(VietNamNet) - Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Việt Nam đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ... bản kiến nghị 6 giải pháp cải cách giáo dục.
6 giải pháp mà Liên hiệp kiến nghị gồm:
Cân nhắc kỹ việc thông qua trong Luật Giáo dục (GD) sửa đổi.
Điều chỉnh lại chiến lược giáo dục đào tạo 20 năm đã ban hành.
Cải cách ngay cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD) theo hướng gắn kết GD phổ thông và GD chuyên nghiệp.
Thành lập Ủy ban GD - ĐT quốc gia là cơ quan giúp Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc cải cách toàn diện.
Nhà nước cần khẳng định rõ ràng chủ trương vận dụng những mặt mạnh của cơ chế thị trường vào phát triển giáo dục.
Cải cách cơ chế quản lý giáo dục.
Tại phần cuối của bản kiến nghị, Liên hiệp các HKHKT Việt Nam đề xuất cần có một tổ chức nghiên cứu để "thực hiện cuộc cải cách triệt để và toàn diện về giáo dục, đào tạo". "Nếu được Chính phủ tin cậy, Liên hiệp các HKHKT Việt Nam sẵn sàng nhận một phần nhiệm vụ này", ông Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp cho biết.
Xem chi tiết 6 kiến nghị |
|
1- Đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ việc thông qua Luật Giáo dục sửa đổi trong khóa họp lần này, vì còn nhiều vấn đề nổi cộm chưa được làm rõ, hoặc chưa được giải quyết thỏa đáng; đặc biệt cần nghiên cứu những quan điểm đổi mới triệt để đáp ứng đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, của thời đại chứ không chỉ dừng ở một số cải cách cụ thể rời rạc.
Đổi mới tư duy và triết lý GD, các quan điểm chủ đạo nhằm hiện đại hóa nền GD nước nhà cần phải được thể hiện trong Luật. Việc này cần phải có thời gian để đúc rút kinh nghiệm.
2- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh lại chiến lược phát triển GD-ĐT 20 năm đã ban hành, có tính đến những ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có tâm huyết, theo tinh thần đổi mới tư duy, triết lý làm GD, nhận thức đầy đủ và đón đầu được sự phát triển của đất nước và thời đại.
3- Kiến nghị Nhà nước tiến hành cải cách ngay cơ cấu hệ thống GD quốc dân theo hướng gắn kết GD phổ thông và GD nghề nghiệp, khắc phục những lệch lạc có tính chất hệ thống hiện tại; giải quyết tốt, hợp lý việc phân luồng, phân ban, liên thông mềm dẻo, linh hoạt trong toàn hệ thống, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ với cơ chế, tốc độ và yêu cầu mục tiêu phát triển của nền kinh tế-xã hội.
4- Thành lập Ủy ban GD-ĐT quốc gia là cơ quan giúp Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc cải cách toàn diện và triệt để GD nước nhà. Trước mắt có thể giao cho Ủy ban này thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Chấn chỉnh ngay việc làm chương trình sách giáo khoa còn thiếu hiệu quả và lãng phí như hiện nay.
- Tiền hành đánh giá một cách toàn diện và khách quan nền GD quốc dân theo hệ thống các tiêu chí được xây dựng một cách nhất quán và khả thi.
- Kiểm tra một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chỉ tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân cho GD. Xây dựng một cơ chế phân bổ và quản lý vốn đầu tư từ tất cả các nguồn khác nhau cho GD-ĐT.
5- Nhà nước cần khẳng định rõ ràng chủ trương vận dụng những mặt mạnh của cơ chế thị trường vào việc phát triển nền GD, coi cơ chế thị trường như một trong nhiều công cụ tạo động lực mạnh để bổ sung cho các biện pháp kế hoạch hóa và vận dụng chính sách trong việc điều chỉnh cân đối giữa các mặt: quy mô - chất lượng - hiệu quả. Coi cơ chế thị trường lành mạnh là một đòn bẩy đảm bảo cho quá trình hội nhập và phát triển tất yếu, có thể và cần phải vận dụng có chọn lọc, đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa các tổ chức GD - ĐT trong và ngoài nước dưới sự quản lý một cách chính thức và chặt chẽ của Nhà nước.
6- Kiến nghị Chính phủ mạnh dạn cải cách cơ chế quản lý GD theo hướng:
- Trên cơ sở mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương và cơ sở, Bộ GD -ĐT phối hợp cùng các Bộ và các tổ chức có liên quan xây dựng đường lối chiến lược, chính sách phát triển dài hạn; xây dựng các quy chuẩn quốc gia về GD - ĐT, các tiêu chí phát triển và đánh giá...Tập trung làm tốt chức năng kiểm định, thanh tra, kiểm tra về GD-ĐT.
- Trên cơ sở thống nhất về chuẩn mực của từng loại sách giáo khoa, Bộ GD - ĐT, các Bộ có liên quan, các tổ chức xã hội có thể cùng nhau hợp tác hoặc độc lập soạn thảo và xuất bản sách sử dụng cho học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ...
- Đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ cán bộ quản lý ngành GD- ĐT để có một đội ngũ cán bộ có chất lượng và hiệu quả.
Tóm lại, cần có một cuộc cải cách triệt để và toàn diện về GD-ĐT thì mới có thể góp phần hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao. Để có thể thực hiện cuộc cải cách này đến năm 2010 và các năm tiếp theo, cần một tổ chức nghiên cứu. Nếu được Chính phủ tin cậy, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sẵn sàng nhận một phần nhiệm vụ nghiên cứu việc cải cách GD-ĐT này. | |
Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho rằng giáo dục đào tạo còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết thỏa đáng: Sự phát triển của GD nhiều mặt không đồng bộ, thiếu tính hệ thống, kế thừa và phát triển, trước hết là đối với các bậc học phổ thông. SGK chưa đạt đầy đủ chuẩn mực đối với các cấp học phổ thông; Hệ thống GDQD bị mất cân đối về nhiều mặt dẫn tới mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay; Trong quan điểm, triết lý GD, nội dung - chương trình SGK - thi cử; đầu tư và sử dụng ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của dân... thể hiện nhiều thiếu sót nghiêm trọng, cần phải được đổi mới.
* Hôm qua, tại hội thảo góp ý vấn đề cải cách nền GD Việt Nam do Liên hiệp Hội KHKT Hà Nội tổ chức, đã kiến nghị: Chính phủ cho dừng lại chương trình phân ban THPT và chương trình SGK mới với lý do thiếu hiệu quả và lãng phí. Đồng thời tiến hành đánh giá và thiết kế lại tổng thể chương trình, lẫn SGK của khối phổ thông và ĐH. Khắc phục những lệch lạc có tính chất hệ thống hiện tại trong vấn đề phân luồng, phân ban.