Hiện tại, quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên đang là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng cần được giải quyết.
Hậu quả để lại chính là các tổn thương tâm lý và cảm xúc đầu đời, tình trạng phá thai, sinh con ngoài hôn nhân, bên cạnh tỉ lệ tăng dần các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (sexually transmitted diseases – STDs), các lối sống thác loạn (như dịch “lắc” hiện nay, dịch “hàng trắng” ngày hôm qua, dịch “bồ đà” ngày hôm kia...)... Thế nhưng, một số chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản hiện nay lại đang cho thấy có những bất cập.
“Tình dục an toàn” mà thôi?
Một số chương trình giáo dục giới tính theo kiểu “tình dục an toàn ” hiện nay (phần lớn được nước ngoài tài trợ) chú trọng rất ít đến việc khuyến khích người trẻ tự làm chủ chính mình trước quan hệ tình dục.
Thay vào đó, các chương trình này cổ súy mạnh mẽ việc sử dụng bao cao su (mặc dù đây chỉ là những biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn đại dịch AIDS và các tệ nạn xã hội khác). Tự thân thực tế “tình dục an toàn” đã là không lành mạnh lắm trong ý nghĩa mở ra những ngoại lệ cho quan hệ tình dục (quan hệ ngoại hôn nhân...), đi ngược lại nguyên tắc vàng của giáo dục là “không có chỗ cho sự ngoại lệ”.
Bên cạnh đó, vấn đề quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên cũng bị xem nhẹ. Trong một số chương trình truyền thông về tính dục và sức khỏe sinh sản, các báo cáo viên đã trò chuyện về giới tính với các em thanh thiếu niên về công thức ABC (A=Abstinence: kiêng nhịn; B=Be Faithful: chung thủy; C=Condom: bao cao su).
Vấn đề của công thức này chính là ở chỗ nó đã mở ngỏ việc sử dụng bao cao su khi không thể áp dụng được hai phương thức đầu (kiêng nhịn và chung thủy). Thế nhưng, khi đối tượng là thanh thiếu niên trẻ, còn đang tuổi tò mò, hiếu thắng, không kiên nhẫn, thì công thức đó chẳng khác gì khuyến khích: cần gì phải kiêng nhịn và chung thủy nữa!
Ngoài ra, các chương trình này còn sử dụng phương pháp giáo dục đồng trang lứa, nghĩa là giữa bạn trẻ tuyên truyền với bạn trẻ, một “phong cách nền tảng của giáo dục mới” chưa được chứng thực là có hiệu quả cả trong lịch sử giáo dục thế giới và ở VN! Cách thức giáo dục này đã bỏ qua vai trò của cha mẹ và thầy cô giáo chủ nhiệm vốn là hai nền tảng của giáo dục nhân cách.
Giáo dục khả năng tự làm chủ bản thân hướng về giới tính không phải là chỉ dẫn đơn thuần các kiến thức về giới tính, tính dục, phương tiện / kỹ thuật tình dục (một cách hiểu quá hẹp về giới tính đang được cổ vũ và tài trợ bởi một số tổ chức phi chính phủ) mà phải là giáo dục sự tôn trọng phẩm giá và nhân cách con người. |
Chính sự đề cao bao cao su có khi lại tạo nên một sự mất cảnh giác mới. Nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy khả năng bảo vệ của bao cao su là thấp (từ mức độ không cho đến mức độ một ít đối với bệnh herpes và hoàn toàn không có khả năng bảo vệ chống lại bệnh HPV (do siêu vi Human Papillomavirus) là nguyên nhân gây ung thư tử cung giết chết khoảng 4.800 phụ nữ mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ (theo số liệu của Viện Ung thư Hoa Kỳ – http://www.cancer.org)).
Theo một tổng kết của giới khoa học, tỉ lệ thất bại của bao cao su trong việc ngăn chặn sự lan truyền của virus HIV là từ 15 - 31% (theo số liệu của Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ – http://www.niaid.nih.gov/dmid/stds/condomreport.pdf; và sách Thuốc và các biện pháp tránh thai trong kế hoạch hóa gia đình, GS.TS Nguyễn Văn Đàn, TS Phan Quốc Kinh, DS Ngô Ngọc Huyến, NXB Y Học, năm 2000). Không có gì ngạc nhiên khi nhớ rằng bao cao su đã được sử dụng rộng rãi từ lâu trên toàn thế giới song các bệnh STDs vẫn cứ lan tràn.
Chỉ đường cho hươu chạy?
Ngược lại, vẫn tồn tại một sự ngần ngại “không nên chỉ đường cho hươu chạy”. Một trong những hậu quả đáng tiếc của sự ngần ngừ này là tỉ lệ phá thai và tình trạng sinh con ngoài hôn nhân tăng quá cao.
Tỉ lệ phá thai cao cho thấy thiếu hiểu biết, thiếu kiềm chế và nhiều khi xem nhẹ những vấn đề quan trọng về đạo đức có liên quan đến cuộc đời của cá nhân và những người xung quanh. Vấn đề ở đây chính là hậu quả về mặt sinh lý, tâm lý, tinh thần và trình độ giáo dục – xã hội của những bạn gái trẻ sau khi phá thai. Hầu như các hành vi phá thai này đều được thực hiện lén lút ở phạm vi cá nhân.
Từ đó dẫn đến sự phát triển bấp bênh vì những mặc cảm tồn đọng lại trong cuộc sống tương lai của cá nhân đó. Ngoài ra, tình trạng sinh con ngoài hôn nhân tuy chưa phải là một vấn đề cần đặt nặng trong hoàn cảnh Việt Nam, nhưng cũng là một gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các trường hợp này xảy ra ở thanh niên và thiếu nữ chưa đủ kiến thức và trưởng thành để đi đến một mối quan hệ hôn nhân vững chắc, và con cái họ sẽ phải “trả giá”.
Thế nhưng, trước mắt chính các bạn trẻ này phải trả giá, bắt đầu là những tổn thương tâm lý và tình cảm. Quan hệ tình dục ở lứa tuổi này có đặc điểm không chắc chắn và thoáng qua, tạo tiền đề hủy hoại lời cam kết yêu thương và trách nhiệm trong hôn nhân gia đình và trong công tác, nghề nghiệp ngoài xã hội. Các nghiên cứu khoa học cho thấy sau những tổn thương đó, khó hình thành quan hệ lành mạnh và tốt đẹp trong cuộc sống hôn nhân gia đình sau này.
Các nghiên cứu còn chứng minh rằng có mối quan hệ tỉ lệ thuận giữa tình dục sớm ở lứa tuổi vị thành niên và sự hình thành những hành vi nguy hiểm cho xã hội như hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy. Một số nghiên cứu của Viện Phát triển thanh thiếu niên Hoa Kỳ cho thấy các đối tượng nam trong lứa tuổi từ 12 - 16 có quan hệ tình dục sớm, có nguy cơ hút thuốc gấp bốn lần và uống rượu gấp sáu lần những người bạn đồng trang lứa không quan hệ tình dục. Đối với giới nữ cũng thuộc lứa tuổi này, nhóm đối tượng có quan hệ tình dục sớm sẽ có nguy cơ hút thuốc gấp bảy lần và uống rượu gấp mười lần những đối tượng còn trinh tiết. Ngoài ra, còn một số liên quan khác giữa tình dục ở lứa tuổi vị thành niên và tệ nạn sử dụng ma túy và chất kích thích. Dĩ nhiên, đây là các số liệu nghiên cứu tại Hoa Kỳ, nhưng đối với VN, đây là những con số cảnh báo trước nếu không loại trừ các trường hợp ăn chơi suy đồi và sử dụng thuốc lắc, ma túy... như đang chứng kiến.
Giáo dục giới tính: giáo dục khả năng tự chủ
Nền giáo dục có căn cơ chính là nền giáo dục trang bị khả năng tự làm chủ bản thân cho mỗi công dân tương lai, cả trong lĩnh vực giáo dục giới tính.
Giáo dục khả năng tự làm chủ bản thân không có nghĩa là tạo lập một thói quen kiêng nhịn tiêu cực. Đó là quá trình đào tạo và rèn luyện bản thân một cách tích cực trong các môi trường gia đình, trường học và truyền thông xã hội.
Giáo dục khả năng tự làm chủ bản thân hướng về giới tính không phải là chỉ dẫn đơn thuần các kiến thức về giới tính, tính dục, phương tiện/ kỹ thuật tình dục (một cách hiểu quá hẹp về giới tính đang được cổ vũ và tài trợ bởi một số tổ chức phi chính phủ) mà phải là giáo dục sự tôn trọng phẩm giá và nhân cách con người. Không chỉ cung cấp những hiểu biết về giới tính và cơ thể mà còn là một cái nhìn toàn diện về con người: con người sinh lý, con người tâm lý, con người tinh thần, con người luân lý, con người xã hội... Đó là niềm vui xuất phát từ bên trong khi trao hiến toàn diện chính bản thân mình làm món quà tình yêu cho người khác hoặc cho một lý tưởng.
Giáo dục khả năng tự làm chủ bản thân là tiền đề cho giáo dục hôn nhân gia đình. Một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, người già có tuổi thọ cao, phải bắt đầu từ những chuẩn bị về nhân cách và tình yêu hôn nhân. Gia đình hạnh phúc thì xã hội phát triển, đất nước thịnh vượng. Đây là sự phát triển bền vững đã được đề cập đến trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UNDP) năm 2000.
-
Nguyễn Đạt Ân (Tuổi Trẻ)
Ý kiến của bạn về vấn đề này?