(VietNamNet) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh những vấn đề đặt ra: Điểm sàn thấp có xảy ra tình trạng "xé rào" như năm trước? Nguồn để các trường xét tuyển nguyện vọng (NV)2 như thế nào?...
>>Điểm sàn ĐH khối A, D1: 13; khối B, C 14
>>Các trường công bố điểm chuẩn, xét tuyển nguyện vọng 2
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long. Ảnh K.O |
- Mức điểm sàn của các khối năm nay thấp hơn trước, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Điểm thi của thí sinh năm nay rất sát với tình hình thực tế làm bài thi và chấm thi.
Cụ thể là, không còn cộng điểm thưởng đối với những học sinh (HS) tốt nghiệp THPT loại giỏi; chỉ quy tròn tổng điểm 3 môn thi chứ không quy tròn điểm từng môn. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm nay cũng tăng...
Hội đồng xác định điểm sàn đã xét trên toàn cục, tức là cân nhắc cả những vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc và các trường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Những ý kiến của các vùng đó đã đề xuất chọn phương án điểm sàn như trên và được nhất trí cao của hội đồng.
- Liệu có tình trạng những thí sinh điểm cao vẫn đứng ngoài cổng trường ĐH?
Năm nay, phải khẳng định rằng, đề thi phân loại khá tốt cho nên ngay cả NV1 không có những thí sinh đạt điểm cao mà bị trượt ĐH như tình trạng của năm trước.
Thứ nữa, chúng tôi cũng khuyến nghị những trường mà có điểm trúng tuyển từ 18 trở xuống thì để từ 10-15% chỉ tiêu để xét tuyển NV2.
Những thí sinh đạt điểm cao ở mức trên 20 điểm sẽ có cơ hội trúng tuyển NV2. Do đó, không thể tái diễn những thí sinh có điểm cao không có cơ hội xét tuyển vào ĐH.
ĐBSCL: Không lo thiếu nguồn tuyển
- Vậy nguồn để các trường xét tuyển NV2 sẽ như thế nào?
Năm nay, với mức điểm sàn đã nêu, nguồn xét tuyển NV2 cỡ khoảng 150.000. Tức là, sẽ có 150.000 thí sinh đạt điểm trên sàn được tham gia xét tuyển NV2.
- Nhưng, số đó có được phân bố đồng đều giữa các vùng, miền và các khu vực thiếu chỉ tiêu?
Qua phân tích, số lượng thí sinh ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ có điểm trên sàn nhiều nhất. Nhưng các trường ĐH đóng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ có đủ nguồn tuyển để đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh.
Đó là chưa kể, lượng thí sinh từ các vùng khác di chuyển đến nữa thì nguồn tuyển sẽ phong phú hơn.
- Kết quả điểm thi năm nay thấp, các trường dự kiến điểm chuẩn cũng thấp đồng nghĩa với việc có xảy ra tình trạng các trường "xé rào" để tuyển đủ chỉ tiêu?
Quy chế nêu rất rõ và tôi tin sẽ không có tình trạng "xé rào". Bởi vì khi xác định mức điểm sàn các khối như vậy, chúng tôi đã cân đối tất cả những điều kiện.
10 điểm/ba môn vẫn đỗ ĐH
- Với mức điểm sàn như vậy, sau khi đã trừ lùi đi các đối tượng ưu tiên khu vực và đối tượng, sẽ có những thí sinh chỉ có tổng điểm bai thi ba môn là 10 cũng đỗ ĐH. Vậy mục tiêu đặt ra điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào có đạt hay không?
Thực ra, 10 điểm 3 môn vẫn có thể đỗ ĐH, như trường ĐH Đồng Tháp. Một đại diện của trường đã phát biểu, ở đây có những em chỉ cần học khoảng 70% so với những thí sinh khác đạt điểm cao hơn. Khi tốt nghiệp, các em ở đó để phục vụ cho phát triển kinh tế tại địa phương. Điều này vẫn tốt hơn những thí sinh đạt 100% mà lại đi những vùng khác, không làm đúng ngành nghề.
Chính vì vậy, trong quá trình xác định điểm sàn, còn phải cân đối cả ngành nghề, vùng miền. Điều đó rất có lợi cho phát triển kinh tế trong toàn quốc.
Đấy là chưa nói đến những chính sách ưu tiên và chúng ta đảm bảo mức chất lượng tối thiểu.
Việc xác định điểm sàn là phải cân đối toàn bộ. Đây là cách nhìn, triết lý rất linh hoạt trong vấn đề vừa đảm bảo quy mô, vừa đảm bảo chất lượng trong giai đoạn hiện nay.
- Có nhiều dự báo cho rằng sẽ không còn chỗ cho NV3...
Đó là điều không hợp lý, vì NV của thí sinh rất đa dạng. Các trường trên các địa phương khác nhau có những đặc thù riêng, cho nên NV3 rất khoát vẫn còn cơ hội cho các em.
Theo thống kê, có khoảng 10 trường sẽ vận dụng quy chế đặc biệt trong tuyển sinh (điều 33 của quy chế - PV), chủ yếu là các trường vùng dân tộc miền núi, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.
- Điểm sàn có ý nghĩa như thế nào đối với các trường tuyển đến NV3 vẫn không đủ chỉ tiêu và đối với những trường có điểm chuẩn cao hơn sàn đến cả chục điểm?
Quan niệm "xác định điểm sàn là không cần thiết" không đúng. Hôm nay, tất cả những thành viên Hội đồng điểm sàn, thậm chí như GS Hoàng Xuân Sính còn đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải thực hiện "3 chung" để đảm bảo chất lượng đầu vào và phải có điểm sàn đảm bảo được trật tự kỷ cương trong tuyển sinh. GS còn đề nghị tiếp tục thực hiện một vài năm nữa....
Công khai gian lận thi cử
- Thực hiện cuộc vận động nói "không với tiêu cực", Bộ GD-ĐT có ý định "bốc" toàn bộ điểm ưu tiên khu vực và đối tượng để công bố điểm thi chính thức của thí sinh năm nay?
Việc thống kê đó thì đơn giản thôi. Mà chúng ta nhìn thì phải nhìn cơ cấu vùng miền vì các em học ở đâu thì về sau các em còn về đó. Đây là một chính sách xã hội rất đúng, cơ chế là như vậy. Còn công bố sẽ được và số này cũng chẳng khó. Và tôi cho rằng, ví như khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 chênh nhau 1,5 điểm thì điều kiện học tập của những vùng khó khăn so với HS khu vực 3 như Hà Nội, TP HCM hay các đô thị loại 1...thì rất xứng đáng.
- Trước kỳ thi Bộ có tuyên bố sẽ đối chiếu kết quả thi tốt nghiệp THPT và ĐH để phát hiện gian lận thi cử. Bây giờ, đã có các kết quả của kỳ thi này, bao giờ việc công bố sẽ được tiến hành?
Hiện nay, một bộ phận vẫn đang tiếp tục làm. Căn cứ vào thống kê, nếu có dấu hiệu tiêu cực sẽ có phân tích. Tùy theo mức độ, sẽ có chấn chỉnh để công bố.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
-
Kiều Oanh (ghi)
Tra điểm chuẩn: Soạn tin: DC mã trường gửi tới 996 hoặc 998 Ví dụ: Để xem điểm chuẩn của trường ĐH Văn hóa Hà Nội (có mã trường là VHH), soạn tin: DC VHH và gửi tới số 996 hoặc 998
Tra điểm thi: Soạn tin: DT số báo danh gửi tới 996 hoặc 998 Ví dụ: Để xem điểm thi của thí sinh có số báo danh là VHHD110433, soạn tin DT VHHD110433 gửi số 996 hoặc 998 (Số báo danh ghi giống như trong phiếu báo thi, bao gồm cả mã trường).
|