(VietNamNet) - Trước cùng một hiện tượng: nhận được những phản ánh về tiêu cực trong thi cử, Tiền Giang nhanh chóng tự đề xuất cách xử lý; Hà Tây "kiên nhẫn" chờ làm đúng quy trình và được chỉ đạo? Liệu cách hành xử nào là phổ biến? VietNamNet ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chuyên gia giáo dục và bạn đọc.
Phó Chánh thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Bá Giao: Xem Tiền Giang là bài học
Ông Trần Bá Giao |
Bộ GD-ĐT rất hoanh nghênh cách xử lý những tiêu cực thi cử của Sở GD-ĐT Tiền Giang. Trước hết, là quyết tâm làm nghiêm túc kỳ thi cho nên đã dũng cảm xử lý hủy kết quả thi của 536/541 thí sinh thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại hội đồng thi trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy.
Đây cũng là trường hợp hiếm từ trước đến nay. Vì cả một hội đồng thi lớn như thế, cũng có những thí sinh là cán bộ xã, huyện thi. Việc xử lý hủy bài thi cũng có áp lực lớn. Nhưng họ đã dám làm.
Bộ GD-ĐT cũng mong Tiền Giang quyết tâm làm ra những sai phạm và xử lý được những người tham gia tổ chức việc gian dối trong thi cử có tập thể.
"Bộ GD-ĐT không "nhảy" ngay vào làm mà phải giao cho địa phương vì đây là trách nhiệm của địa phương. Cũng có người bức xúc quá nghĩ Bộ không làm. Nhưng thực ra, từ lúc giám thị Đỗ Việt Khoa phản ánh, hôm sau (2/6) Bộ đã chỉ đạo đi kiểm tra và về đã có biện pháp chỉ đạo; sau đó yêu cầu Hà Tây báo cáo.Từ nội dung báo cáo Bộ thấy rằng phải làm tiếp. Bộ đã yêu cầu Hà Tây lập hội đồng chấm phúc khảo và Bộ thành lập đoàn thanh tra giám sát cạnh hội đồng. |
Từ việc làm của Tiền Giang có thể là bài học kinh nghiệm để các địa phương nhìn nhận.
Ta có thể thấy hình ảnh của 2 địa phương trong xử lý cùng một hiện tượng là sự gian lận, thiếu nghiêm túc trong thi cử thì đã có những cách thức xử lý khác nhau và trách nhiệm thể hiện của từng địa phương có khác nhau.
Bộ GD-ĐT coi đó là bài học kinh nghiệm để các địa phương xem xét tự rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thi.
Với những thông tin phản ánh về gian lận trong thi cử, có tình trạng tỉnh kiên quyết, nhưng cũng có nơi còn chậm trễ khi vào cuộc.
Có tình trạng kiên quyết như Tiền Giang, nhưng lại cũng có nơi vào cuộc giải quyết những tiêu cực trong thi cử còn chậm trễ như Hà Tây là do nhận thức của từng lãnh đạo ở địa phương. Đó là do nhận thức của từng lãnh đạo ở mỗi nơi. Điều này phản ảnh phần nào hậu quả của một cơ chế cũ, việc làm cũ, chưa thay đổi được.
Khi xem xét xử lý, cũng phải thấy và đặt vào trong hoàn cảnh đó để có cái nhìn một cách bình tĩnh hơn. Và tìm giải pháp để tác động vào địa phương đó để có những chuyển biến.
GS Dương Thiệu Tống: Tuyên chiến với tiêu cực thì không cần chờ Bộ "nhảy" vào
Khi gian lận xen vào giáo dục nên coi chừng bởi nó bắt đầu nguy hại cho xã hội. Hiện tại đáng lo là gian lận trong thi cử trở thành phổ biến và gian lận không biết xấu hổ. Học sinh gian lận xấu không bằng thầy giáo gian lận trong việc coi thi, chấm thi…
Trong kỳ thi, thầy giáo không ngay thẳng chỉ là thiểu số nhưng thiểu số ấy lại ảnh hưởng rất lớn đến đa số. Người thầy giáo là tấm gương để con trẻ noi theo, không chỉ có việc coi thi không trung thực mà những việc làm khác của người lớn hành xử không tốt thì cũng rất ảnh hưởng đến việc dạy con trẻ.
Tình trạng gian lận trong thi cử phổ biến để thành thông lệ thì việc xử lý, từ các cấp trường, Sở, tỉnh… sẽ càng khó. Nếu địa phương gian lận thi cử không phải là thông lệ, sẽ sẵn sàng tìm biện pháp "trừng trị", không phải chờ đến tận Bộ GD-ĐT “nhảy” vào. Còn địa phương việc gian lận thi cử thành thông lệ thì xử lý rất khó, thành thông lệ tố cáo lại càng khó.
Tuy nhiên, theo tôi, tốt nhất là không nên để thầy giáo tố cáo Hội đồng thi của mình, đồng nghiệp của mình mà cần có những biện pháp khác. Bởi, buộc thầy giáo phải tố cáo đồng nghiệp là việc làm bất đắc dĩ, và rất khổ tâm…
Lãnh đạo ngành giáo dục và các cơ quan liên quan cần có những biện pháp trừng trị gắt gao việc gian lận thi cử và có biện pháp bảo vệ những người trung thực và ngay thẳng như thầy giáo Khoa ở Hà Tây. Cách bảo vệ tốt nhất bằng cách đề cao họ và ngăn chặn gian lận phía học sinh.
Giải quyết căn bản vấn đề không phải là cái ngọn như hình thức tổ chức thi cử, cơ chế, quy chế thi… mà từ gốc. Đó là, giáo dục cho trẻ em ngay từ nhỏ phải biết trung thực, có liêm sỉ. Thầy giáo dạy học trò trung thực thông qua việc cư xử giữa thầy và trò. Việc này, phải “đào luyện” lâu dài từ bé đến lớn. Chứ lên phổ thông hay vào ĐH mới chữa trị thì rất khó.
Vũ Chiến Thắng (cán bộ quân đội): Đừng chờ ai!
Bắc thang trèo tường ném bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2004-2005 tại trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất , tỉnh Hà Tây). Ảnh: Kiều Oanh |
Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với thầy Khoa và lãnh đạo Sở GD - ĐT Tiền Giang.
Gian lận trong thi cử ở tất cả mọi cấp đã diễn ra từ rất lâu, rất nhiều người biết, phương tiện thông tin đại chúng cũng đã không ít lần nhắc đến.
Gian lận từ tiểu học, đến trung học, đại học (SV nộp tiền cho thầy trước các môn thi mà các báo đã đăng) và cả copy luận văn thạc sỹ, tiến sỹ...
Chắc chắn, những quan chức quản lý giáo dục đào tạo càng biết rõ hơn. Thế nhưng, chúng ta đã làm được gì?. Nào là dự án nọ, dự án kia, nào là trường ĐH quốc tế...Tất cả đều cần thiết, nhưng sẽ chẳng đi đến đâu nếu như những tiêu cực trong dạy, học và thi cử vẫn diễn ra khắp nơi như thế.
Giáo dục là quốc sách, xã hội hóa công tác giáo dục...đều là những khẩu hiệu rất hay. Nhưng nếu cứ lãnh đạm, thờ ơ, dung túng sai trái thì bao giờ, chúng ta mới ngăn chặn được xuống cấp giáo dục chứ đừng nói đến nâng cao chất lượng?
Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta không cần chờ Sở GD - ĐT Hà Tây hay Sở GD - ĐT Tiền Giang (mặc dù Sở rất cương quyết hủy bỏ kết quả thi) và cũng không cần chờ Bộ GD - ĐT nữa. Theo tôi biết, Thủ tướng Chính phủ có Hội đồng tư vấn giáo dục, gồm những nhà giáo hàng đầu của đất nước. Hội đồng sẽ yêu cầu Thủ tướng cho thành lập ngay đoàn thanh tra độc lập, báo cáo kết quả trước toàn xã hội.
Đau đến đâu thì chúng ta cũng phải làm. Tôi cũng tha thiết đề nghị hội phụ huynh, các cháu học sinh và các giám thị tại HĐT Phú Xuyên A (Hà Tây) hãy vì tương lai của nền giáo dục mà ủng hộ thầy Khoa làm rõ sự việc.
Bất cứ ai, gia đình nào cũng có người đi học, chúng ta mong muốn con cháu chúng ta được học hành, dạy dỗ ra sao. Xin mọi người hãy lên tiếng, đừng chờ đợi và giao hết cho các quan chức giáo dục nhận lương bằng tiền thuế của dân nhưng lại thờ ơ, vô trách nhiệm như thế.
-
Kiều Oanh - Âu Tâm (thực hiện)
Ý kiến của bạn: