(VietNamNet) - Sự bất ổn của đề thi đòi hỏi Bộ GD-ĐT sớm muộn phải đổi mới phương thức thi, cách ra đề, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, bất cập. Nhà báo Kim Dung, từng nhiều năm chuyên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bày tỏ ý kiến về "câu chuyện đề thi 2005".
Thí sinh trao đổi về bài thi sau giờ thi sáng 9/7 tại điểm thi của Viện ĐH Mở Hà Nội đặt ở trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dzũng |
Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2005 vừa kết thúc yên ổn. Ngành Giáo dục và Đào tạo chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì xã hội, báo chí đã râm ran tranh luận đề thi dễ, đề thi khó.
Theo tôi, đặt vấn đề đề thi dễ hay khó, “phổ thông hoá” hay “đại học hoá” không quan trọng bằng đề thi đúng hay sai, có đáp ứng yêu cầu phân loại và tuyển chọn hay không.
Cái lợi nhất của việc ra “đề thi dễ” theo như nhận định của một số báo tại kỳ thi này, là kết quả điểm thi và điểm sàn có thể cao hơn trước, một cách để ngành GD và ĐT nói với xã hội rằng chất lượng văn hoá (chứ không phi chất lượng giáo dục, vì nếu nói chất lượng giáo dục còn cần một loạt tiêu chí, điều kiện khác) đã được nâng cao hơn, làm yên lòng xã hội hơn.
Nhiều thế hệ học sinh của chúng ta trước đây đã từng trải qua những kỳ thi, mà đề thi ra theo kiểu mẹo mực, như một sự đánh đố, hoặc quá khó so với yêu cầu tuyển chọn, làm khổ thí sinh, làm nảy nở tràn lan những lò luyện thi, học thêm, tốn tiền, tốn sức các bậc cha mẹ, và học sinh, thì cách ra đề thi như năm nay, xin hãy lấy đó làm mừng.
Bởi lẽ, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cũng phải là học sinh giỏi, học sinh khá vào loại cứng mới có thể đạt được điểm 10 một cách trọn vẹn. Bởi lẽ, điểm trong tay thầy, cách chấm, kỹ năng chấm chặt tay hay lỏng tay thuộc về chỉ đạo của ngành GD - ĐT. Và bởi lẽ, nguyên tắc tuyển chọn bao giờ cũng là lấy từ cao xuống thấp, từ trên xuống dưới.
Điều đáng nói về đề thi, lại ở góc độ khác. Đó là hiện tượng đề thi văn khối C gần như trùng với trọng tâm ôn tập của lò luyện thi C1 của trường ĐHSP Hà Nội mà một trong những thành viên của Hội đồng ra đề thi - ông Lã Nhâm Thìn - đồng thời là một trong những người tham gia luyện thi ở “lò luyện” ấy.
Cách đây hơn chục năm, tại một kỳ thi tuyển sinh ĐH của ngành GD và ĐT, một giáo sư - cán bộ giảng dạy của một trường ĐH lớn tại Hà Nội, vốn là người luyện thi rất giỏi, lại được mời tham gia Hội đồng ra đề thi của trường.
Không rõ do sơ ý, hay lú lẫn vì tuổi tác thế nào, giáo sư đó ra đề thi trùng vào bài luyện thi trước đó. Ngay trong buổi thi, trước cổng trường, người ta đã rao bán đề thi cùng lời giải, còn học trò của giáo sư mừng rú: “Trúng tủ”.
Cái tin “lộ” đề thi của trường ĐH B. loang đi từ sự kiện đó. PGS Đỗ Văn Chừng, dạo ấy là Vụ trưởng Vụ Tuyển sinh của Bộ, người biết rõ vụ việc và con người đã lắc đầu: “Đó là người thầy rất có nhân cách, nên mới được tin tưởng giao việc. Ai hiểu chuyện cũng ái ngại. Suốt cả một năm trời, người thầy ấy không dám ngẩng mặt lên nhìn ai!”.
Cũng chính sau vụ việc đáng tiếc, Bộ GD - ĐT có một quy định rất khe khắt nhưng cũng rất cần thiết. Đó là cán bộ luyện thi không được phép tham gia vào hội đồng ra đề. Nguyên tắc bất di bất dịch ấy kéo dài hàng chục năm, trước khi có giải pháp “3 chung”.
Còn nay, khi thông tin về đề thi môn Văn khối C trùng với phần lớn trọng tâm ôn thi lò C1 ĐHSP, vẫn có người biện bạch: “Tại quy chế Bộ GD và ĐT không có quy định cụ thể!”.
Xin thưa, dù không có văn bản, nhưng ở nơi này, nơi khác, vị cán bộ có trách nhiệm của Bộ GD và ĐT về khảo thí không ít lần nêu nguyên tắc chọn lựa cán bộ ra đề thi. Và nếu nguyên tắc này không đưa vào quy chế thì quả thật lỗi thuộc về thế hệ “hậu sinh”.
Ngành ĐH đã phát triển hơn nửa thế kỷ, cũng đã trải qua mấy chục kỳ thi tuyển sinh, vậy mà đến giờ, những cái lỗi không đáng có vẫn tiếp tục xảy ra.
Cũng có người lật lại vấn đề: Nếu ban hành quy định ấy thành văn bản, ngành GD và ĐT tuân thủ nguyên tắc nêu trên thì ai, thầy nào đủ tiêu chuẩn làm thành viên Hội đồng thi đây? Bởi lẽ, được mời làm thành viên HĐ phải là những thầy dạy giỏi. Đã dạy giỏi, có thầy nào không luyện thi, hoặc dạy thêm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay?
Bởi lẽ, nếu thi hành quy định ấy, thì các thầy, thà không phải là thành viên ra đề, còn hơn là không được luyện thi, mất mấy chục triệu mỗi tháng luyện.
Vậy là kỳ thi tưởng là ổn, mà vẫn thành bất ổn. Sự bất ổn của đề thi, ở khía cạnh này, hay khía cạnh khác, đòi hỏi Bộ GD-ĐT sớm muộn phải đổi mới phương thức thi, cách ra đề thi, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, hạn chế, bất cập.
Sớm muộn, ngành phải có một ngân hàng đề thi, một đội ngũ làm công tác khảo thí được đào tạo, huấn luyện thuần thục và chuyên nghiệp.
-
Kim Dung
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: