(VietNamNet) - "Tiêu chí thi đua không hợp lý là nguyên nhân của bệnh thành tích. Chỉ tiêu đề ra không phù hợp dẫn đến tình trạng đối phó. Phải đổi mới công tác thi đua để chúng ta không còn phải nói dối nhau" - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết sáng nay, tại hội thảo đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành giáo dục.
Hội thảo này cùng lúc diễn ra tại ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM) ngày hôm nay, 22/8.
"Suy tôn non", "điển hình giả"
Các đại biểu khu vực miền Trung và Tây Nguyên tham dự hội thảo tại trường THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) dưới sự điều khiển của 2 thứ trưởng. Ảnh: Hải Châu |
Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa "bắt bệnh": Biểu hiện rõ của hiện tượng chạy theo thành tích là việc xác định chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu thi đua ở một số đơn vị, trường học thường căn cứ số lượng cần có chứ ít khi theo phân tích tình hình thực tế của đơn vị mình để xác định chỉ tiêu phấn đấu phù hợp.
Ông Hoa không đồng tình với những biểu hiện "san bằng", "duy ý chí" trong thi đua, năm sau lúc nào cũng phải bằng và cao hơn năm trước.
Ông nêu dẫn chứng: Trong thi đua, thường có các chỉ tiêu khống chế. Các trường muốn có danh hiệu trường tiên tiến cũng phải cố tìm cho được một tổ lao động xuất sắc. Muốn có một tổ lao động xuất sắc phải cố tìm ra một giáo viên giỏi hoặc chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cứ thế, nhiều đơn vị, cá nhân được "suy tôn non", được thành "điển hình giả" mà không thuyết phục được ngay cả chính người trong đơn vị. Nhưng năm này họ được thì năm sau chắc sẽ không mất hoặc sẽ đạt thi đua cao hơn!
Ông Hoàng Bá Cơ (Sở GD-ĐT Quảng Bình) chỉ ra "con đường lây nhiễm bệnh thành tích": Có khi chỉ xuất phát từ 1 người, sau một lần có biểu hiện gian dối, không đúng thực chất, nhưng được chấp nhận, từ đó trở thành phổ biến. Điều đáng nói, "con đường lây nhiễm" này lại được hợp pháp hoá. Đánh giá thi cử bình thường, đúng quy chế, tỉ lệ đỗ bình thường... mặc dù có rất nhiều biểu hiện bất thường.
"Tiêu chí không có tội"
Hội thảo cùng lúc tổ chức tại 3 miền. Tại Hà Nội, gồm lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc, do Thứ trưởng Trần Văn Nhung và Bành Tiến Long chủ trì. Tại Đà Nẵng, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, Phạm Vũ Luận chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.Hội thảo ở TP.HCM do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, có sự tham gia của Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai và lãnh đạo các Sở GD-ĐT phía Nam. Các hội thảo diễn ra độc lập, không "bắc cầu truyền hình" |
Bà Nguyễn Thị Thành Chung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sở Phú Thọ cho rằng, các chính sách ở tầm vĩ mô cũng là một yếu tố kích thích bệnh thành tích. Ví dụ như yêu cầu học sinh tiểu học không lưu ban... trong khi thực tế không thể đáp ứng.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, "bệnh" có nhiều nguyên nhân, đôi khi còn do từ ngay cách đề đạt chỉ tiêu thành tích. Cần phải linh hoạt trong các chỉ tiêu, sao cho phù hợp với vùng miền, đối tượng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lương, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Quảng Trị lại cho rằng, tiêu chí không có tội tình gì, vấn đề là phương pháp chỉ đạo thực hiện. Chẳng hạn, công tác phổ cập giáo dục, mục tiêu là nâng cao trình độ dân trí nhưng do sai lầm trong cách làm như điều tra không chính xác, áp đặt chỉ tiêu, một năm thi 3 - 4 lần cho xong nên dẫn đến hình thức".
Ông Lương nhìn nhận, căn bệnh thành tích không đơn thuần trong ngành giáo dục mà là vấn đề xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do quản lý giáo dục bị chệch động cơ dẫn tới chệch mục tiêu. Do vậy, phải giải quyết vấn đề từ khâu quản lý.
5 "đổi mới"
Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai đưa ra 5 vấn đề cần đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng: đổi mới nhận thức và xác định rõ vị trí của công tác này, đổi mới hình thức tổ chức, đổi mới việc xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến, đổi mới công tác khen thưởng và đổi mới cán bộ làm công tác này.
Đề cập tới các giải pháp thực chất hơn, ông Hoa kiến nghị cần xây dựng và ban hành thống nhất hệ thống tiêu chí đánh giá thi đua phù hợp với từng ngành học, bậc học, từng đơn vị quản lý giáo dục để có cơ sở đánh giá xếp loại đơn vị, cá nhân.
Cùng với đó, cần áp dụng các phương tiện đánh giá hiện đại để kiểm định hệ thống, hiệu quả. Ngoài ra, cần có chế độ thoả đáng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; cải tiến chế độ tiền lương đủ đảm bảo đời sống, kịp với tình hình lạm phát và trượt giá, để họ yên tâm dành trọn tâm huyết cho việc thi đua, phấn đấu đúng nghĩa.
Đổi mới: Không thể nóng vội
"Bắt bệnh" khá tốt, nêu thực trạng khá chi tiết, nhưng nhiều lãnh đạo các Sở đã bày tỏ quan ngại, dù nhiều nơi cùng quyết tâm, nhưng không thể ngay từ năm nay ngành giáo dục có thể "triệt tiêu" được bệnh này. Bởi, có những tác nhân không thể một sớm một chiều thay đổi được.
"Tôi rất phấn khởi khi Bộ GD-ĐT thông báo Chính phủ sẽ ký chỉ thị chỉ đạo về vấn đề chống bệnh thành tích trong giáo dục. Vì, nấn đề này không tạo được sự đồng thuận, những người chúng tôi là những lính xung kích nhưng cũng dễ trở thành nạn nhân", ông Lê Xuân Đồng, GĐ Sở GD-ĐT Thanh Hoá bày tỏ
Lý giải cho chuyện "xung kích - nạn nhân" này, ông Đồng cho rằng, vấn đề không phải ở việc ngành giáo dục có bao nhiêu người ký cam kết, mà ở chỗ điều này có thành chủ trương, nghị quyết ở các tỉnh hay không.
"Chúng tôi mắc bệnh thành tích một phần do Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT mắc bệnh thành tích một phần lớn do chúng tôi. Phải nhìn nhận rằng, đây là những vấn đề có gốc rễ lâu dài, và bện chặt với nhau, để gỡ ra không dễ", ông Đồng thận trọng.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn nhắc lại khó khăn muôn thuở: Khi giáo dục còn chịu sức ép từ những yếu tố bên ngoài, rất khó để xoá bỏ các bệnh tồn tại. Nếu chỉ chống bệnh thành tích trong giáo dục thì thiệt thòi".
Những yếu tố "bên ngoài" đó được ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi nhận diện "cán bộ, nhân dân vị kỷ gia đình, gây sức ép cho ngành giáo dục, lãnh đạo địa phương. Các cấp lãnh đạo cũng mắc bệnh, áp đặt chỉ tiêu lên lớp, đỗ tốt nghiệp. Những người có chức quyền thì gửi gắm con em, cũng tạo nên sức ép đối với ngành".
"Điều cần cố gắng là các cơ sở bắt đầu bằng việc bắt buộc ở báo cáo thật. Nên có cơ chế khuyến khích nói thật", ông Lê Xuân Đồng đề xuất.
Cùng với đó, ông cũng lưu ý tránh "cực tả" - việc đề đạt chỉ tiêu phải là nỗ lực cao nhất trong khả năng có thể, tránh trường hợp có tâm lý đặt chỉ tiêu thấp để khi tổng kết được vượt chỉ tiêu.
Dự kiến đến tháng 10/2006, sẽ ban hành thống nhất một tiêu chí thi đua mới cho toàn ngành, thực hiện trong năm học 2006-2007.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: "Loại bỏ bệnh thành tích, khuyến khích dạy học sáng tạo" |
"Chúng ta ngồi lại với nhau tìm cách đổi mới công tác thi đua thể hiện được tinh thần 2 không để thầy cô giáo thấy hớn hở, vui khi nói đến thi đua. Để khắc phục bệnh thành tích, toàn ngành phải xác định lại: Tiêu chí thi đua nào, cách chỉ đạo của cấp nào trong thời gian qua đã dẫn tới việc các thầy cô, các nhà quản lý ở cơ sở phải nói dối, làm dối; các đánh giá thi đua nào đã khuyến khích các thầy cô, đơn vị cơ sở phải làm những việc không hiệu quả, lãng phí thời gian, sức khoẻ, nguồn nhân lực của ngành và xã hội. Nhìn nhận được những bất cập, Bộ sẽ xem xét để bỏ hoặc thay đổi những chỉ tiêu thi đua để loại bỏ bệnh thành tích, khuyến khích việc dạy và học sáng tạo, hiệu quả". Bộ trưởng cũng phân tích một vài tiêu chí không phù hợp và nằm ngoài khả năng thực hiện của giáo viên nhưng đã trở thành cơ sở để đánh giá trong công tác thi đua khen thưởng. Nhiều tiêu chí buộc các thầy cô giáo phải làm những điều trái với lương tâm. |
-
Hoàng Lê - Hải Châu - Đoan Trúc