Hướng phát triển hiện nay của đại học trên thế giới là rời khỏi “tháp ngà”, thực sự dấn thân vào xã hội. Hội nghị quốc tế về giáo dục đại học năm 1998 do UNESCO chủ trì đã chỉ rõ: “Sứ mệnh của giáo dục đại học là góp phần vào yêu cầu phát triển bền vững và phát triển xã hội nói chung”. Đại học Việt Nam cũng đang nỗ lực “dấn thân”.
Xu hướng gắn kết trường đại học với giới doanh nghiệp, dịch vụ... đang hình thành. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc TPHCM trong một chuyến thực tập tại một xưởng composite ở Cần Giờ. |
Song, các hợp đồng nghiên cứu và dịch vụ đến nay mới chỉ chiếm 1,2% nguồn thu của các trường đại học, chưa thực sự tạo nên một bước ngoặt rõ nét trong đời sống xã hội, trong sản xuất cũng như tác động trở lại đến chất lượng đào tạo trong nhà trường!
Giáo sư - tiến sĩ Hoàng Bá Chư, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội (BKHN), đã từng khẳng định: “Chúng tôi cho rằng việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc hợp tác giữa trường ĐH với giới công nghiệp đã, đang và sẽ là một trong những yếu tố quyết định để phát triển”.
Liên kết trường đại học và giới công nghiệp
Một chuỗi 7 chương trình liên kết với giới công nghiệp và doanh nghiệp đã được ĐH BKHN thực hiện, như: thành lập tổ nghiên cứu chuyên môn chung giữa trường và xí nghiệp (Bộ môn Thiết bị điện với Nhà máy Thiết bị điện Đông Anh...); hình thành liên hợp kinh tế kỹ thuật giữa trường và doanh nghiệp (Trung tâm Ăn mòn và Bảo vệ kim loại với Tổng Công ty Dầu khí VN).
Trường còn đảm nhận việc tiếp thu dây chuyền công nghệ mới và cải tiến các thiết bị ngoại nhập (Bộ môn Tự động hóa đã cải tiến dây chuyền tự động Nhà máy Đường Lam Sơn). Thực hiện các hợp đồng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất bằng phương thức “Chìa khóa trao tay” (dàn máy phát điện và hiện đại hóa hệ thống điều khiển tự động của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình); quan hệ hợp tác song phương với các tổng công ty; hình thành “chợ khoa học – công nghệ (KH-CN)”; hướng dẫn các nhà khoa học nước ngoài cùng xuống làm việc với các cơ sở công nghiệp.
Trong chiến lược phát triển với 22 trung tâm KH-CN, một công ty, Viện Môi trường Tài nguyên - ĐH Bách khoa TPHCM cũng đã đề ra nhiệm vụ gắn kết các hoạt động KH-CN của trường với nhu cầu phát triển của các vùng kinh tế từ miền Trung trở vào.
Chẳng hạn chương trình 04 “Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp mạnh xuất khẩu”, chương trình “Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM”, Không chỉ đáp ứng nhu cầu KH-CN của các địa phương, trường còn đi đến các công ty để thảo luận về nhu cầu phát triển của công ty; đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam để “tham gia giải quyết các vấn đề kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động sản xuất do các cơ sở sản xuất của tổng công ty yêu cầu”.
Hàng loạt chương trình liên kết với các địa phương, các chương trình hợp tác chuyển giao khép kín sản phẩm chăn nuôi đã được ĐH Nông Lâm TPHCM triển khai, như: nghiên cứu hoàn thiện các máy chế biến thức ăn dạng bột, viên cho gia súc; chuyển giao hệ thống giết mổ heo và cả việc lựa chọn các thiết bị hiện đại, tổ chức huấn luyện cán bộ, công nhân kỹ thuật cho việc hình thành một nhà máy chế biến đã đi vào sản xuất...
TS Bùi Văn Miên, Trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học (NCKH) cho biết: Hiện trường đang hợp tác với 60 nước trên thế giới với 44 đề tài, dự án; hàng chục chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (CGCN). Thông qua hợp tác quốc tế, trường đã giải quyết được những vấn đề mang tính khu vực, như: phát triển chăn nuôi bò sữa, gà thả vườn, nuôi cá, tôm nước ngọt; phát triển việc trồng các loại cây công nghiệp như ca cao, cây chống xói mòn như cỏ vetiver, máy sấy nông sản, chương trình ca cao với tập đoàn ca cao, chương trình quản lý tổng hợp về bọ dừa tại VN đã cứu nguy cho hàng triệu cây dừa tại VN và các nước trong khu vực...
ĐH Đà Nẵng có 15 trung tâm NCKH và CGCN, mà theo TS Trần Văn Nam, đây đều là những trung tâm có chuyên môn đáp ứng nhu cầu các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. ĐH Cần Thơ cũng là một trong những trường có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chưa mang lại hiệu quả thiết thực
Trong đề án xã hội hóa giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển phê duyệt ngày 24/6/2005 đã công bố: Hợp đồng nghiên cứu và dịch vụ chiếm 1,2% nguồn thu của các trường ĐH (ở các nước tiên tiến, tỉ lệ này khoảng trên dưới 30%). Tỉ lệ trên cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về hiệu quả của NCKH và CGCN trong các trường ĐH.
Đi vào cụ thể, PGS Nguyễn Đức Thuận (ĐH BKHN) đã thẳng thắn thừa nhận: Hiện nay, tiền thu của trường chủ yếu trông vào nguồn thu từ đào tạo. Kinh phí từ CGCN-sản xuất kinh doanh còn rất khiêm tốn, doanh thu mới chỉ đạt 75 tỉ đồng- năm 2003 và 117 tỉ đồng- năm 2004 (nguồn thu từ các viện, trung tâm và công ty). Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là lợi nhuận sau thuế rất khiêm tốn, mới đạt không quá 10 tỉ đồng/năm, trong đó đóng góp vào Quỹ Tái sản xuất khoa học và phúc lợi không quá 4 tỉ đồng/năm.
ĐH Bách khoa TPHCM cũng đưa ra con số: Năm 2003, doanh thu qua các hợp đồng CGCN là 45,946 tỉ; năm 2004 thực hiện hơn 100 hợp đồng CGCN với doanh thu 51 tỉ đồng. Như vậy, chúng ta thấy, bình quân một hợp đồng doanh thu không tới 500 triệu đồng.
Ngoài ra, còn một thực trạng khác như Trường ĐH Nông nghiệp 1 đã ghi nhận: Ngay cả các công trình công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật có được áp dụng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi đi chăng nữa, nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp tạo ra hiện nay còn thấp nên hộ nông dân tiếp thu ứng dụng thiết bị kỹ thuật còn hạn chế.
Rõ ràng, một xu hướng gắn kết giữa trường ĐH với giới công nghiệp–doanh nghiệp –dịch vụ đang từng bước hình thành trong hầu hết các trường ĐH. Song, vì sao công tác NCKH và CGCN ở khu vực ĐH vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự về cả kinh tế lẫn đào tạo?
Các xu hướng phát triển giáo dục của ĐH thế giới |
Xu hướng đại chúng hóa: Chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng. Quy mô giáo dục ĐH tăng nhanh. . Xu hướng đa dạng hóa; tư nhân hóa. . Bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh. . Tập đoàn hóa và công nghiệp hóa. . ĐH trở thành các trung tâm sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. - Phát triển các dịch vụ đào tạo nhân lực quốc tế và khu vực. |
(Theo Mai Lan - Phương Đông - Người lao động)