(VietNamNet) - HS đã học hết lớp 6 và lớp 8, nhưng khi đánh vần 4 chữ "Sơn Tinh - Thủy Tinh" phải "rặn" hết 10 phút vẫn chưa xong. Đánh vần chữ "Thánh Gióng" thành "nhà hòn", và làm phép tính 6: 2=4 và 8x2=6! Đó là chuyện về 2 em HS mà chúng tôi đã gặp ở trường THCS Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ).
Đây là kết quả những phép tính của Tám và Anh |
Đánh vần Thánh Gióng thành...nhà hòn!
Vũ Văn Tám vừa học hết lớp 8, chuẩn bị lên lớp 9 trong năm học 2006-2007.
Đến nhà Tám, chúng tôi phải ngồi đợi vì em không có nhà. Mẹ của Tám cho biết: Đang trong dịp nghỉ hè nên em thường giúp bố mẹ công việc gia đình, nếu không làm việc đồng áng thì Tám cũng đi thả bò, ít khi ở nhà vào ban ngày.
Biết chúng tôi đang cần gặp Tám nên vừa nói chị vừa đứng dậy chạy ra ngoài đê để tìm. Một lúc sau chị và cậu con trai trở về, chúng tôi nói với chị muốn kiểm tra kiến thức của Tám xem những tin đồn về cậu con trai của chị có đúng không?
Công việc đầu tiên là để cho Tám đọc một đoạn trong câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh ở sách Văn học lớp 6.
Sau một lúc bỡ ngỡ, Tám bắt đầu ngồi đánh vần. Nhưng phải hơn 10 phút, em vẫn không đánh vần nổi 4 chữ "Sơn Tinh - Thủy Tinh". Chúng tôi tiếp tục mở truyện Thánh Gióng để cho Tám đọc. Lần này, có "tiến bộ" hơn. Ngồi một lúc, Tám bắt đầu ê, a đánh vần. Em đánh vần được thật, chỉ mỗi tội lại đọc Thánh Gióng thành… Nhà hòn.
Chúng tôi tiếp tục để Tám đánh vần một đoạn trong truyện Thánh Gióng với nguyên mẫu là: "Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn...".Ngồi một lúc khá lâu, em bắt đầu đọc: "Tục ngữ truyền người những Vương thứ sau hở lòng...".
Chúng tôi đưa ra một vài phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Ngồi vã cả mồ hôi, Tám đưa ra một loạt đáp án kinh khủng. Các phép tính chúng tôi đưa ra, sau hơn 20 phút loay hoay, Tám đưa kết quả: 9 x 2 = 8; 7 x 6 = 42; 72 : 9 = 3; 100 : 5 = 43...
Tôi hỏi vì sao không đọc, không làm toán được mà kiểm tra vẫn được điểm, không phải thi lại ? Em cho biết: "Có lần kiểm tra, cô giáo bảo, hôm nào cô giáo không bảo thì em nhìn bài bạn ngồi bên cạnh". Tám còn “khoe” năm nào em cũng được lên lớp, năm học vừa rồi môn Toán em được tận 7,0 và môn Văn em được những 6,2 (!!!?)
Mẹ Tám tâm sự: Đi họp phụ huynh, cô giáo chỉ nói Tám nghịch, học hơi yếu chứ không nói nó dốt thế này. Về nhà, kiểm tra vở của cháu vẫn thấy có những điểm 5, 6, 7, 8. Nhưng đến tận bây giờ, tôi mới biết nó đánh vần không nổi và viết cũng không xong! Thà nhà trường cứ cho cháu học đúp còn hơn. Chứ cái kiểu hôm nào cũng cắp sách đến trường mà một chữ bẻ đôi cũng không biết! Không hiểu nhà trường dạy dỗ kiểu gì?
6:2 = 4; 8x2=6!
Trần Việt Anh, vừa học xong lớp 6, chuẩn bị bước vào lớp 7, nhà ở khu 2 xã Phượng Lâu. Giống như Vũ Văn Tám, Trần Việt Anh cũng đang ở trong tình trạng "một chữ bẻ đôi không biết". Để kiểm tra kiến thức của Việt Anh chúng tôi đưa em đọc truyện Thạch Sanh, loay hoay mãi Việt Anh bắt đầu đánh vần và chúng tôi thật sự bất ngờ khi Việt Anh đọc Thạch Sanh lại thành …Thánh Gióng và viết hai chữ Thạch Sanh thành Thảnh Sanh.
Không thể kiên nhẫn được nữa, chúng tôi liền bảo Việt Anh cầm sách viết một đoạn trong câu truyện Thạch Sanh với nguyên mẫu của cả đoạn là: "Một hôm có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua đó. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: Người này khoẻ như voi....". Vừa đánh vần, Việt Anh vừa viết lại đoạn văn trên như sau: "một hôm, có nguay hang dang lên là Lì thông đi qua đò. Thấy thạc Sanh gành sề một gành cụi lớn, hân ngì bung..." .
Chúng tôi tiếp tục đưa ra một vài phép toán đơn giản để Việt Anh giải, nhưng cũng giống như Vũ Văn Tám, Việt Anh ngồi đánh vật khá lâu mới đưa ra 1 loạt đáp án kinh hoàng: 6 : 2 = 4; 15 - 11 = 19; 8 x 2 = 6; 12: 4 = 8...
Chứng kiến tình trạng con mình học yếu như vậy, chị Nguyễn Thị Thao, mẹ Việt Anh mới tá hoả: Tôi không nghĩ con mình kiến thức lại rỗng đến như vậy, chẳng biết đến trường nó học cái gì? Biết sự thực này, tôi xót ruột lắm, học hết lớp 6 rồi mà chẳng biết chữ nào. Gia đình tôi mong muốn nhà trường cho cháu đúp lại, kiến thức hổng cho nào thì dậy lại cho cháu chỗ đấy. Chứ bây giờ bắt nó bỏ học thì tội lắm!
Nỗi đau không phải riêng ai...
Tâm sự của mẹ các cháu Việt Anh, Tám...ở Phượng Lâu cũng là nỗi lo của các bậc làm cha, làm mẹ. Các chị cứ nghĩ cho con đến trường được học cái chữ để nương cậy lúc tuổi già. Thế mà con của các chị ngày nào cũng ôm cặp tới trường, mỗi năm lên một lớp.
Nỗi lo và băn khoăn đó càng nhân gấp bội phần khi chúng tôi được tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Khẩn - Hiệu trưởng trường THCS Phượng Lâu.
Ông cho biết, trong những năm qua, công tác giáo dục của trường đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, từ khi thành lập năm 1997 đến nay, trường không có học sinh lưu ban, chỉ có năm học 2005 - 2006, trường mới có học sinh phải thi lại. Hiện nay, chúng tôi đang phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia!?...
Trong buổi làm việc với phóng viên báo Nhân Dân, ông Đặng Văn Nghề, Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Việt Trì cho biết, hiện tượng học sinh ở Việt Trì "ngồi nhầm lớp" là có, nhưng chỉ là rất cá biệt. Việc để học sinh lớp 6, lớp 8 mà vẫn chưa biết đọc, biết viết, biết làm tính là không thể chấp nhận, giáo viên, kể cả cán bộ quản lý phải chịu trách nhiệm. Bước vào năm học mới, Phòng GD-ĐT sẽ chỉ đạo rà soát, đánh giá lại chất lượng học sinh toàn thành phố, những học sinh "ngồi nhầm lớp" hoặc học quá yếu sẽ được kèm cặp, phụ đạo thêm. Phòng cũng không đặt ra yêu cầu tỷ lệ học sinh lên lớp từ năm học này.
Ông Phan Văn Lân, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Tới đây, Sở GD-ĐT triển khai nhiều nội dung và kiên quyết đấu tranh với nạn tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Còn về tình trạng “ngồi nhầm lớp”, ngành sẽ sắp xếp để những học sinh học lại.
-
Ngọc Long
"Để HS lưu ban sẽ dẫn đến tiêu cực trong đánh giá" |
Biểu hiện rõ nhất của căn bệnh vị thành tích ảo trong giáo dục là báo cáo không trung thực với Đảng và Nhà nước về chất lượng thật của giáo dục. Chúng ta đều biết mâu thuẫn sâu xa nhất trong ngành giáo dục đó là mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng. Chính vì sự phát triển nhanh về số lượng, chúng ta chưa kịp có đội ngũ giáo viên đủ tầm, đủ mạnh để hoàn thành sứ mạng vẻ vang cho sự nghiệp trồng người. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học quá nghèo nàn lạc hậu, đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta lại đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mâu thuẫn đó càng gay gắt, nếu chúng ta không cho học sinh lên lớp, để lưu ban cũng như không cho học sinh đi thi vì không đủ điều kiện dự thi, không bằng đủ mọi cách cho các em tốt nghiệp ra trường thì không có chỗ cho các em ngồi học, không đủ thầy dạy... dẫn đến tiêu cực trong đánh giá, xếp loại, thi cử. (Trích báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội thảo đổi mới công tác thi đua khen thưởng khối giáo dục phổ thông, diễn ra ngày 22/8)
|
Ý kiến của bạn: