NCS Đỗ Bá Thành, cán bộ giảng dạy của trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, hiện đang theo học khoá học Tiến sĩ tại trường ĐH Michigan theo học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) vừa có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đầu năm học mới.
"Giáo dục Việt Nam cần xây dựng và đi theo mô hình của riêng VN bởi lẽ mỗi nước có một điều kiện kinh tế, xã hội, con người và văn hoá khác nhau. Với thực tế hiện nay, Việt Nam cần tập trung ưu tiên đổi mới đào tạo bậc ĐH và sau ĐH bởi vì như thế sẽ nhanh chóng tạo ra một thế hệ tri thức mới làm đầu tàu để kéo cả hệ thống đi lên".
Sau khi phân tích 5 lãng phí của giáo dục, NCS Đỗ Bá Thành đề xuất những việc làm cụ thể, nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu được học của người dân và sự phát triển của đất nước.
Hạn chế 5 lãng phí
Đầu tư cho giáo dục là một sự đầu tư đúng đắn cho lợi ích “trăm năm trồng người”. Tuy nhiên, sự đầu tư này là đắt đỏ và những sai lầm trong quản lí đang gây ra sự lãng phí lớn và làm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội. Hiện nay, chúng ta đang bị những sự lãng phí vô hình và hữu hình.
Lãng phí chất xám
Nói đến điều này, mọi người đều nghĩ ngay tới sự ra đi không trở lại của các nghiên cứu sinh du học. Một số ít trong số họ đã trở về làm việc ở Việt Nam mà đa số những người này có những chức vụ hoặc quyền lợi lớn hơn so với làm việc ở nước ngoài. Vấn đề là làm sao để tạo môi trường, quyền lợi để ngày càng nhiều hơn những triíthức này trở về đóng góp cho Việt Nam? Đây là câu hỏi lớn mà bằng cách thay đổi cơ chế quản lí, xây dựng lại hệ thống giáo dục và nghiên cứu ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT có thể góp sức cùng với Chính phủ giải quyết.
Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến sự chảy máu chất xám ngay trong Việt Nam. Sự lãng phí này nằm ở việc các cán bộ giảng dạy ở các trường ĐH đang dành nhiều thời gian đi luyện thi ĐH hơn là làm nghiên cứu và cải tiến giảng dạy ĐH.
Cách đây chục năm, SV năm cuối làm nghiên cứu và viết thành luận văn để báo cáo ra trường thì bây giờ được gọi là khoá luận. Cấp độ đã bị giảm đi rất nhiều. Tôi nghĩ đó là một sự thụt lùi cần được chấn chỉnh. Có thể nói, đa phần những thầy cô giáo đi luyện thi hiện nay là những cá nhân xuất sắc được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu với một nền kiến thức cơ bản vững vàng. Những thầy cô giáo này, đúng ra phải là động lực cho sự bứt phá của Việt Nam trong giáo dục và khoa học công nghệ trong 30 năm qua. Sự mài mòn những tri thức đó do nhu cầu cuộc sống và sử dụng tri thức cao cấp chỉ để dạy cho HS phổ thông là một sự lãng phí mà theo tôi là không thể tưởng tượng được.
Các dự án đầu tư nước ngoài không xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển và thuê các cử nhân tốt nghiệp ĐH để làm những công việc không đòi hỏi trình độ cũng là một sự báo động về mài mòn chất xám.
Lãng phí "phong trào"
Một sự lãng phí nữa là các phong trào SV tình nguyện do Đoàn thanh niên tổ chức. Những chương trình SV tình nguyện, đưa SV ra giữ trật tự giao thông hoặc về các bản làng xa xôi để thực hiện những nhiệm vụ do Đoàn thanh niên đề ra không giúp họ củng cố kiến thức lí thuyết cũng như thực tiễn, sẵn sàng với những công việc sau khi ra trường.
Có thể, quan điểm “giáo dục là nhiệm vụ của toàn dân” sẽ phát huy ở đây. Bộ trưởng chắc cũng đồng ý với tôi rằng chất lượng đào tạo phổ thông ở các vùng nông thôn không tốt bằng ở thị xã hoặc thành phố. Tôi nghĩ Đoàn thanh niên nên phát động chương trình SV ĐH về dạy cho HS phổ thông ở các vùng nông thôn vào thời gian hè thì tốt hơn.
Lãng phí thời gian
Với cách quản lí và hệ thống lương hiện nay, các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, công nhân viên trong các hệ thống giáo dục không đủ để duy trì cuộc sống của mình. Mức lương cơ bản thấp và đánh đồng giữa cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ đang đẩy họ đến quyết định chỉ giữ chân trong các trường, viện trong khi đi làm thực sự cho các cơ quan hoặc việc riêng bên ngoài để có nguồn thu nhập cao hơn. Họ không thực sự làm việc vì lợi ích của cơ quan.
Ví dụ điển hình là cách các chương trình đào tạo được cải tiến trong khoảng 10 năm trở lại đây. Từ năm 1998 đến 2004, Bộ đã có ít nhất 2 lần đề nghị các trường ĐH xây dựng lại các chương trình giảng dạy các cấp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như nâng cao vị thế của nền giáo dục Việt Nam so với khu vực.
Số tiền đầu tư cho những lần cải cách này không nhỏ; nhưng là một cán bộ giảng dạy, tôi biết hiệu quả của các chương trình đó là rất nhỏ, không tương xứng với sự đầu tư của Bộ.
Lãng phí đầu tư
Trong khi những lãng phí trên là rất lớn nhưng khó có thể đong đếm vì đó là những thất thoát vô hình thì sự lãng phí về đầu tư là sự lãng phí hữu hình rất cụ thể mà Bộ, bằng cách thay đổi quan điểm quản lí dựa trên hiệu quả công việc và sự minh bạch sẽ hạn chế được rất nhiều.
Theo công bố của các cơ quan thông tin đại chúng, đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục tăng lên đều đặn hàng năm. Năm 2006 được biết là tăng tới 30%. Chính phủ cũng đã kí vay nhiều khoản tiền dành cho giáo dục từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính, chính phủ các nước với giá trị lên tới hàng chục triệu đôla. Bản thân Bộ GD-ĐT trong vòng sáu năm vừa qua cũng đã tổ chức phát hành trái phiếu giáo dục thu về cả ngàn tỷ đồng.
Chất lượng giáo dục của VN không vì thế mà được cải thiện. Vậy số tiền đó đi đâu? Đó là một câu hỏi lớn. So với các nước phát triển, tổng con số đầu tư vào giáo dục của Việt Nam vẫn còn là khiêm tốn; nhưng đối với Việt Nam, đấy là số tiền không nhỏ. Vấn đề ở đây là hiệu quả đầu tư.
7 kiến nghị "cởi trói"
Việc quyết định trao quyền tự quyết cho các trường ĐH là một bước đi táo bạo, phá vỡ những “bức tường” trong quan điểm quản lí của Bộ. Tuy nhiên, các trường cần có giai đoạn chuẩn bị và Bộ cũng cần giúp đỡ các trường. Vấn đề ở đây là làm thế nào để các trường chuyển tiếp từ từ sang trạng thái “tự do” mới. Theo tôi, Bộ có thể tiến hành các việc sau:
Giao toàn bộ giáo trình giảng dạy về cho các trường
Bộ đã có chủ trương các trường chuyển sang hệ thống đào tạo tín chỉ từ nhiều năm trước. Nhưng các trường đều lúng túng, không thể linh hoạt nhiều khi mà Bộ quy định năm thứ nhất phải học môn gì và năm thứ hai phải học môn gì. Xin hãy giao lại cái quyền quyết định đó cho các trường. Việc này không ảnh hưởng gì đến hoạt động của các trường mà sẽ tạo động lực cho các trường cải tiến chương trình để nâng cao chất lượng giảng dạy và là hình thức quảng bá, nâng cao vị thế các trường trong xã hội. Bộ cũng tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ từ việc này. SV cũng sẽ được linh hoạt hơn khi chọn lớp, chọn giáo viên và thời gian biểu cho mình.
Chuyển giáo viên của các trường thành cán bộ hợp đồng
Một trong những vấn đề lớn của quản lí cán bộ là tạo động lực cho các cán bộ được đóng góp hết mình, được nâng cao trình độ và hoàn thiện bản thân. Chuyển cán bộ từ biên chế sang hợp đồng là một cách hiệu quả thực hiện việc này. Những giáo viên đã được biên chế có thể coi như là những cán bộ đã được kí hợp đồng dài hạn, ví dụ 10 năm hoặc 20 năm. Tất nhiên, quyền nhận biên chế để giữ chân các cán bộ giỏi, có nhiều đóng góp là quyền tự quyết của các trường.
Xây dựng mức lương tối thiểu
Chỉ nên xây dựng mức lương tối thiểu chứ không nên xây dựng mức lương trần. Mức lương tối thiểu nên được tính trên cơ sở mức sống trung bình của vùng, miền và đảm bảo một mức tiết kiệm nhất định để các giảng viên có thể yên tâm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Mức lương này cần được điều chỉnh theo năm để phù hợp với điều kiện xã hội.
Theo tôi, đây là cách hiệu quả để khuyến khích sự đóng góp của mọi người vào công việc chung và giảm dần thời gian đi làm thêm bên ngoài. Chế độ đãi ngộ giáo viên nên để cho các trường tự quyết định. Một hiệu trưởng mang về cho trường ngân sách một triệu đôla thì lương của hiệu trưởng đó một vài trăm triệu đồng một năm cũng không có gì là quá đáng. Một nhà khoa học xây dựng được đề tài trị giá vài tỷ đồng thì được thưởng, tăng lương vượt cấp cũng là điều nên làm để khuyến khích sự toàn tâm toàn ý cho công việc.
Những điều này xin để cho các trường quyết định. Bộ GD-ĐT cần đảm bảo các giảng viên có cuộc sống thoải mái để theo đuổi sự nghiệp do Bộ lãnh đạo.
Xây dựng các tiêu chí đánh giá hoạt động đào tạo của các trường
Việc xây dựng các hệ thống tiêu chí đánh giá cho hoạt động của các trường không những giúp các trường có sự công nhận chính thức về chất lượng đào tạo, sự hiệu quả về tổ chức hành chính, đời sống cán bộ, sinh viên, môi trường học tập… mà còn là những dữ liệu hữu ích để các bậc phụ huynh và học sinh quyết định nên chọn trường nào theo học.
Những tiêu chí về cán bộ giảng dạy là quan trọng nhất. Các trường ĐH không nên mời các cán bộ giảng dạy chưa có bằng Tiến sĩ và không nên mời các nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ chính trường đó ở lại làm cán bộ giảng dạy.
Theo quy định của Bộ, các giảng viên có bằng Thạc sĩ mới được dạy ĐH, Tiến sĩ mới được dạy Thạc sĩ và Tiến sĩ. Như vậy, việc mời các cán bộ giảng dạy chưa là Tiến sĩ sẽ làm gánh nặng về ngân sách cho các trường hiện nay và cũng như tính cạnh tranh của các trường sau khi được giao đủ quyền tự quyết.
Đối với việc giữ lại các sinh viên xuất sắc, có ý kiến cho rằng “Nếu sinh viên mình đào tạo ra mà mình còn không nhận thì ở đâu dám nhận”. Theo tôi, nếu đã là sinh viên xuất sắc thì cần phải mang kiến thức và tài năng của mình thể hiện ở một nơi khác để nâng cao vị thế và uy tín của trường.
Một điểm nữa là dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Đây là một truyền thống tốt; nhưng xét trong trường hợp này lại phản tác dụng. Các nghiên cứu sinh được giữ lại, vì tôn trọng thầy, sẽ có sự kiêng dè nhất định trong phát biểu ý kiến và phản biện. Tất nhiên, các giáo sư vẫn khuyến khích cứ thẳng thắn phát biểu đi. Nhưng nói là một chuyện; đến phản biện luận án Tiến sĩ, Giáo sư được mời còn kiêng dè, ngại phát biểu thẳng sợ động chạm thì chuyện “trò góp ý với thầy” thẳng thắn là rất khó. Như thế đã kìm hãm tính sáng tạo của những cán bộ này. Tất nhiên, điều này không có lợi cho tất cả mọi người.
Theo tôi, vấn đề nhân sự cũng nên là một yếu tố quyết định cho việc thành lập một trường Đại học để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Nhiều trường dân lập hiện nay; kể cả ĐH và các bậc thấp hơn chỉ có hệ thống hành chính là biên chế, còn đa số cán bộ giảng dạy là cán bộ hợp đồng.
Các cán bộ giảng dạy này thường là cán bộ biên chế của một trường ĐH quốc lập. Như vậy, thời gian dành cho nghiên cứu và cải tiến nội dung giảng dạy của cán bộ này không có và đã xảy ra nhiều trường hợp dạy xô mà các báo đã đề cập. Chất lượng đào tạo không được đảm bảo, xã hội không coi trọng, người học bỏ tiền thật mua kiến thức cũ, ít khả năng ứng dụng như thể là mua đồ giả vậy.
Cuối cùng, chỉ có những người thành lập trường là lợi. Vụ việc trường Đại học Dân lập Đông Đô cho thấy lương tháng của nhân viên văn phòng tới 18 triệu đồng, trong khi lương cán bộ giảng dạy là 50.000đồng/tiết. Nếu các cán bộ được thuê dạy cho trường mà biết điều này, chắc không nhiều người sẽ còn nhận làm việc với trường.
Ngoài những đề xuất trên để xúc tiến chủ trương trao quyền tự quyết cho các trường, tôi xin đề xuất với Bộ trưởng một số cải tổ khác mà Bộ có thể thực hiện trong một chương trình dài hơi hơn để tăng cường quản lí chất lượng đào tạo bậc cao ở Việt Nam, rút ngắn thời gian Việt Nam cần để tiến kịp các nước trong khu vực.
Cho phép đa dạng hoá ngành nghề đào tạo
Cho phép các trường mở rộng ngành nghề đào tạo để nâng cao tính cạnh tranh của mình. Ví dụ, cho phép các trường Kinh tế quốc dân, Thương mại, Luật, Ngoại thương, những trường đang đào tạo đơn ngành được đào tạo các ngành khác và cả việc mở thêm các trường thành viên đào tạo về khoa học, công nghệ, nhân văn và xã hội… Đồng thời cho phép các trường khác chưa đào tạo các chuyên ngành này được phép mở các chuyên ngành này. Điều quan trọng là các cán bộ giảng dạy được mời về phải có bằng Tiến sĩ và phải về làm việc chính thức, chứ không làm việc bán thời gian hay dạy thuê cho trường.
Chuyển các trường cao đẳng thành các trường ĐH cộng đồng
Các trường Cao đẳng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng được yêu cầu của địa phương. Các sinh viên học các trường này được cung cấp một nền kiến thức cơ bản tương đối để thực hiện công việc chuyên môn của mình. Như vậy, nhiệm vụ của các trường Cao đẳng cũng không khác gì các trường Đại học; mà chỉ ở cấp độ và quy mô thấp hơn thôi. Vì vậy, việc chuyển các trường Cao đẳng thành các trường Đại học cộng đồng có thời gian đào tạo ngắn 2 tới 3 năm là hoàn toàn hợp lí.
Xoá bỏ hệ thống tại chức
Với sự đào tạo liên tục trong 30 năm qua, chúng ta đã có một hệ thống các cán bộ đủ trình độ cho các cấp của chính quyền; nhiều sinh viên giỏi hiện nay muốn tìm việc ở cơ quan nhà nước cũng không còn chỗ hay chỉ tiêu. Như vậy, tiêu chí của hệ đào tạo tại chức 30 năm trước không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
Một vấn đề khác là hệ đào tạo này không còn đào tạo cán bộ tại chức nữa mà đang đào tạo cả những sinh viên thi trượt đại học mà không có việc làm. Sự xô bồ trong tuyển sinh, lỏng lẻo quản lí trong giảng dạy và học tập đã không tạo ra chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu và tạo ra một dư luận không tốt trong xã hội. Bản thân các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan cũng không coi trọng chất lượng và bằng cấp của hệ thống đào tạo này. Vì vậy, việc xoá bỏ hệ đào tạo này để chấn chỉnh chất lượng đào tạo là hoàn toàn hợp lí.
Việc nâng cao trình độ cho các cán bộ tại chức hoặc thoả mãn nhu cầu nâng cao kiến thức của người dân nên bó gọn trong các khoá học chính quy ở các trường ĐH. Người học tại chức không cần học đủ tất cả các môn giống SV ĐH chính quy mà chỉ cần học các môn đáp ứng cho công việc của mình thôi. Như thế sẽ giảm thiểu kinh phí cho cơ quan cử cán bộ đi học và người đi học sẽ được tạo điều kiện dễ dàng hơn.
Thưa Bộ trưởng! Việt Nam đang kêu gọi sự đầu tư của Việt kiều, nhất là đầu tư chất xám. Nghị định 36/CP đã thể hiện rõ điều này. Nhưng để tập hợp được lực lượng khoa học hùng hậu này thì bản thân Bộ cần thể hiện được thiện chí của mình qua những hành động cụ thể. Bộ cần xây dựng niềm tin với chính phủ, với các đại biểu quốc hội, với nhân dân là mình đang làm một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất vì lợi ích muốn học và được học của người dân và vì sự nghiệp phát triển đất nước.
Tôi tin rằng với tài năng và sự quyết tâm của Bộ trưởng, sự ủng hộ của các cấp và sự giúp đỡ ngày càng nhiều của các tổ chức và cơ quan quốc tế, nền giáo dục của Việt Nam sẽ tiến những bước nhanh trong thời gian không xa.
-
Đỗ Bá Thành (ĐH Michigan)