(VietNamNet) - Một trong nhiều vấn đề độc giả quan tâm là lộ trình đưa học liệu mở (OpenCourseWare-OCW) của MIT vào Việt Nam sẽ được triển khai như thế nào? Làm sao để mọi sinh viên (SV) và giảng viên tận dụng hết tính năng của chương trình này? Ông Quách Tuấn Ngọc, GĐ Trung tâm Tin học, thành viên Tổ công tác đưa học liệu mở MIT vào Việt Nam (Bộ GD - ĐT) , đã trao đổi với VietNamNet xung quanh những vấn đề đặt ra...
Ông Quách Tuấn Ngọc, GĐ Trung tâm Thông tin, thành viên Tổ công tác đưa OCW vào Việt Nam. (Ảnh Lê Anh Dũng) |
"Các bên đối tác cũng đề cập đến một số vấn đề không có trong văn bản, ví dụ: chuyện dịch các chương trình OCW sang tiếng Việt. Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số người đề xuất dịch hoàn toàn sang phiên bản tiếng Việt để tạo điều kiện thuận lợi cho SV ta còn nhiều người kém tiếng Anh và tạo điều kiện "mở" cho mọi người. Cá nhân tôi cũng giống ý kiến của VEF là chỉ nên dịch các ý chính, dịch tóm tắt, rồi link đến bản tiếng Anh. Bộ trưởng trong cuộc họp mới đây nhất với Vụ HTQT cũng gợi ý nên dùng OCW tiếng Anh luôn.
Tuy nhiên, dịch ý chính hay dịch toàn bộ cũng chưa có sự đồng thuận. Nếu dịch toàn bộ sẽ rất khó và mất thời gian vì "vấp" phải những học thuật, nhất là vấn đề thuật ngữ chuyên ngành. Tôi đã lấy thí dụ về việc dịch những từ như Home, Cool, wizard. Nếu tra từ điển chỉ thấy home là nhà, vậy thì home page là trang nhà. Dịch thế là sai. Tôi dịch là trang đầu tiên. Cool trong từ điển Anh – Việt là mát mẻ. Vậy Cool webpage là gì ? Tôi dịch Cool là hết sẩy, tuyệt vời. Còn wizard tra từ điển chỉ thấy là phù thuỷ, thuật sĩ … Tôi dịch là: Chương trình hướng dẫn thực hiện từng bước một. Những thứ đó tôi mất từ 1 năm đến 2 năm để tìm hiểu mới dịch được.
Nếu cứ nghĩ kiểu "cơm bưng nước rót" thì đội ngũ của ta sẽ không thể "lớn lên" được. Cứ phải để cho SV và cả giáo viên lăn lộn, học tiếng Anh qua bản gốc. Khi tiếp cận, nếu không biết tiếng Anh thì tự khắc phải học... Vấn đề không chỉ đặt ra đối với SV mà cả giáo viên cũng phải chủ động học tiếng Anh. Nếu tồn tại tư tưởng phải dịch hoàn toàn sang tiếng Việt để cho SV và giáo viên dễ tiếp cận khai thác là sai lầm và không tiến đến hội nhập được.
Tôi không phản đối việc dịch sang tiếng Việt nhưng chúng ta phải tận dụng bản gốc, biết tiết kiệm thời gian, công sức. Chứ cứ chú trọng đến phần dịch sẽ không dịch đuổi được vì cứ 6 tháng MIT lại cập nhật phiên bản mới... Kinh nghiệm xương máu thực tế bản Windows và Office tiếng Việt là một thí dụ. Người VN ta nói chung và HSSV toàn dùng bản tiếng Anh, vì bản tiếng Việt nó … khó hiểu quá. Dùng riết thấy quen.
Bên cạnh đó, nên khuyến khích giáo viên và SV dùng trực tiếp. Nếu quá chú trọng vào tiếng Việt thì 5 năm sau tốt nghiệp, ra trường các em sẽ vấp phải một chuyên gia nước ngoài. Khi đó, các em sẽ không đối thoại chuyên môn được.
- Như vậy, vai trò của Trung tâm Tin học trong việc đưa học liệu mở MIT vào Việt Nam sẽ theo lộ trình như thế nào?
Thực ra Trung tâm Tin học đã khai trương học liệu mở cách đây 2 năm, ngay từ lúc MIT bắt đầu công bố. Chúng tôi đã cho thêm 9 trường nữa, đến nay là 10 (mới thêm một trường ở Pháp).
Tại hội thảo hôm nay, Thứ trưởng Bành Tiến Long và mọi người đều đã nói quan điểm: Chúng ta không chỉ đưa học liệu mở của MIT mà còn dùng học liệu mở của các trường khác.
- Tuy nhiên, lựa chọn chỉ đạo triển khai thì đây là lần đầu tiên Bộ có ký kết với các đối tác để cập nhật thường xuyên và có kế hoạch cụ thể...
Hai năm qua, từ lúc MIT đưa OCW lên mạng, chúng tôi đã khai trương, giới thiệu tại hội nghị “ICT in education” với 800 người là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, nhiều trường ở VN cũng tạo mô hình học "mở" tương tự ở qui mô lớn bé khác nhau. Ví dụ trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) và thêm một số trường khác. Điều đó cho thấy, chúng ta đã từng bước hội nhập, không đến nỗi là con số 0. Chúng ta nên khuyến khích, động viên làm tiếp thêm…
- Trở lại vấn đề học liệu mở của MIT, sắp tới đây Tổ công tác sẽ có những quảng bá như thế nào và lộ trình thực hiện giới thiệu Học liệu mở đến từng trường?
Vấn đề này, chúng tôi cũng đã bàn thì cũng có ý kiến Tổ công tác nên đưa ra lộ trình. Ban đầu VEF cũng đưa ra lộ trình thực hiện từng tháng và tháng 5/2006 đề nghị MIT sang thẩm định. Tuy nhiên, không thể thực hiện theo lộ trình như vậy vì vấn đề cốt lõi là đội ngũ giáo viên của Việt Nam có "khớp" được với chương trình không ? Mặt khác, MIT cũng đã có thời gian làm mấy năm nay. Do đó không thể vội vàng và chúng tôi dự kiến 2 nguồn chủ lực có thể giúp khai thác nguồn OCW hiệu quả là NCS ở nước ngoài và đội ngũ giáo viên tại VN.
Cụ thể: phần dịch các chương trình học liệu mở của MIT phải do giáo viên bộ môn tương ứng đảm nhiệm. Đồng thời, mong muốn các LHS tại Mỹ thực hiện và chuyển về Việt Nam bằng con đường gián tiếp hoặc trực tiếp.
Tuy nhiên, ngoài thời gian công sức bỏ ra để dịch thì cũng phải đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ. Và kinh phí đâu cho họ làm? Nếu một chút thực dụng thì nhiều giáo viên chọn con đường đi dạy có thể kiếm nhanh hơn.
Do đó, phải có nguồn kinh phí để động viên giáo viên làm và nên tập hợp những người có tâm huyết. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét.
- Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các LHS Boston và MIT trong việc hỗ trợ đưa học liệu mở vào Việt Nam?
Vai trò của họ rất quan trọng trong tiếp thu những kiến thức của MIT và họ phải trực tiếp làm để cập nhật những kiến thức mới để đưa lên mạng. Về phía Việt Nam, chúng tôi luôn coi các LHS như những thành viên đang ở nhà và sau này các bạn trở về sẽ là cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu. Cho nên, thời gian học bên đó các bạn cập nhật nhiều kiến thức để quảng bá về Việt Nam...Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nguồn.
Còn nguồn thứ hai là giáo viên nội tại trong nước sẽ trực tiếp khai thác nguồn học liệu mở này. Để triển khai hiệu quả phải huy động nhiều nguồn, kể cả LHS du học theo đề án “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (đề án 322).
Phải khẳng định rằng: những công việc này nó là công việc của tất cả giáo viên, các trường. Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng đã khẳng định vì là "mở" cho nên ai cũng có thể dùng và làm được...
Thời gian tới, Tổ công tác sẽ có họp bàn kế hoạch triển khai cụ thể. Sơ bộ các đối tác cũng đề xuất chọn 3 ngành: Điện tử, Công nghệ thông tin và Công nghệ Sinh học.
-Ông đánh giá thế nào về OCW của MIT?
- OCW là nguồn tư liệu tham khảo cho giảng dạy và học tập rất tốt. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thêm cho rõ: Đây là nguồn tài liệu hỗ trợ giảng dạy của giáo viên của một trường nên nó chỉ phát huy hiệu quả nhất khi học đúng giáo viên đó, chương trình đó. Vì là học liệu như slide, tài liệu tham khảo, thậm chí bản thảo viết tay được scan lên … nên nó là tĩnh. Người sử dụng nó (là chúng ta chẳng hạn) cần phải biết tiêu hoá, chế biến cho phù hợp với mình thì mới thành công.
Thứ nữa, OCW là hình thức còn thấp, chưa phải là hình thức cao cấp hơn là đào tạo từ xa, đào tạo trên mạng, là e Learning. Điều này chính MIT công bố tại phần help Điều này hàm ý OCW chưa hỗ trợ cho việc học một cua để lấy bằng mà mới chỉ là hỗ trợ cua học của giáo viên đang giảng. OCW cũng không phải là một cuốn sách giáo trình nghiêm chỉnh nên những sách giáo trình chuyên ngành, ta phải mua của các nhà xuất bản chứ không thể kiếm được ở website.
Tuy nhiên phải nói rằng chúng ta phải học MIT ở chỗ họ đã xây dựng thành một qui trình giảng dạy: bài giảng, bài thí nghiệm, bài tập về nhà, tài liệu tham khảo, cách chấm điểm hết môn có khi không cần thi vì đã cộng các hoạt động nói trên.
- Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)