Ngày nay, chúng ta thấy những hình ảnh về thời bao cấp vẫn còn hiện hữu rất sắc nét trong ngành giáo dục.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đọc tài liệu tại thư viện trung tâm. Thư viện mở cửa đến 22g đêm để tạo điều kiện cho SV tự học, tự nghiên cứu - Ảnh: Như Hùng |
Xin hãy xem vài so sánh: những cánh đồng mẫu so với các trường trọng điểm và trường chuyên; ăn độn so với cảnh học chính khóa và học thêm tràn lan, trong khi điểm thi tuyển sinh đại học quá tệ; các hàng hóa không tiêu thụ được so với một số lớn sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp...
Tự chủ và minh bạch
Bộ GD-ĐT nên giao quyền điều hành việc đào tạo cho các cơ sở đào tạo. Không cần các đoàn thanh tra tốn kém và không hiệu quả, thay vào đó là sự minh bạch, thí dụ:
1. Nên công bố trên mạng các số liệu về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp so với số sinh viên được tuyển, tỉ lệ sinh viên có việc làm so với số sinh viên tốt nghiệp và mức lương của các sinh viên tốt nghiệp (sáu tháng, một năm, hai năm sau khi tốt nghiệp).
Việc thống kê này không khó với kỹ thuật mạng máy tính hiện nay, sinh viên đã tốt nghiệp sẽ tham gia tích cực việc thống kê này nếu nó chính xác, minh bạch, kết quả được công bố và cập nhật hằng tuần cho mọi đối tượng. Việc thu thập và công khai các số liệu này sẽ thúc đẩy các trường đại học và cao đẳng cải tiến chương trình giảng dạy phù hợp nhu cầu nhân lực của xã hội.
2.Với kỹ thuật mạng hiện nay, chúng ta có thể để các thí sinh, sau khi có điểm thi tuyển sinh, ghi danh vào trường họ muốn học trên mạng, chỉ ghi danh một trường và có thể sửa đổi theo các thông tin cập nhật tình hình ghi trên mạng trong hai tuần.
Cách này có thể làm mọi sự việc trở nên công khai, minh bạch và thúc đẩy mạnh mẽ các cải tổ chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo. Chúng ta có thể giúp các ngành cần khuyến khích đào tạo bằng các chính sách khác chứ không nên dùng phương án “bịt mắt bắt dê” như hiện nay.
3. Nếu đầu vào và đầu ra minh bạch vậy, các cơ sở phải có quyền tự chủ trong việc đổi mới qui trình giảng dạy: chương trình và qui chế. Việc bao cấp về chương trình và qui chế của bộ dẫn đến nhiều điều phi lý, thí dụ giảng dạy lòng yêu nước bằng các buổi thầy đọc, trò chép.
Việc bao cấp này còn dẫn đến thời gian ngồi ở giảng đường của sinh viên quá cao (trên 27 giờ - 34 giờ/tuần). Nên để một phần giáo trình cho sinh viên tự đọc và giảm giờ ở giảng đường còn khoảng 18 giờ/tuần. Như vậy sinh viên sẽ có nhiều giờ tự học và suy nghĩ. Việc tự chủ trong làm việc rất quan trọng cho những bước đời của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thay chỉ định thầu bằng đấu thầu
Quá trình học của 12 năm cấp phổ thông giống như ta xây dựng một cao ốc 12 tầng. Khó ai có thể nghĩ rằng có thể xây những cao ốc như vậy theo cùng một mẫu duy nhất cho các vùng khác nhau như: vùng núi cao, vùng có nền đất yếu, giữa thành phố hiện đại, vùng sâu vùng xa... Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đào tạo 12 năm phổ thông theo một bộ giáo trình duy nhất.
Chúng ta hãy xem bộ khuôn vàng thước ngọc này được chế tác như thế nào: từng quyển sách giáo khoa được chia ra nhiều phần, mỗi phần được một người soạn, những người này cũng không được thông báo đầy đủ chương trình học các lớp dưới và các lớp trên phần họ soạn.
Nhiều người soạn từng phần này là các giảng viên có uy tín trên đại học, không phải dễ chỉnh sửa quá nhiều các phần các vị này viết. Cho nên không có gì lạ là nhiều chương trong một sách giáo khoa không được gắn kết, bổ sung cho nhau.
Có lần tôi đọc một cuốn sách giáo khoa lớp 7, thấy cách viết không phù hợp với học sinh, tôi xem lại tên tác giả và hiểu rằng: đoạn đó có thể viết lại từ một giáo trình đại học nào đó! Giáo trình cần tương thích với tâm sinh lý của học sinh và nên để cho các giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở cấp lớp đó soạn.
Một bộ sách cho một môn của một lớp có thể có giá khoảng vài chục ngàn đồng và tổng số tiền học sinh mua một môn của một cấp lớp có thể lên đến hàng chục tỉ đồng. Cách giao cho một nhóm tác giả soạn một bộ sách là phương cách chỉ định thầu một công trình lên đến hàng chục tỉ đồng.
Có lẽ chúng ta nên ban hành rộng rãi một bộ chương trình thật chi tiết và cho phép soạn nhiều sách khác nhau cho một môn học. Việc chọn sách dạy nên dành cho giáo viên, khó có tác giả nào có thể vận động, thậm chí mua chuộc giáo viên mua sách của họ.
Nên đưa việc phê bình các lỗi trong sách giáo khoa lên mạng Internet và Bộ Giáo dục - đào tạo ra quyết định thu hồi các giáo trình có sai sót nghiêm trọng (giống như Bộ Y tế ra các lệnh cấm lưu hành dược phẩm kém chất lượng).
-
PGS DƯƠNG MINH ĐỨC (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM -Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bộ GD-ĐT đã đề xuất xóa cơ chế bộ chủ quản và đây cũng là nội dung được Hội đồng quốc gia giáo dục thảo luận trong phiên họp đầu tiên của năm 2006. Mời các bạn tham gia ý kiến về vấn đề này: