(VietNamNet) - Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, ông cảm thấy "sốc" khi nghe Bộ Giáo dục đề xuất xoá cơ chế bộ chủ quản. Bởi, theo ông, cách đây 15 năm, việc xóa cơ chế này với các doanh nghiệp từng đặt ra nhưng thất bại.
Các nội dung của phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục ngày 9/1:
Một giờ học tại trường ĐH Thăng Long, cơ sở đào tạo dân lập nhưng đang bị "trói" bởi nhiều quy định của hệ thống đào tạo công lập (Ảnh Lê Anh Dũng) |
Vấn đề xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các trường ĐH vừa nhận được sự đồng thuận từ thành viên thành viên các tiểu ban chuyên môn của HĐ QGGD tại phiên họp cuối tháng 12/2005, thì tại phiên họp chính thức chiều nay, có nhiều ý kiến có vẻ "thận trọng" hơn đã được đưa ra.
Nhiều ý kiến quan ngại về tên gọi mà Bộ GD - ĐT đề xuất "Xóa cơ chế Bộ chủ quản". Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH là cần thiết, nhưng đề cập Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản thì nặng nề quá. Chỉ nghe thôi đã cảm thấy...sốc!Về vấn đề này, mục tiêu của đề án cũng phải đi đến xác lập quyền của các trường đến đâu, trách nhiệm quản lý của Nhà nước như thế nào? Không phải vấn đề xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản bây giờ mới đặt ra mà cách đây hơn chục năm có đặt vấn đề này đối với các Doanh nghiệp...nhưng thất bại. Nếu Doanh nghiệp không thực hiện được thì đối với GD lại càng khó, ông Hùng nói.
Thực tế, hệ thống GD quốc dân hiện nay phần lớn là các trường công lập có đầu tư kinh phí từ Nhà nước đương nhiên phải tăng quản lý, vì vậy, nếu đề xuất thực hiện xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản thì đối với các trường công sẽ giải quyết như thế nào?
Hầu hết các thành viên Hội đồng đều nhất trí việc tăng quyền tự chủ cho các trường. Nhưng, khi đặt vấn đề này cần tách bạch quyền hạn của bên dưới được thông suốt hơn. Ngay Luật GD cũng có nhiều vấn đề, ông Hùng dẫn dụ: Luật có giao quyền cho các trường tổ chức thi...nhưng đến khi cấp bằng lại do Phòng GD hoặc Sở GD - ĐT địa phương cấp bằng - như vậy là không đồng nhất.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Trần Quốc Toản cho hay, vấn đề chủ quản trong GD khác các Doanh nghiệp cả về tiêu chí, mục đích và chủ sở hữu...Do vậy, ông Toản cho rằng, khi đặt vấn đề xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản trong GD cũng cần phải xác định bước đi thích hợp về tự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường.
Bản chất của xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản là tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Do đó, quyền tự chủ phải làm rõ ba chữ "tự": Tự chủ về nhiệm vụ; Tự chủ về tài chính và Tự chủ về Tổ chức bộ máy - Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đề xuất.
Trong tất cả những chính sách đổi mới của Việt Nam thường "đối mặt" với vấn đề hiện hữu là phải có lộ trình triển khai từng bước. Để làm tốt ba chữ "tự" đặt ra cần thiết phải thành lập tổ chuyên gia. Theo Phó Thủ tướng, lộ trình triển khai trước mắt là làm ngay tự chủ tài chính. Kế đến là tự chủ trong tổ chức bộ máy và cuối cùng là nhiệm vụ.
Có ý kiến đề xuất: khi xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản cũng cần phải lường tính đến những hậu quả. Có nghĩa, trước đây các trường ĐH nằm trong khuôn khổ quản lý của Bộ chưa quen với tự chủ, giờ xóa bỏ thì hoạt động của các trường ai quản lý?
Nếu không có tính toán cụ thể và có giải pháp thực hiện thông suốt thì vấn đề đặt ra xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản chỉ là hình thức? GS Giang băn khoăn.
Cũng giống nhiều ý kiến đề xuất của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị: Cần xem xét lại tên gọi, nên chỉ đặt vấn đề tăng quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường ĐH và có bước đi cụ thể?
Thực tế, khi đặt vấn đề xóa cơ cơ chế chủ quản đối với Doanh nghiệp 15 năm chưa bỏ được, nhưng so với những năm 90 thì doanh nghiệp Nhà nước có quyền nhiều hơn và vẫn tồn tại cơ chế Bộ chủ quản. Nói như vậy để GD nên tìm cách không hạn chế quyền hoạt động của các trường và cần mở rộng hơn...
Quan trọng phải nghiên cứu quyền tự chủ của các trường ĐH ở lĩnh vực nào, đến đâu? Tự chủ đến mức nào về tài chính? Vai trò quản lý Nhà nước, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì vai trò của Bộ GD - ĐT như thế nào...Những vấn đề này cần phải các định và làm rõ trong đề án. Tất cả những cơ chế chuyển đổi cần phải có lộ trình, bước đi không sẽ đảo lộn hết.
-
Kiều Oanh (lược thuật)
Theo bạn, nên hay không nên xóa cơ chế "bộ chủ quản"?