(VietNamNet) - Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho chương trình và sách giáo giáo khoa (SGK) lớp 11 THPT phân ban thí điểm do Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM tổ chức hôm 5/5, nhiều ý kiến cho rằng chương trình và SGK cần chỉnh sửa cho phù hợp với năng lực học sinh (HS).
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo |
TS Hồ Thiệu Hùng (Viện Nghiên cứu giáo dục) nhận xét: “Cách viết SGK như hiện nay khiến cho HS thấy môn Toán trở nên xa lạ với đời sống thường ngày. Các đề toán chỉ là do thầy và người viết sách nghĩ ra chứ không có trong đời sống.
Thái Quang Cường, tổ trưởng tổ Toán trường THPT Nguyễn Hiền nhận thấy nội dung chương trình chưa phù hợp với điều kiện giáo dục Việt Nam và “chỉ phù hợp với trình độ HS khá, giỏi, HS biết cách học và biết chủ động trong học tập”.
Tổ Vật lý trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho rằng, cần xác định việc học môn Vật lý ở cấp phổ thông không phải để trở thành nhà Vật lý mà để HS có một thế giới quan khoa học, quan điểm chính xác về nghiên cứu khoa học, vận dụng được ngay những điều vừa học…
Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết qua khảo sát 700 học sinh của trường, 38% hài lòng học phân ban, 29% không hài lòng, 16% thất vọng; 31% cho rằng chương trình quá khó, 56% cho tương đối khó, 8,8% vừa sức. |
PGS.TS Đào Trọng Hùng (Viện nghiên cứu giáo dục) cho rằng nội dung trong các chương trình môn Sinh học không thể hiện sắc nét những vấn đề thực tiễn của công nghệ nước ta , còn thiếu những chuyên đề nhằm gợi ý và giúp HS vừa củng cố kiến thức cơ bản, vừa xây dựng cho HS năng lực và kỹ năng ứng dụng.
Ông Lê Xuân Giang, giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng, các bài học môn Ngữ văn được sắp xếp liền nhau nhưng không có mối liên kết chặt chẽ, thậm chí thiếu hệ thống. Sự liên kết giữa văn và tiếng Việt thiếu chặt chẽ. Tính tích hợp giữa các phân môn này chỉ có tính hình thức qua việc sử dụng một số mẫu câu, từ trong bài Đọc văn vào bài tiếng Việt. Chương trình tiếng Việt không rõ ràng, thiếu hệ thống và hầu như tất cả các bài đều đưa ra những yêu cầu nội dung không thể hoàn thanh trong thời gian quy định…
Sửa thế nào?
Ông Hồ Thiệu Hùng đề xuất đề nghị chỉnh sửa sách môn Toán “nên thu lượm nhiều bài toán thực tế nhiều bài toán thực tế từ cuộc sống hằng ngày đưa ra làm ví dụ minh hoạ, làm bài tập” và “rất cần dạy cho HS chiến lược giải toán, các cách giải toán”.
Còn ông Thái Quang Cường đề nghị cần xác định rõ mục tiêu bộ môn để có một chương trình chuẩn thích hợp, từ đó giải quyết được vấn đề phân luồng HS sau khi học xong chương trình phổ thông. Đặc biệt vấn đề giảm tải cần hết sức coi trọng, vì nếu không giải quyết được vấn đề này sớm, ngành giáo dục vẫn tiếp tục đẩy đại đa số HS phải học thêm.
Cô Lê Thị Lan Anh, Tổ trưởng tổ văn trường TH Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, bộ sách ngữ văn cần có những chỉnh sửa nhất định xét trên ba bình diện; tính phân ban, tính tích hợp và tính thực hành.
Tổ Vật lý trường THPT Mạc Đĩnh Chi đề xuất SGK chỉ nên viết thật ngắn gọn, chủ yếu đưa các kết quả, nhận xét, định luật, định lý, công thức giúp HS dễ nhớ và vận dụng, thực hành được ngay và chuyển hẳn sang hướng học để làm bài toán bộ là trắc nghiệm khách quan, không cần tự luận nữa.
Với môn Sinh học, ông Đào Trọng Hùng góp ý: cần rà soát kỹ lại để mạnh dạn cắt bỏ những phần kiến thức cơ bản không nhất thiết phải chuyển tải trong lớp học và thay vào đó nên lựa chọn những chuyên đề phong phú khác và bằng cách học ngoại khoá, tham quan những mẫu mô hình tiến bộ do kết quả phát triển của công nghệ sinh học mang lại.
-
Cam Lu (lược thuật)