(VietNamNet) - "Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH đã được hầu hết các nước, trước hết là các nước có trình độ phát triển cao thực hiện, chứng tỏ là một chủ trương phù hợp để quản lý có hiệu quả nền giáo dục ĐH. Thời gian chỉ ủng hộ nếu chúng ta đi đúng hướng và có lộ trình thích hợp. Đúng hướng bây giờ vẫn chưa đủ, vì đúng hướng nhưng đi quá chậm thì cũng thất bại".
GS.TS Hồ Sĩ Thoảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học-công nghệ quốc gia tham gia ý kiến cho vấn đề "tự chủ trong giáo dục ĐH". Dưới đây là bài viết của ông.
Thực ra, vấn đề trao quyển tự chủ (cũng tức là tự chịu trách nhiệm) cho các trường đại học, qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hội thảo có thể thấy, là ý kiến các nhà khoa học và giáo dục đại học khá thống nhất và các nhà quản lý giáo dục cũng ủng hộ.
Theo tôi, vấn đề hiện nay không phải là có trao quyền tự chủ cho các trường đại học hay không, mà là ở chỗ lộ trình của công việc này phải như thế nào để vừa đủ thận trọng và nghiêm túc vừa không làm trì trên hơn nữa sự phát triển của nền giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập kinh tế trong “thế giới phẳng”.
Nhưng sự cấp bách của nó thì có thể nói là hết sức bức xúc.
Chính qua những ý kiến của các nhà chuyên môn tâm huyết với nền giáo dục đại học phát biểu trong thời gian gần đây mà xã hội càng thấy rõ hơn chúng ta đã bị bỏ quá xa.
Như đi trên một đoàn tàu thì chúng ta đang ở trên một toa nằm ở cuối đoàn tàu, cách quá xa những toa phía trước, thậm chí rất xa những toa của các nước phát triển ở mức độ trung bình.
Những khuyết tật của sự lạc hậu và bất cập của nền giáo dục đại học đang dần dần lọ diện và e rằng những điều xã hội đang nhìn nhận là tiêu cực cũng chỉ là phần nổi của tảng băng yếu kém và lạc hậu.
Xã hội ta có tình trạng là không ai nói gì thì coi như không có chuyện; khi có người đưa ra ánh sáng thì mới tá họa ra là quá tồi tệ mất rồi.
Chuyện chất lượng, chuyện bằng cấp, thậm chí cả học hàm học vị… ai dám chắc là xã hội đã nhìn thấy hết những bất cập của nền giáo dục, khoa bảng của đất nước?
Nhưng chuyện to lớn nhất, cấp bách nhất là năng lực của nền giáo dục đại học quá thấp, chất lượng của sản phẩm tạo ra có quá nhiều mặt yếu kém, bất cập để có thể phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học đã được hầu hết các nước, trước hết là các nước có trình độ phát triển cao, chứng tỏ là một chủ trương phù hợp để quản lý có hiệu quả nền giáo dục đại học.
Nó không phải chỉ toàn là hay, là tốt, nhưng chắc chắn hay và tốt là chủ yếu, và nó hay, tốt nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chủ quan những tổ chức và cá nhân thực thi.
Thời gian chỉ ủng hộ nếu chúng ta đi đúng hướng và có lộ trình thích hợp. Đúng hướng bây giờ vẫn chưa đủ, vì đúng hướng nhưng đi quá chậm thì cũng thất bại. Mà phải có lộ trình hết sức cấp tập trong phạm vi khả năng có thể cao nhất của chúng ta.
Xin đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục, trước hết là Bộ GD-ĐT, có quyết tâm cao và những quyết sách phù hợp nhất với yêu cầu trong việc theo đuổi một lộ trình có khả năng dẫn chúng ta vượt qua trì trệ và lạc hậu sớm nhất có thể được.
-
Hồ Sĩ Thoảng
Tự chủ giáo dục ĐH... |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: "Tự chủ ở ĐH là cần. Nhưng cần phải tránh xu hướng thả lỏng hoàn toàn. Nhà nước phải nắm được chất lượng của đào tạo để bảo về quyền lợi cho người học".
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển: "Trước hết, phải lựa chọn một vài việc để làm ngay mang tính chất thí điểm. Chẳng hạn, với những trường có đủ sức, có truyền thống và đội ngũ mạnh thì có thể giao quyền tự chủ cao. Để xoá cơ chế bộ chủ quản, phải đổi mới về nhận thức từ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo vụ đến các chuyên viên. Thứ nữa là thay đổi phong cách làm việc, thậm chí là những lợi ích cục bộ. Điều này còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Ngay cả tổ chức bộ máy cũng không thể giữ một cung cách quản lý, một bộ máy như hiện nay mà phải có thay đổi". Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân: "Bản chất của đòi hỏi đổi mới cơ chế quản lý giáo dục ĐH là giải phóng cho các trường công cũng như tư để phát triển, cho xã hội dễ dàng tham gia phát triển giáo dục ĐH, giống như bản chất của việc đổi mới kinh tế, là giải phóng lực lượng sản xuát, là xã hội hóa và tự do hóa nền kinh tế. Nhà nước chỉ nên xây dựng chiến lược và kế hoạch chiến lược, không nên xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết rồi áp đặt toàn hệ thống phải làm theo. Hãy để hệ thống được chuyển động theo cơ chế tự lựa chọn, tự sàng lọc, tự tối ưu hóa dưới sự định hướng và quản lý của Nhà nước. Nhà nước phải khôn khéo sử dụng bàn tay vô hình kỳ diệu của cơ chế thị trường". Nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Văn Đạo: "Trong trường hợp chưa thực hiện được việc giao quyền tự chủ ngay cho tất cả các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cũng nên cho phép một vài trường có điều kiện được làm thí điểm". GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH An Giang: "Khi mở rộng "cung" để cân bằng hơn với "cầu" học ĐH, cùng với chủ trương giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục ĐH, trong công tác quản lý, Nhà nước phải "nắm đằng chuôi". Ít ra, đó sẽ là những tiêu chuẩn kiểm định và hậu kiểm cho hàng loạt hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH. Chẳng hạn, như việc xây dựng "chuẩn kiến thức" mà bậc phổ thông đang làm" PGS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ: "Bước đột phá tăng quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo sẽ khiến trường chủ động hơn và sẽ làm tốt công tác của mình. Ít nhất là tiết kiệm được rất nhiều về thời gian bởi vì hầu hết thủ tục các trường phải đưa ra Bộ duyệt". |
Ý kiến của bạn: