221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
545148
Đưa giáo dục ĐH ra khỏi Bộ GD-ĐT!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Đưa giáo dục ĐH ra khỏi Bộ GD-ĐT!
,

(VietNamNet) - Từ Bỉ, GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng, trường ĐH Liège, tiếp tục gửi về VietNamNet những ghi nhận chắt lọc về giáo dục từ kinh nghiệm 40 năm là nhà giáo, nhà khoa học. (bài 1 xem tại đây).

Soạn: AM 197465 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Bài 2: Đừng để  giáo dục thành hàng hóa thuần tuý

Sát nhập các cơ cấu nghiên cứu và giáo dục đào tạo

Sở dĩ làm vậy vì những trung tâm nghiên cứu không tham gia đào tạo, hoặc có tham gia thì cũng rất ít; trong khi đó, các GS trong trường ĐH lại phải giảng dạy quá nhiều, không có thời gian nghiên cứu. Trừ những viện nghiên cứu chiến lược quốc gia, ta cần sát nhập các cơ sở nghiên cứu và giáo dục tương đồng lại với nhau. Như vậy, tạo điều kiện cho người làm việc trong những trung tâm nghiên cứu tham gia vào việc giảng dạy, cho phép các nhà giáo ngày đêm đứng lớp có thời gian nghiên cứu. Việc này thực hiện không dễ vì quyền lợi bị động chạm. Nên chăng, tách phần ĐH ra khỏi Bộ GD-ĐT, và sát nhập vào Bộ Khoa học Công nghệ, để Bộ GD-ĐT chỉ lo đào tạo trung và sơ cấp. 

Luật giáo dục ở Bỉ cấm các giáo sư không được dạy thêm, làm thêm ở ngoài quá một ngày trong tuần. Không tuân thủ thì phải thôi việc. Dĩ nhiên, họ trả lương đầy đủ để giới hạn tối đa những vi phạm.

Chỉ cấp chứng chỉ chứ không cấp bằng ĐH tại chức 

Tôi hoan nghênh việc mở những lớp bổ túc, lớp học cộng đồng để cho mọi công dân, ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể tiếp tục  trau dồi kiến thức để sống vui và giúp ích cho xã hội. Thế nhưng không nên cấp bằng tại chức, trên thực tế đã được dùng tương đương như chính quy, tuy giáo trình cũng như thời gian theo học không đủ chuẩn. Chính điều đó đã biến một số quan chức thành người đi mua bằng, biến một số giáo chức vô tình hay hữu ý thành người đi bán bằng. Tệ hại nhất là việc này đã gây hoang mang trong xã hội, nhất là khiến cho con em chúng ta bị tác động theo hướng tiêu cực. Họ không có nhuệ khí để học thực vì học dởm mà được vinh thân phì gia!

Ta chỉ nên cấp chứng chỉ cho những khóa học tại chức chứ không cấp bằng. Thực hiện được điều này, sẽ có một đổi mới trong suy nghĩ chung của nhà giáo và người đi học. Những người muốn có bằng dởm sẽ phải suy nghĩ lại và không chạy theo bằng cấp nữa. Cách này không tốn nhiều ngân sách mà lại có hiệu ứng tức thì.

Chỉ nên có hai hệ thống: công lập và tư thục

Tôi tâm đắc với ý kiến, và đây cũng là ý kiến của phần lớn các nhà giáo, là ta phải song song phát triển giáo dục đào tạo tinh hoa và giáo dục đại trà.

Nhà nước cần đầu tư cho các trường trọng điểm, nâng cao trình độ giáo chức, thường xuyên rà soát và kiểm tra chất lượng để các trường này có điều kiện đóng vai trò chủ lực trong GDĐT, đào tạo tinh hoa cho đất nước.  Ở đây, cần cứng đầu vào cùng một lúc chặt chẽ đầu ra, duy trì và nâng cao tính bao cấp về ngân sách (Nhưng không bao cấp về quản lý!).

Bên cạnh đó, cũng phải tổ chức một hệ thống giáo dục đại trà để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ta phải mở rộng đầu vào, mạnh dạn cho phép hình thành hệ thống trường tư. Ở đây, cần có sự rõ ràng, minh bạch. Chỉ nên có hai hệ thống: trường công lập và trường tư thục, không nên nhập nhằng như hiện nay.

Soạn: AM 197471 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Các SV xuất sắc tại lễ tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp ĐH, CĐ 2004

Giáo dục phải chăng là hàng hoá?

Việt Nam đang có nhiều tranh cãi về giáo dục và thị trường. Giáo dục phải chăng là hàng hoá? 

Theo thiển ý của tôi, giáo dục là một dịch vụ bao trùm liên quan đến toàn xã hội. Chính vì vậy mà nước nào trên thế giới cũng coi giáo dục xương sống của phát triển, cũng có quốc sách cho thứ dịch vụ đặc biệt này. Bởi vậy, coi giáo dục như là một món hàng thuần túy là quan điểm, tôi xin lỗi phải dùng một từ hơi cũ, hữu khuynh. Quan điểm này thường gần gũi các nhà kinh tế và có nhiều ủng hộ tại các nước của khối Anh-Mỹ-Úc... 

Tôi xin lưu ý vài điểm sau đây: 

Tại Mỹ, Canada - các nước có nhiều trường ĐH tư phát triển sớm và có lẽ qui mô nhất thế giới - tuy có đến 50% ĐH tư nhưng chỉ chiếm 20% SV toàn quốc. Các SV còn lại phải theo học trường công của các tiểu bang hay liên bang. Ở nước thị trường là vua như  Mỹ, có nền kinh tế lớn nhất thế giới, có các đại gia tài phiệt thống lĩnh toàn cầu, mà dịch vụ này chỉ cung ứng có thế thôi thì hàng hoá này quả là đặc biệt! 

Tại Bỉ, địa bàn tôi biết rõ, có bốn trường ĐH đa ngành có tầm cỡ: Bruxelles, Gent, Liège và Louvain. Liège và Gent là hai trường công lập. Hai trường khác, nguyên thủy là dân lập, sau một thời gian phát triển, vì yêu cầu của tình thế, nhất sau khi biến thành các trường ĐH đa ngành, để có thể sống còn, đã dần dần trở thành gần trường công lập. 

Nhà nước tôn trọng chế độ tự quản nhưng bao cấp gần như tuyệt đối ngân sách. Năm ngoái (2003), ĐH Louvain-la-Neuve (phần nói tiếng Pháp của ĐH Louvain tách ra) có 21.000 SV, có ngân sách là gần 400 triệu USD, trong đó nhà nước rót về 75%. Học phí thu từ SV chỉ vỏn vẹn có 4% ngân sách và phần còn lại là hợp đồng dịch vụ, dự án nghiên cứu công nghệ...  

Tại những nước có trình độ phát triển cao nhất thế giới, có nền kinh tế thị trường liên tục từ ngày lập nước tới nay, GDĐT gần như toàn bộ Nhà nước phải bao biện ngân sách. Bởi, chỉ có Nhà nước mới có thẩm quyền, uy tín, tài lực đảm đương tính công bình dân chủ của quốc sách giáo dục: Bình đẳng trong cơ may, ai cũng có thể đi học, đạt trình độ nếu có năng khiếu.

Không có Nhà nước, không có quyết tâm của toàn dân thì không thể có nền học vấn có đủ chất lượng để duy trì vị trí hàng đầu của các nước này trên thế giới. 

Bởi vậy, ta không nên quá lo ngại cho việc có mặt của các trường tư thục ngay cả có yếu tố 100% nước ngoài.

Vấn đề đặt ra là phải có luật lệ hẳn hoi minh bạch để có phương tiện can thiệp kịp thời, tránh những chệch hướng có thể xảy ra. Theo tôi, việc quan trọng cần tránh nhất chính là đừng để cho giáo dục trở thành hàng hóa thuần tuý. 

Những tiêu cực hiện hữu đã xảy ra tại các trường dân lập (lợi nhuận cao nhưng sử dụng không đúng chỗ, mất đoàn kết vì chia chác…) một phần vì ta không đề phòng trước, kịp thời xây dựng một khung pháp lý cần thiết. Mặt khác, vì ta cho phép một cách nhỏ giọt việc ra đời của các trường dân lập, vô tình hay hữu ý, duy trì cơ chế độc quyền, làm mất cân bằng giữa cung và cầu. 

Việt Nam nên bổ sung bộ luật doanh nghiệp, cho phép ra đời những tổ chức dân lập, tổ chức xã hội không có mục đích làm tiền (sans but lucratif). Các hội ái hữu, hội hữu nghị, hội cựu HSSV các trường, hội khuyến học… là những tổ chức thuộc loại này. Các ĐH tư thục sẽ cũng thuộc loại này. Chú ý là không có mục đích làm tiền không có nghĩa là bất vụ lợi. Các ĐH tư thục có phúc lợi nhưng không được dư tiền, chia lãi. Mỗi năm, ngân sách chi thu phải cân bằng. 

Bộ GD-ĐT nên hoàn tất Luật Trường tư theo định hướng trên, nhưng thoáng trong việc quản lý để nhiều ĐH khác sớm ra đời. Yếu tố cạnh tranh tích cực, lành mạnh sẽ sớm có hiệu ứng theo hướng có lợi cho người dân. Các ĐH tư phải có một lộ trình hẳn hoi là sau một thời gian thoả đáng (mười năm?) phải trở thành đa ngành, thích ứng với yêu cầu công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nuớc, các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ hiện đại… Theo lộ trình này, những trường không nghiêm túc sẽ bị thị trường đào thải thôi.

  • GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Bài 1: Mười đề xuất đổi mới tư duy

Tôi không phải là chuyên gia nghiên cứu các hệ thống giáo dục, không phải là nhà kinh tế. Tôi chỉ là một kỹ sư, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu trong một lĩnh vực công nghệ mũi nhọn khá chật hẹp. Tôi chỉ nhắc đến ở đây những cảm nhận của mình sau gần 40 năm là nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học, được tiếp cận với các trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH lớn ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.. Tôi cũng đã tham gia, đi thỉnh giảng thường xuyên tại Việt Nam từ năm 1977 cho tới ngày nay, trừ mười năm đứt đoạn (1979-1989). Những điều ghi ở đây, ngoài những kinh nghiệm riêng, cảm nhận cá nhân, phần lớn là những ý kiến đã có người đã nhắc đến, trong ấy có một số đồng nghiệp bạn bè mà tôi được dịp gần gũi và trao đổi. 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,