221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
829824
Văn mẫu: 45, 99, 144 hay 234...?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Văn mẫu: 45, 99, 144 hay 234...?
,

(VietNamNet) - "Em tìm 99 bài văn chứ gì. Quyển đó bây giờ chỉnh lý, bổ sung, phải gọi là “99 bài văn chỉnh lý, bổ sung – 198 bài văn và đề văn" mới chính xác", chị H, một chủ nhà sách có thâm niên ở cổng KTX trường ĐH Sư phạm I Hà Nội  nói với chúng tôi.

Chọn sách tại Hiệu sách Tràng Tiền (HN). Ảnh: Phạm Hải

Chỉ tay vào ba kệ sách ngồn ngộn toàn "luyện thi ĐH và CĐ môn Văn", chị khuyến cáo, muốn sách gì chỉ cần nói tên tác giả, bởi mấy năm nay, sách Văn mẫu được chỉnh lý, bổ sung, tái bản liên tục, rồi sách NXB này mới ra lại trùng với tên một quyển sách cũ của NXB nào đó. Đến chị, bán sách tận cửa các lò luyện thi cả chục năm nay, giờ cũng chưa kịp cập nhật hết.

Liếc qua "rừng" văn mẫu, thì riêng cái tên thôi đã hút thí sinh phải móc hầu bao để sở hữu những "bí quyết giỏi Văn". Nào là: "144 bài văn hay THPT" (NXB ĐHQG TP.HCM), "270 đề và bài văn lớp 12" (NXB Đồng Nai), "150 bài văn hay" (NXB Hải Phòng), "Tuyển tập 234 đề và bài văn luyện thi ĐH" (NXB ĐHQG TP.HCM", cho đến "217 đề và bài văn", "99 bài văn mẫu".v.v...

Riêng sách "Cẩm nang văn học" cũng có dăm ba cuốn. Còn lại cơ man là "Tuyển chọn những bộ đề luyện thi ĐH môn Văn", "Luyện thi ĐH"...

Khung chương trình thi ĐH có chừng ấy tác giả, tác phẩm. Không biết nhà làm sách biên soạn theo tiêu chí gì mà tài liệu luyện thi nào cũng dày dặn với những con số bài vở được tuyển tập không con số nào chẵn chục. "99" ,"217", "234", đủ cả...

Tính riêng tác giả D.H, cả viết riêng lẫn "phối hợp", thì số đầu sách cũng tròm trèm cả chục: "99 bài văn mẫu"; "Tuyển tập 45 bài văn"; "Cẩm nang văn học" (viết chung); Tuyển chọn đề thi, bài thi môn Văn, v.v... Đây cũng là tác giả của những "Sổ tay văn học" bé bằng bàn tay được học sinh các cấp rất "chuộng".

Các tác giả khác như Nguyễn Đăng Mạnh (NXB Giáo dục), Lê Lương Tâm (NXB Đà Nẵng), Tạ Thanh Sơn... cũng góp mặt trong vài ba bộ sách. Tuy dày dặn nhưng giá cả những cuốn bí kíp cũng tương đối mềm, dao động từ 25 - 35 nghìn đồng/cuốn.

"Văn mẫu giáo sư, văn mẫu học sinh": hổ lốn

"Có những cuốn tái bản liên tục cũng không kịp, như "125 bài văn" chẳng hạn. Nhưng nhiều cuốn xếp trên giá mấy năm chưa ai hỏi đến. Sách tái bản đưa đến, chúng tôi phải từ chối", chị M, một nhân viên bán hàng của nhà sách ĐH Sư phạm HN cho biết.

Sách văn mẫu luyện thi ngồn ngộn như vậy nên ai vào mua chị cũng phải hỏi "tìm văn mẫu giáo sư hay văn mẫu học sinh" để còn tư vấn.

Theo kinh nghiệm của chị thì, sách của NXB Giáo dục, của NXB Đà Nẵng, Đồng Nai hay NXB Trẻ gì đi nữa, cũng chỉ có hai dạng: Văn mẫu học sinh là tuyển tập những bài văn hay, bài văn đạt giải quốc gia, bài thi ĐH điểm cao do học sinh tự làm, được các thầy Sư phạm và chuyên viên Văn các tỉnh phối hợp biên soạn. Loại sách này được ưa chuộng hơn cả.

Còn văn mẫu giáo sư là những gợi ý, hướng dẫn làm bài hoặc những bài văn  mẫu mực do chính các giảng viên, giáo viên Văn biên soạn. "Học sinh thường đến hỏi mua sách của mấy giáo sư tên tuổi, có tiếng và được tin tưởng là nằm trong tổ ra đề", chị M cho biết. Thảng hoặc cũng có thí sinh đến hỏi mua sách của những tác giả lạ, để "không bị phát hiện chép văn mẫu".

Cứ nhìn gáy sách để nhẩm tính, thì với 234, 270, 99... bài văn, xem ra, học sinh luyện thi ĐH có vô khối tư liệu để tham khảo. Nhưng lật xem nội dung nhiều cuốn chúng tôi mới tá hỏa. Có bài Văn được in đi in lại trong dăm bảy cuốn. Và nhiều sách ghi bên ngoài do nhóm tác giả X, Y... biên soạn thì bên trong là tập hợp hổ lốn cả "văn giáo sư", lẫn "văn học sinh".

Nhiều sách trích bài với vỏn vẹn một cái tên tác giả không địa chỉ, có sách ghi chú "theo 217, theo 125 đề và bài văn".

Thậm chí, có sách quảng bá "trân trọng" ngay lời mở đầu là "tái bản theo tinh thần đổi mới cách học và ra đề thi ĐH năm 2005" nhưng trong mục lục vẫn có dăm bảy bài mẫu của những tác phẩm đã đưa ra ngoài chương trình luyện thi từ bao giờ như "Những đứa con trong gia đình", "Huệ Chi trước lễ cưới"...

"Văn mẫu" cũng theo "mẫu"

Thử lướt qua cuốn "144 bài văn hay THPT" (Nguyễn Hiến Quang, Phan Thị Huỳnh Yến - NXB ĐHQG TPHCM) khá đồ sộ, thì trong số 54 bài văn hay lớp 12, đa phần được soạn lại theo những tư liệu văn mẫu lạ hoắc lạ hươ khác.

Chẳng hạn, bài phân tích tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" trích từ sách "Ôn luyện thi tú tài môn Văn" (Lê Sùng, NXB Thuận Hóa).

Với đề văn phân tích một tác phẩm của Hồ Chí Minh, tác giả chú thích: "Theo Muốn giỏi văn 9"(Mộc Lan, NXB Trẻ).

Bài văn mẫu "bình giảng bài thơ Đất nước" cũng được ghi chú: "Trích từ bài của một thí sinh tỉnh Vĩnh Long"...

Những bài văn còn lại được dẫn theo văn mẫu của các tác giả Nguyễn Đức Quyền, Nguyễn Đăng Mạnh.v.v...

Hay, sách "Tuyển tập 130 đề và bài văn THPT" (Huỳnh Tấn Kim Khánh, Nguyễn Thị Bích Thuận, Nguyễn Hiền Hòa - NXB Đà Nẵng) cũng trích "tạp pí lù" theo "Nguyễn Thị My", rồi "Nguyễn Thu Phương, THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa"...

Thí sinh có muốn mua sách "tác giả lạ" để không bị phát hiện chép văn mẫu cũng khó tìm được bài văn lạ trong rừng "đồng phục" này.

Chưa nói, nếu chỉ nhìn tên để chọn sách, các "sĩ tử" cũng sẽ dở khóc dở cười nếu "vồ vập" ngay những tài  liệu như "bí quyết giỏi văn" (Vũ Ngọc Khánh).

Tuy đã tái bản đến lần thứ 8 với mong muốn "đưa ra những bài học hữu ích, sát với hoàn cảnh trong và ngoài nhà trường" nhưng trong phần phụ lục của cuốn sách này lại trích đăng hai bài thi đỗ Trạng nguyên và Hoàng giáp từ thế kỷ 13.

  • Ngọc Nhung

Theo dòng sự kiện:

  • Yêu cầu đề thi sáng tạo là siêu hình?

  • "Ra đề sáng tạo: Khó được chấp nhận"

  • Thí sinh Hoàng Thuỳ Nhi: "Đọc văn mẫu nhiều lần, những ý hay sẽ trùng lặp"

    Ý kiến của bạn:

     

     

     

  • ,
    Ý kiến của bạn
    Ý kiến bạn đọc
    ,
    ,
    ,
    ,