(VietNamNet) - Sự kiện giáo dục nổi bật trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Đó là lời kêu gọi của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, chính thức phát động tại Hội nghị tổng kết năm học 2005 - 2006 ở TP.HCM mới đây.
Chống tiêu cực – phải từ chính hệ thống
Lần đầu tiên 64 giám đốc Sở GD&ĐT cả nước ký tên chung trong bản cam kết với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ: “Không chấp nhận, không tiếp tay cho gian lận thi cử, không chấp nhận bệnh chạy theo thành tích trong đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo”.
Nhưng cuộc chiến này không hề đơn giản, bởi mặc dù vừa ký cam kết, nhưng vẫn có tới 17 Sở GD-ĐT kêu khó, vì lo không tạo được sự đồng thuận (!).
Bởi vì, căn bệnh gian dối không chỉ nằm trong cơ thể giáo dục, nó đã nằm ngay chính trong cơ thể xã hội. Nhưng đã gọi là bệnh, phải có căn nguyên. Bắt mạch giáo dục, người ta thấy có tới bảy căn nguyên.
Bốn căn nguyên chuyên môn
Có thể thấy rõ, bốn căn nguyên tạo nên chất lượng giáo dục thấp thuộc về các giải pháp chuyên môn:
1) Nội dung, chương trình, SGK ít tính ứng dụng, thực hành, nhưng lại nặng và quá tải.
2) Phương pháp giảng dạy của người thầy phổ biến là đọc – chép. Điều này đã không giúp cho học sinh phát triển năng lực tư duy, hiểu, nhớ để vận dụng và sáng tạo, khiến cho học sinh hổng kiến thức từ bậc tiểu học.
3) Phương pháp tổ chức, cách làm giáo dục rất thực dụng, theo kiểu “ mì ăn liền”. Học sinh đi học, bên cạnh SGK có sách giải bài tập, sách in đáp án (trước đây đi thi, học sinh còn có cả bộ đề thi).
4) Kinh phí đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với yêu cầu mục tiêu đào tạo. Vẫn tiếp tục tỷ lệ 80 – 90% ngân sách giáo dục và đào tạo phải chi trả cho lương giáo viên, còn lại một tỷ lệ không đáng kể mới chi cho các hoạt động giáo dục.
Ba căn nguyên quản lý
Ba căn nguyên tạo nên chất lượng giáo dục “ảo” thuộc về các giải pháp quản lý của giáo dục và của cả xã hội. Đó là:
1) Chỉ tiêu thi đua. Về mục đích, thi đua dạy tốt – học tốt là một chủ trương đúng đắn. Nhưng trong quá trình chỉ đạo, nó đã biến thành chỉ tiêu, con số xơ cứng, gây sức ép lớn cho giáo viên. Sở chỉ đạo trường, trường chỉ đạo thầy, phải có tỷ lệ phần trăm học sinh khá, giỏi... Các tỷ lệ này lại quan hệ rất chặt chẽ với cái “danh”, các danh hiệu bình bầu.
2) Lợi ích cá nhân. Hẳn không có bất cứ một ông Giám đốc Sở GD- ĐT có lương tâm nào lại muốn thi cử nơi địa phương mình gian dối? Nhưng kỳ thi cũng là nơi diễn ra hoặc xung đột, hoặc là sự “thoả hiệp” nhiều phía vì lợi ích cá nhân mỗi bên: học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý các cấp... Và thường thì sự “thoả hiệp” thắng thế, vì ai cũng được hưởng lợi: học sinh thì đỗ, gia đình học sinh vui mừng. Trường học, Sở có tiếng.
3) Màu cờ sắc áo địa phương. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao hay thấp không còn là của riêng ngành GD. Nó đã trở thành màu cờ sắc áo, “niềm tự hào” của chính địa phương. Chính căn nguyên này gây sức ép tâm lý cho GĐ các Sở GD-ĐT.
Tất cả những căn nguyên trên xét cho cùng, chỉ giải quyết lợi ích cho cá nhân, nhưng lại làm tổn hại rất lớn tới lợi ích của đất nước: lãng phí tiền của, thời gian, sức lực mà hiệu quả đào tạo lại vô bổ.
Chống tiêu cực phải xây dựng thành cơ chế
Muốn có hiệu quả, cuộc vận động phải xây dựng được cơ chế vận hành, kết hợp nhiều giải pháp giáo dục đồng bộ dưới một tư duy mới.
Đó là ngành giáo dục và đào tạo xem xét lại chủ trương và phương thức tổ chức thi đua. Chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng sát với các điều kiện giáo dục, tránh duy ý chí, nhưng lại phải động viên được sự nỗ lực học tập của thầy trò. Bởi bản chất của thi đua đòi hỏi có sự cố gắng vượt lên hoàn cảnh chứ không dừng lại ở hoàn cảnh.
Chống bệnh gian dối một cách căn bản nhất, hữu hiệu nhất và có ích nhất cho đất nước chính là ngành phải nâng được chất lượng GD-ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
Là việc xem xét điều chỉnh nội dung, chương trình, SGK với một cái nhìn tổng thể, xuyên suốt mục tiêu học gắn với hành.
Là xã hội hoá giáo dục mạnh mẽ, khai thác và tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội để các cơ sở giáo dục có những điều kiện tương ứng tạo nên chất lượng.
Đặc biệt, là xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thực sự có đức, có tâm, có tài, có niềm say mê với đổi mới phương pháp giáo dục, tạo dựng những thế hệ trẻ có năng lực tư duy và sáng tạo. Họ phải được ưu đãi hơn nữa, nhưng đồng thời, cũng phải có những chế tài quy phạm pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc hơn nữa.
Quan trọng nữa, chống tiêu cực trong giáo dục còn phải trên một nền tảng xã hội có sự đổi mới nhận thức về tiêu chí, thước đo năng lực thực chất, tạo ra một môi trường canh tranh, trong đó yếu tố cơ bản nhất là sự bình đẳng về cơ hội tuyển dụng, thay thế cho sự quá coi trọng về bằng cấp. Có như thế, sự gian dối không chỉ khó còn đất sống trong nhà trường mà cũng khó còn đất sống ở ngay trong xã hội.
-
Kim Dung