(VietNamNet) - Chuyện không mới, nhưng ở bất kỳ một hội nghị hay diễn đàn nào giữa các trường ĐH, CĐ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, điệp khúc đề nghị "cởi trói" luôn nóng lên.
Trường quyết chỉ tiêu
Các đại biểu tại hội nghị hiệu trưởng khu vực phía Bắc ngày 30/8. Ảnh K.O |
Hiệu trưởng trường ĐH Mỏ Địa chất Trần Đình Kiên cho rằng, trong thực tế, nhiều trường có điều kiện tuyển quy mô nhiều hơn nhưng vẫn bị khống chế bởi can thiệp từ xa của các cơ quan chức năng.
Tự quyết chỉ tiêu đào tạo là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT phải thẩm định năng lực thực của từng đơn vị. Đồng thời, phải có cơ chế giám sát chất lượng đào tạo. "Nếu vẫn tồn tại cơ chế xin-cho như hiện nay nếu có xảy ra vấn đề gì thì Bộ GD-ĐT chịu chứ không phải các trường", ông Kiên nói.
Theo Hiệu trưởng ĐH Công nghiêp Hà Nội Hoàng Văn Điện, nếu để các trường tự cân đối chỉ tiêu tuyển sinh, lập tức trách nhiệm của từng trường sẽ nâng lên. Cụ thể là sẽ phải xem xét tuyển những nguồn nào để đảm bảo chất lượng. Nếu tuyển ồ ạt thì trường phải chịu trách nhiệm với nhà nước...
Còn theo quy trình hiện nay, mỗi năm các trường làm văn bản xin chỉ tiêu rất mất thời gian. Trong khi đó, việc duyệt chỉ tiêu đầu năm thường được cân đối trên các điều kiện nhưng vẫn có trường có năng lực đã xin thêm chỉ tiêu bổ sung.
Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp Sao Đỏ Vũ Thanh Chương thì khẳng định chắc như "đinh đóng cột": Nếu để tuyển sinh đúng với năng lực thì trường ông có thể tuyển đến 1.500 - 1.600 chỉ tiêu. Năm 2006 chỉ tiêu được giao là 700. So với điều kiện đáp ứng của trường còn lãng phí quá nhiều. Bởi, số giảng viên/ SV là 1/10; diện tích trung bình cho mỗi SV khoảng 25 m2.
"Lý do khống chế chỉ tiêu của Bộ chủ quản đưa ra là nâng chất lượng đào tạo nhưng thực chất không phải như vậy. Cái cần quan tâm là điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường như: Chương trình đào tạo phải đổi mới; chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất".
"Update" nguồn thu
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ đã có chủ trương từ lâu nhưng chỉ đạo thực hiện lại quá chậm, ông Vũ Thanh Chương nhận xét
Mấu chốt của việc này là tự chủ về tài chính. Nghị định 10 của Chính phủ và Chỉ thị 25 của Bộ Tài chính cũng đã giao quyền tự chủ và khoán định mức chi tiêu tài chính cho các trường ổn định trong thời gian 3 năm. Thế nhưng, nguồn thu để đảm bảo hoạt động tài chính của các trường vẫn đang bị khống chế. Ví như, vấn đề thu học phí.
Không phải đến hội nghị tháng 8, một hội nghị hiệu trưởng các ĐH trước đó, vào tháng 5, nhiều cơ sở đào tạo ĐH đã tỏ ý không bằng lòng khi mức học phí dự kiến là "nới trần" của năm 2005 chưa được thực hiện.
Một lý do dễ thấy nhất: biến động giá cả từ khi có quy định "cứng" về học phí (năm 1998) đến nay là rất lớn. "Mua 1kg sắt cho SV thực tập năm 1998 chỉ có 2.800 đồng, thì nay lên 12.000 đồng/kg; hoặc 1kg que hàn thời đó chỉ 2.700 thì nay lên 12.000 đồng/kg", ông Chương nêu ví dụ cụ thể.
Điều bức xúc hơn là mặt bằng lương tối thiểu cho 1 cán bộ, giảng viên lúc đó là 140.000 đồng/tháng nay tăng 420.000 đồng/tháng. Nhưng, nhà nước không cấp thêm ngân sách cộng với học phí không tăng khiến Hiệu trưởng phải đảm bảo thu nhập mức lương hiện nay là rất khó cho các trường.
Không muốn gánh việc "lẫn"
Theo GS-TS Lê Minh Tâm, Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội, để thực sự "cởi trói", cần đặt lại vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận: Bộ GD-ĐT, các cơ quan hữu quan và từng trường ĐH, CĐ...
Với gần 1 triệu cán bộ, công nhân viên và 1/8 dân số là học sinh sinh viên..., để quản lý được, đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo phải có các chính sách, kiểm tra, giám sát đồng bộ. Ngoài ra, Bộ cần thiết phải có bộ phận chuyên xử lý các vấn đề phát sinh mà các cơ sở không giải quyết được.
Ông Tâm phân tích, thực tế, vẫn có những vấn đề lẫn sang ngành giáo dục mà hậu quả các trường phải gánh. Đó là chính sách miễn giảm học phí, việc giải quyết thuộc cơ quan có chức năng giải quyết chế độ chính sách. Còn các trường chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo lại phải trích ngân sách ít ỏi nhà nước cấp để chi trả cho những đối tượng chính sách là không hợp lý.
Ông Hoàng Văn Điện nêu bất cập: Trường có quy mô đào tạo hơn 20.000 SV, ngân sách nhà nước chi thường xuyên chưa đến 10 tỷ/năm. Số tiền giải quyết chế độ chính sách miễn giảm học phí cho người có công diện trợ cấp xã hội và cấp học bổng...mỗi năm gần 4 tỷ, chiếm 40% ngân sách nhà nước cấp.
Nên chăng, Nhà nước chưa mở rộng khung học phí thì phải có chính sách trợ cấp cho người nghèo. Giải quyết vấn đề này nên để cơ quan có chức năng như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết chứ không nên để các trường. Nhà nước nên cho tiền trực tiếp những đối tượng diện chính sách nhà nước để họ đóng học phí, vì chức năng của các trường là đào tạo chứ không phải giải quyết chính sách - ông Điện kiến nghị.
Ông Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, để tạo điều kiện cho các trường ĐH vùng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nhà nước cần có khuyến khích tăng lương gấp đôi cho giảng viên ĐH ở những vùng khó khăn, miền núi. Cùng với đó, phải có đơn vị giải quyết chính sách cho đối tượng được hưởng ưu tiên chứ không nên dồn việc cho các trường...
Xem xét những văn bản "tuổi đời 10 năm"
Vụ trưởng Vụ ĐH& Sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho hay, việc "cởi trói" cho các trường phải được làm từng bước, không thể giao ồ ạt vì có những trường không đủ năng lực. Hoặc nhiều vấn đề cần phải xét cân nhắc, tránh tình trạng giao quyền tự chủ cho các trường rồi nhưng vẫn hỏi Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đối với vấn đề quản lý trong ngành, trường nào thấy bị “ràng buộc” bởi cơ chế quản lý của các Sở GD-ĐT địa phương, tới đây sẽ có cơ chế làm việc trực tiếp với các Thứ trưởng phụ trách vùng.
Trong tháng 9 và 10, Bộ sẽ rà soát lại quy trình công việc, nắm rõ mỗi vụ việc cơ sở đưa lên bắt đầu ở vụ nào, kết thúc ở đâu để sắp xếp, công bố trong tháng 11 quy trình giải quyết từng mục công việc và đưa vào tin học hoá quản lý.
Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ cũng sẽ rà soát lại các văn bản pháp quy, những văn bản nào đã có “tuổi đời” trên 10 năm sẽ được ưu tiên đưa vào danh mục rà soát ngay và phân loại từng cấp ra văn bản để đề xuất điều chỉnh, bổ sung.
-
Kiều Oanh