(VietNamNet) - "Có phải Đảng và Nhà nước ta vẫn còn chưa xác định được hướng đi cho giáo dục Việt Nam? Do nhận thức của dân chúng chưa chuyển biến kịp hay do quyền lợi cục bộ của một nhóm quan chức?"
Nhà nước cần cấp tiền trực tiếp cho người học, Bộ GD-ĐT cần tham mưu cho Nhà nước về tiêu chuẩn cụ thể của việc cấp học bổng. Ảnh: TT |
Sau hơn 20 năm, nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển sang hướng thị trường, vậy mà giáo dục Việt Nam vẫn quanh quẩn với cơ chế tập trung, quan liêu và bao cấp.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kêu gọi "Đã đến lúc đặt vấn đề giáo dục có cần “khoán 100” hay không?". Như vậy, có phải Đảng và Nhà nước ta vẫn còn chưa xác định được hướng đi cho giáo dục Việt Nam?
Có phải chăng do nhận thức của dân chúng chưa chuyển biến kịp hay do quyền lợi cục bộ của một nhóm quan chức?
Hay bản thân đất nước ta đang thiếu một kiến trúc sư về giáo dục, người phác thảo, đề xuất và thực hiện việc triển khai cho Đảng và Nhà nước bức tranh toàn cảnh về giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới? Liệu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có đi vào lịch sử như một nhà cải cách giáo dục Việt Nam thế kỷ 21 hay không?
Câu trả lời còn đang chờ đợi!
Theo nhận thức của tôi, để được gọi là "cải cách", giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục ĐH nói riêng trước tiên cần phải làm được một số công việc sau đây:
Nhanh chóng xã hội hóa giáo dục
Việc này, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, nhưng triển khai còn quá chậm chạp. Cần phải triển khai nhanh việc cổ phần hoá các trường học ở mọi cấp học.
Nhưng sự kiện hơn 100 trường phổ thông bán công ở TP.HCM chuyển sang trường "công lập có tự chủ về tài chính" lại là một “bước tiến” đáng buồn.
Hãy coi Nhà trường như một doanh nghiệp mà đầu vào và đầu ra là con người. Mức đóng thuế dựa trên hiệu quả hoạt động và lợi nhuận.
Điều này có vi phạm luật giáo dục hay không? Nếu có, cần phải thay đổi cả luật.
Có ý kiến cho rằng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước còn khó khăn, chứ còn nói đến cổ phần hoá các trường công. Nhưng dù khó cũng phải làm. Có thế mới là cải cách.Và điều này có thể sốc với nhiều người.
Cấp tiền trực tiếp cho người học
Nhà nước nên xoá bỏ việc cấp Ngân sách cho khối giáo dục và đào tạo - từ mầm non cho đến ĐH. Thay vào đó là cấp học bổng trực tiếp cho HS giỏi và HS nghèo.
Bộ GD-ĐT cần tham mưu cho Nhà nước về tiêu chuẩn cụ thể của việc cấp học bổng.
Hiện nay, Nhà nước đã có số liệu từng năm về tỷ lệ số hộ sống ở mức nghèo (và chuẩn nghèo cũng đã được cập nhật). Nếu số liệu này không sử dụng được, do thiếu chính xác thì phải đầu tư nghiên cứu để có số liệu chính xác, kịp thời hàng năm.
Thông tin về học bổng phải được công khai ở các cơ sở như tổ/xóm, xã/phường và trên các website về học bổng. Người học nhận phiếu học bổng sẽ tuỳ ý chọn trường. Nhà nước dùng học bổng để điều tiết và phân luồng sau phổ thông (Học bổng các hệ dạy nghề và CĐ cao hơn các hệ ĐH).
Ai muốn học trường có học phí cao hơn học bổng thì hoặc phải đóng thêm hoặc nhà trường bảo lãnh cho vay.
Như vậy, sẽ xoá bỏ sự phân biệt trường công và trường tư trong đầu tư ngân sách của Nhà nước trong giáo dục.
Lại có ý kiến phản biện: vậy làm sao các giáo viên trường công có thể làm việc được?
Sao không đặt lại vấn đề: tại sao giáo viên trường tư lại có thể sống và làm việc tốt được? Chính "cái phao" bao cấp trong các trường công đã làm trì trệ chính các giáo viên trường công. Hỏi có mấy giáo viên trường công do năng lực yếu bị loại khỏi hệ thống? Ngân sách của Nhà nước ngoài phần chi cho công tác quản lý ở mọi cấp thì phần còn lại dùng chi cho học bổng.
Hãy để phần tiền thuế đóng góp của người dân cho giáo dục được trực tiếp đến tay người học. Tiền xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị, tiền trả lương giáo viên v.v… phải dựa trên số lượng HS có trong trường. Như vậy, mới tạo được sự cạnh tranh chất lượng và thương hiệu của các trường.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT trong đề án đổi mới giáo dục của mình cũng có đề cập đến giải pháp Nhà nước cấp tiền trực tiếp cho người học, nhưng nội dung cụ thể của đề xuất này chưa đủ mạnh, có tính nửa vời.
Trường ĐH được quyết định mức học phí
Học phí các trường thu (dựa vào nguồn học bổng và học phí) phải đủ bù cho công tác đào tạo, phù hợp với thu nhập của các khối dân cư, bao gồm cả xây dựng cơ bản và trả lương xứng đáng cho các thày cô (để các thày cô không ép các em phải học lại và học thêm). Các trường sẽ phải cạnh tranh trong dịch vụ và chất lượng đào tạo để lôi kéo HSSV. Mức học phí do các trường tự quyết định.
Bộ GD-ĐT hãy tập trung vào công việc kiểm định cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên, từ đó thông báo cho dân chúng biết.
Đây có lẽ là công việc cấp thiết mà Bộ có thể triển khai nhanh được, nhưng vì Bộ cứ lo “quản” những công việc mà các trường hoàn toàn có thể làm, vì thế mà việc quan trọng này vẫn giẫm chân tại chỗ.
Hiện nay trình độ nhận thức của dân chúng cũng đã phân biệt được chất lượng dịch vụ của các trường và họ đã có khả năng so sánh và chọn lựa.
Lẽ tất nhiên, học phí ĐH phải gấp nhiều lần so với các hệ thấp hơn.
Hiện nay, do học phí các trường ĐH dân lập quá thấp (các trường dân lâp chính là sản phẩm của một sai lầm của quản lý vĩ mô trong quá khứ - vì lúc ban đầu, các sáng lập viên của các trường này muốn chúng là tư thục, nhưng Nhà nước và Bộ GD-ĐT không cho phép, đến bây giờ phải giải quyết bao nhiêu hậu quả), dẫn đến kết quả là sĩ số HSSV trong một lớp quá đông. Và tất yếu, chất lượng đào tạo phải sụt giảm (điều này đúng cho cả các trường đại học công).
Có người nói, hiện nay trường dân lập học phí thấp mà vẫn không đủ HS, thì khi tăng học phí thì còn khó khăn hơn. Câu trả lời là, hãy chuyển tiền ngân sách cho chính người đi học, bất luận họ học trường công hay tư.
Chỉ tiêu tuyển sinh: trường và phụ huynh quyết định
Việc tuyển sinh vào các trường, thi môn gì, lấy bao nhiêu HSSV là do từng trường tự quyết định. Nếu các trường có đủ cơ sở vật chất và giáo viên thì cả 1 triệu HS tốt nghiệp phổ thông hàng năm muốn vào học các trường sau phổ thông và ĐH vẫn có thể đáp ứng.
Dĩ nhiên, sẽ có nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy, nhiều SV tốt nghiệp ra trường sẽ thất nghiệp.
Nhưng việc chọn lựa trường nào, học phí bao nhiêu, tốt nghiệp ra làm gì, đó là công việc của phụ huynh và HS.
Tại sao bạn quyết định trồng cây này, nuôi con kia, đầu tư mở một doanh nghiệp mới, mua sắm vật dụng trong gia đình lại không có sự quản lý và chỉ bảo của Nhà nước mà việc đi học lại phải có chỉ tiêu?
Chúng ta đang muốn xây dựng một xã hội học tập, cớ gì phải có chỉ tiêu cho việc học. Còn việc học để làm gì chuyện đó là của người học. Nhà nước, nhà trường và các tổ chức xã hội chỉ cung cấp thông tin.
Xóa bao cấp: sẽ có ĐH đẳng cấp quôc tế
Thời gian qua có quá nhiều dự án, bàn thảo về ĐH đẳng cấp quốc tế.
Có phải chăng cũng chỉ là vì cái bánh ngân sách? Theo tôi, Nhà nước cứ xoá bỏ bao cấp trong giáo dục và đào tạo, chuyển tiền ngân sách giáo dục trực tiếp cho người học. Hãy để các Trường ĐH có quyền tự chủ trong việc tồn tại của mình, ắt sẽ có ĐH đẳng cấp quốc tế.
Bộ GD-ĐT hãy nhanh chóng cho những đứa con nào của mình xin tự chủ thì được tự chù, hãy tin tưởng vào chúng, nhất là những đứa con hiện không dựa vào bầu sữa ngân sách. Bộ nên tập trung vào các công việc vĩ mô hơn.
-
ThS Nguyễn Văn Bình (TP.HCM)
Ý kiến của bạn: