(VietNamNet) - Thêm một lần nữa, những băn khoăn về chuyện thời sự, cũng là đại sự của giáo dục ĐH Việt Nam - xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế và đề án đổi mới toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam đến năm 2020 - lại được xới lên tại phiên họp của hội đồng quốc gia giáo dục ngày 12/7.
Tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hội đồng sẽ họp 3 tháng một lần. Mỗi lần họp chỉ bàn vài vấn đề lớn, cụ thể và đi đến các quyết định rõ ràng.
ĐH đẳng cấp quốc tế: Cần ý chí của người đứng đầu Chính phủ
SV trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ tốt nghiệp năm học 2005-2006. Ảnh: Trung Kiên. |
GS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ băn khoăn với phương án xây mới hoàn toàn. Bởi, khả năng nhìn thấy là lấy đi những người giỏi từ trường này trường kia, làm suy yếu những trường ĐH mạnh hiện có. Mặt khác, cơ sở mới này lại cần thời gian để xây dựng danh tiếng. Trong khi đó, một vài ĐH đã được giao phần lớn việc tự chủ về cơ chế. Nên, nếu đầu tư kinh phí và chính sách phát triển, sẽ tạo đà để có được "đẳng cấp quốc tế".
GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH An Giang lại nhìn nhận, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, việc xây trường mới có thuận lợi là không bị níu kéo bởi những thói quen, thủ tục đã lỗi thời.
GS Văn Như Cương cũng ủng hộ cả hai phương thức "không loại trừ nhau" là vừa xây mới, vừa nâng cấp. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ưu thế của việc xây mới là sẽ tránh được công việc khó khăn như sa thải những cán bộ không đủ năng lực, thay thế lãnh đạo, thuyên chuyển công tác những người không phù hợp công việc mới.
Mà việc này, không hề đơn giản. Vì thực tế, ý đồ thiết lập 2 ĐHQG từ năm 1993 của Chính phủ cũng là nhằm mục đích để VN có được cơ sở đào tạo ĐH xếp hạng trong khu vực. Điều này, cho đến nay đã hơn 10 năm, chưa thấy thể hiện. GS Phạm Phụ lưu ý.
Trình bày tóm tắt đề cương xây mới một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, ông Trần Xuân Giá, thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, tổ trưởng tổ công tác xây dựng đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế cho biết "tìm hiểu sự thành công qua trao đổi với khá nhiều chuyên gia hàng đầu của một số nước từng tham gia sáng lập loại trường ĐH mà chúng ta đang mong muốn thành lập, có một kinh nghiệm rất đáng quan tâm là: Muốn thành công và nhất là sớm thành công trong việc cho ra đời trường ĐH chất lượng hàng đầu là phải có quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu Chính phủ".
Giảm áp lực "cầu", tăng điều kiện cho "cung"
"Bên cạnh việc tạo ra trường ĐH có đẳng cấp, ít ra là ở khu vực, giáo dục ĐH cần chú ý tới nhu cầu học ĐH của phần lớn dân cư hiện nay bằng cách mở thêm quy mô ĐH cho trường mới", cùng với đề đạt đó, GS Văn Như Cương đưa ra luôn con số cụ thể: Nhà nước cần có chính sách sao cho 60% thanh niên tốt nghiệp THPT có thể vào ĐH.
"Tại sao tổng công ty dầu khí lại không mở được trường ĐH về hoá dầu, trước hết là đào tạo con em họ? Tại sao tập đoàn Than lại không mở được trường về mỏ, địa chất để tiếp nhận nhu cầu được học tập của HS", Từ kinh nghiệm của một người làm giáo dục ngoài công lập khá thành công ở bậc phổ thông, GS Cương cho rằng, hiện nay, không thiếu cá nhân và tổ chức có ý định đầu tư vào giáo dục, nhưng cái mà người ta cần là cơ chế thực sự tạo điều kiện cho mọi người tham gia.
GS Võ Tòng Xuân cho hay, khi còn làm đại biểu Quốc hội, ông từng đề cập tới việc luật ngân sách cần hoàn thiện thêm một số điều, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp với giáo dục theo hướng mà các nước đang làm.
Chẳng hạn như, ở Mỹ, trong luật số 26, điều 501, khoản 3C đã khuyến khích nhà hảo tâm đầu tư cho trường học hoặc tổ chức từ thiện. Với cách san sẻ những việc mà lẽ ra Nhà nước phải làm này, trong kinh doanh, các nhà hảo tâm sẽ được miễn thuế.
"Như vậy, kêu gọi xã hội hóa là phải ban hành chính sách đi kèm để các doanh nghiệp hay cá nhân có tiềm lực thấy được lợi ích để làm, chứ không phải xã hội hóa giáo dục là ngửa tay xin tiền", ông Xuân nói.
Cùng đề xuất mở rộng trường ĐH, GS Phạm Phụ cho rằng, cần giảm áp lực về "cầu" và tăng điều kiện về "cung". Điều này, cũng sẽ giải quyết được những vấn đề giáo dục liên đới như câu chuyện chất lượng giáo dục "ảo", gian lận thi cử hay bệnh thành tích hiện nay.
Ông Xuân nói thêm, khi mở rộng "cung" để cân bằng hơn với "cầu" học ĐH, cùng với chủ trương giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục ĐH, trong công tác quản lý, Nhà nước phải "nắm đằng chuôi". Ít ra, đó sẽ là những tiêu chuẩn kiểm định và hậu kiểm cho hàng loạt hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH. Chẳng hạn, như việc xây dựng chuẩn kiến thức mà bậc phổ thông đang làm.
Như tinh thần thường thấy trong các phiên điều hành, tham dự hội nghị, hội thảo của giáo dục, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm nhìn nhận: Hiện nay, tỷ lệ HS tốt nghiệp đỗ ĐH chiếm 27% trong số HS tốt nghiệp THPT. Việc mở thêm trường ĐH nằm trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc tiến độ trong tương quan với chất lượng và cơ sở vật chất. Bởi, cùng với việc mở rộng đó, cũng phải giải quyết bài toán việc làm cho SV tốt nghiệp.
Cải cách toàn diện giáo dục ĐH: Mới chỉ "ra đầu bài"
Báo cáo mới nhất về tình hình triển khai đề án đổi mới toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam 2006-2020, Thứ trưởng Bành Tiến Long đề xuất với Chính phủ, cần có quyết định ngay việc thành lập 3 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: Cơ cấu trình độ, hệ thống nhà trường, nội dung và quy trình đào tạo, bao gồm cả tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống giáo dục ĐH trong quá trình hội nhập quốc tế; Cơ chế quản lý giáo dục ĐH trong thời kỳ đổi mới, bao gồm cả quản lý điều hành cấp hệ thống, quản trị nhà trường và tài chính giáo dục ĐH; Phát triển đội ngũ giáo viên, quản lý.
Nhưng, "đó mới chỉ là công đoạn ra đầu bài. Tôi chưa thấy đưa ra những lựa chọn ưu tiên. Trong thực tế, không một nước nào giải quyết thoả đáng cùng một lúc tất cả những vấn đề của giáo dục. Và không phải cứ cải cách là thành công. Thậm chí, trong một số trường hợp, cải cách vội vã sẽ giết chết thành công", GS Phạm Phụ bày tỏ.
Điều mà GS Phụ băn khoăn lớn nhất là, trong báo cáo này, chưa đề cập tới việc cải cách "vấn đề thống soái của giáo dục ĐH". Đó là vấn đề cung cấp tài chính trong giáo dục ĐH.
Thực tế, bản báo cáo về việc đổi mới giáo dục ĐH cũng đã đầu dòng ở một số điểm liên quan đến tài chính. Tuy nhiên, mới chỉ là những phác thảo chung chung. Ví như, trong ý "đổi mới cơ chế quản lý và huy động nguồn lực cho giáo dục ĐH", cần "đổi mới chính sách tài chính nhằm tăng hiệu quả đầu tư từ ngân sách và khai thác nguồn đầu tư khác cho giáo dục ĐH".
Do vậy, ông đề xuất, khi tổ chức đề án, cần sự tham gia của các thành phần rộng hơn Bộ GD-ĐT.
Ông ví von, thử liên tưởng tới một gia đình đang ngồi trong cái lu và muốn cái lu này vận động. Nếu vậy, phải có người tình nguyện nhảy từ trong lu ra, hoặc có cú hích từ bên ngoài để đẩy cái lu đó lăn đi. Nếu chỉ loay hoay ngồi trong lu để tự đẩy thì rất khó dịch chuyển hoặc đi xa.
GS Võ Tòng Xuân cũng nhìn nhận: "Đề án đổi mới giáo dục ĐH to quá, mới ở bước khởi động, tức là xới lên vấn đề. Trong khi đó, những vấn đề cụ thể như ai làm gì, như thế nào, cần tổ chức những tiểu đề án ra sao thì chưa thấy rõ".
Về những thảo luận còn có ý kiến khác nhau, Tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT giúp Chính phủ lên kế hoạch để hội đồng giáo dục họp ba tháng một lần. Mỗi lần họp chỉ bàn vài vấn đề lớn, cụ thể và đi đến các quyết định rõ ràng.
-
Hạ Anh