(VietNamNet) - "Tôi cho là chuyện hay. Hay ở chỗ khác thường. Bình thường tỷ lệ đậu tốt nghiệp THCS cứ phải 90%, trên 90%. Khánh Hòa đã làm được điều không như bình thường..."
Ông Nguyễn An Ninh |
Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT) cho biết như vậy về chuyện Khánh Hòa đề xuất thi lại tốt nghiệp THCS lần 2. Ông nói:
Có 3 đơn vị, tham mưu cho Bộ GD - ĐT về đề nghị này, gồm: Vụ Giáo dục Trung học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thanh tra giáo dục. Quyết định cuối cùng thuộc về lãnh đạo Bộ. Do đó, không thể nói kết quả thế nào vì tôi không trực tiếp tham gia họp (cuộc họp ngày 15/6 đại diện của Cục Khảo thí là tân Cục phó Trần Văn Nghĩa - NV).
Tại sao chuyện Khánh Hòa lại không bình thường? Quan điểm cá nhân tôi, có lẽ vì có 2 hướng: có sự cố này kia liên quan đến đề hoặc có chuyện làm đúng yêu cầu quy chế.
Đề xuất của tôi là nên chăng phải có nghiên cứu xem quy trình của kỳ thi này như thế nào. Quy trình từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi và xét tuyển. Giả sử, đề ra đúng chuẩn thì không có vấn đề gì. Thậm chí có thể so sánh đề với các tỉnh lân cận có tỷ lệ tốt nghiệp 80 - 90%. Nếu như đề khó quá thì phải xem lại.
Nếu đạt chuẩn thì phải xem khâu coi thi có bình thường hay không. Tiếp đến, cần phải xem khâu chấm có "chặt" quá không. Tức là, có khi nào yêu cầu thì bình thường mà chấm thi quá ngặt nghèo để đến nỗi, kết quả trượt quá nhiều. Nếu thẩm định được những vấn đề đó thì khâu kết luận mới phù hợp.
Toàn cảnh: Khánh Hòa xin tổ chức thi tốt nghiệp THCS vòng 2 Xem chi tiết >>
UBND Khánh Hòa cũng có tờ trình đề nghị cho thi lại để bảo đảm quyền lợi các cháu. Tôi cũng không biết quyền lợi đó căn cứ trên những gì. Và quyền lợi đó có chính đáng hay không.
Thi lại chỉ thực hiện khi đề thi quá khó. Hay chấm không đúng với tinh thần chung mà lại quá khắt khe. Phải là quá khắt khe chứ nếu chấm nghiêm túc thì không kể đến. Barem đáp án yêu cầu thế nào làm thế đó thì không thành vấn đề. Chỉ sợ có sự cố nào đó về đề. Chẳng hạn như đáp án sai và người chấm cứ máy móc theo barem thì kết quả chấm sai hết. Nếu rơi vào trường hợp đó thì mới khó xử.
Tôi đoán, trong trường hợp này, Khánh Hòa đã làm các khâu trong kỳ thi tương đối là chặt chẽ. Ít nhất là khâu coi thi. Nếu coi thi chặt chẽ sẽ ra vấn đề.
Bản thân tôi không khẳng định Khánh Hòa có thi lại hay không. Nhưng một trong những căn cứ là phải xem lại cả 3 khâu họ tổ chức thi. Giả sử thực hiện nghiêm túc thì câu trả lời về kết quả thấp lại ở chỗ khác. Nếu nghiêm túc thì câu trả lời ở chỗ chỉ đạo dạy trong vòng 9 năm đó như thế nào. Và 9 năm đó, học trò đã thi kiểu gì để đến lúc "đùng một cái" làm chặt chẽ thì rớt nhiều đến thế...
-
Kiều Oanh (ghi)