(VietNamNet) - Đường dây chạy trường tại THPT Lê Quý Đôn và THCS Hồng Bàng (TP.HCM) đang được báo chí phanh phui gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trong cuộc trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM và ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch MTTQ TP, đã bày tỏ trăn trở về cách khắc phục nạn chạy trường hiện nay.
- Chạy trường: Ba năm, hơn 1.000 học sinh đi..." cửa sau"
- Đang làm rõ vụ “chạy trường” tại TP.HCM
- Hé lộ một đường dây "chạy trường" ở TP.HCM
- Hà Tây: Đường dây lừa đảo chạy trường
- Chuyện chạy trường, lớp & "thương hiệu" giáo dục!
- Mùa “chạy trường”: Bắt đầu nóng
"Đăng tải điểm chuẩn, danh sách thi đỗ như ĐH!"
Ông Nguyễn Văn Minh |
Ông Nguyễn Văn Minh: HĐND TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi việc nạn chạy trường. Đoàn Thanh tra của Sở GD-ĐT TP.HCM bắt đầu làm việc về vụ chạy trường ở THPT Lê Quý Đôn từ ngày 28/8 và sau một tuần sẽ có báo cáo.
Căn nguyên của nạn chạy trường là chất lượng và uy tín giữa các trường của TP chưa đồng đều.
Một số phụ huynh có tiền muốn con mình vào các trường có tiếng tăm, có điều kiện học tốt bằng mọi giá, thậm chí chạy chọt, ngay cả khi con mình không đủ khả năng học tại đó.
Nhiều phụ huynh sai lầm khi cho rằng con mình, ngay cả với lực học kém, nhất định sẽ học tốt lên khi vào các trường có uy tín. Trong điều kiện công tác quản lý tại các trường chưa chặt chẽ, một số người có thẩm quyền đã lợi dụng khe hở để "làm tiền" phụ huynh.
Thực ra, hiện tại TP chủ trương không phân biệt trường tốt, trường xấu. Có sự phân biệt trong cách đánh giá của người dân là do trước đây Sở GD-ĐT tập trung đầu tư chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất cho một số trường trọng điểm.
Hơn nữa, một số trường đã có thương hiệu từ trước giải phóng.
Rất nhiều phụ huynh hoài nghi trước mô hình trường công "tự hoạch toán" của trường Lê Quý Đôn TP.HCM. (Ảnh: Thanh Niên) |
Việc chạy trường ở THPT Lê Quý Đôn rõ ràng là chạy theo tiếng tăm, vì gần đây, chất lượng giáo dục tại trường này đã giảm sút.
Hiện, TP đã xây dựng được một số trường đạt chuẩn quốc gia ở vùng ngoại thành và các vùng ven, chứ không phải chỉ tập trung ở trung tâm như trước đây. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thấy thương hiệu đó.
Để ngăn chặn nạn chạy trường, ngành giáo dục TP cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên tương đối đồng đều giữa các trường ở các quận - huyện để tránh tình trạng học sinh chỉ đổ dồn về một số trường.
Mọi thông tin về tuyển chọn học sinh như tiêu chuẩn tuyển chọn, thủ tục hồ sơ, danh sách học sinh đỗ và điểm số cần được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, chẳng hạn trên mạng internet, như đối với tuyển sinh đại học. Mỗi trường cần có trang web để đăng tải các thông tin trên.
Có như thế, các cơ quan chức năng và người dân mới có thể giám sát phòng ngừa và phát hiện kịp thời những sai trái.
"Các phụ huynh nên tiếp tục tố cáo các trường hợp khác"
Ông Lê Hiếu Đằng: Vấn đề chạy trường đã gây nhức nhối trong dư luận từ trước đến nay. Nhân việc một số cá nhân cụ thể bị báo chí phanh phui, những phụ huynh có tấm lòng, nỗi bức xúc nên tiếp tục tố cáo các trường hợp khác ở bất kỳ trường nào để làm trong sạch hóa môi trường giáo dục luôn.
Nhân đây, chính quyền TP.HCM và ngành giáo dục cần phát động phong trào chống nạn chạy trường, giống như đợt chống tiêu cực trong thi cử do Bộ trưởng Bộ giáo dục - đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động vừa qua.
Thanh tra ngành và cơ quan công an cần đẩy mạnh kiểm tra để phanh phui những vụ tiêu cực tiếp theo, cũng như phát hiện các lỗ hổng trong quản lý giáo dục.
Hiện nay vẫn còn tình trạng trường chuyên, lớp chọn, đầu tư cho các trường thiếu đồng đều dẫn đến nạn chạy trường. Trước mắt, phụ huynh cần đánh giá đúng sức học của con mình để chọn những trường thích hợp, đừng cố nhồi nhét con vào những trường không thích hợp bằng các biện pháp tiêu cực và vô tình... hành hạ con.
-
Phạm Cường (ghi)
Trung Quốc : Không công bố kết quả học tập để tránh gây áp lực cho học sinh |
Bộ giáo dục Trung quốc vừa ra quyết định kể từ tháng chín năm nay, giáo viên không được công khai kết quả học tập của học sinh trước lớp nhằm làm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, quyết định trên chỉ áp dụng cho học sinh cấp 2 trở xuống. Bộ giáo dục cho rằng, học sinh cấp ba có khả năng chịu đựng được áp lực học tập để nhằm chuẩn bị cho cuộc sát hạch vào đại học. Bộ giáo dục cũng yêu cầu bãi bỏ những danh hiệu xếp hạng học sinh tiểu học như “giỏi”, “xuất sắc” hay “yếu”; “trung bình” căn cứ trên số điểm học tập của học sinh. Quyết định trên cũng cảnh báo với các sở giáo dục địa phương không được mở các lớp chuyên để vận động tài chính từ phía phụ huynh học sinh. Hơn 1.500 ý kiến của phụ huynh tán thành quyết định này của Bộ được ghi nhận trên website Sina.com, một trong những website lớn nhất tại Trung Quốc. Một số ít kiến cho rằng, quyết định mới của Bộ giáo dục sẽ không phát huy được tác dụng nếu cứ duy trì kỳ thi sát hạch vào đại học như hiện nay. “Con em chúng ta đang chịu đựng một hệ thống giáo dục khoa bảng”, một nhà giáo dục không nêu danh phát biểu trên mạng Sina.com. Trọng Vũ - (Theo Tân Hoa Xã) |
Ý kiến của bạn: