẫn đến rất nhiều những lợi dụng, tiêu cực.
Để chấn hưng giáo dục, chỉ có cách đẩy mạnh 3 việc làm trên, tức là phải xây dựng một chương trình giáo dục thật chuẩn, SGK biên tập sao cho vừa tổng hợp, vừa phải với học sinh và ổn định. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên phải hợp chuẩn cho đúng chuẩn. Cuối cùng là tăng cường công tác quản lý giáo dục, không để xảy ra học thêm, dạy thêm.
-
Hà Yên - Lê Nhung (Thực hiện)