(VietNamNet) - Tiến tới chỉ tồn tại hai loại hình trường công lập và tư thục trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT "bàn" với các trường bán công sáng nay (25/8).
Trường bán công hết vai trò lịch sử!
Loại hình trường ĐH, CĐ bán công đã hình thành hơn mười năm nay và mô hình này có những thuận lợi nhất định góp công sức đáng kể cho việc đào tạo nguồn nhân lực của đất nước.
Thậm chí, theo ông Đặng Văn Đinh, Vụ Khoa Giáo Văn Xã (Văn phòng Chính phủ), trường bán công có kinh nghiệm mà một số trường công lập cần phải học hỏi: đó là khâu tự chủ, minh bạch trong quản lý tài chính. Các trường bán công thường tự chủ trong các hoạt động điều hành và quản lý nhà trường trong việc chi trả lương, tiền công cho người lao động; hoạt động tài chính và công tác quản lý tài chính được công khai minh bạch. Bên cạnh đó, các trường chưa bị ảnh hưởng, chi phối bởi các đối tác góp vốn đầu tư nên không gặp khó khăn trong việc phân chia quyền lợi (thực tế, vốn và nguồn vốn của các trường vẫn còn thuần nhất là nguồn từ ngân sách nhà nước, kể cả phần vốn của các trường có sử dụng ưu đãi, kích cầu)...
Cả nước hiện có ba trường ĐH (Mở-Bán công TP.HCM, Bán công Marketing, Bán công Tôn Đức Thắng) và ba trường CĐ (Bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp, Bán công Hoa Sen, Bán công Quản trị Kinh doanh). Quy mô SV năm 2003 của các trường này chiếm 3,75% tổng số SV toàn quốc (đến nay đã có gần 35.000 SV đã tốt nghiệp). Tỷ lệ giảng viên/sinh viên(năm học 2003-2004) là 1/50 (trong đó các trường ĐH là 1/73, các trường CĐ là 1/23). |
Tuy nhiên, để có đầy đủ điều kiện của một trường ĐH hay CĐ làm nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu có chất lượng thì các trường ĐH, CĐ bán công rất cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các cơ quan Bộ, ngành các doanh nghiệp và cả xã hội - thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định.
Vấn đề cải cách hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu, về lâu dài, các trường ĐH, CĐ bán công phải có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những đề tài mang tính ứng dụng cao. Do vậy, loại hình trường ĐH, CĐ bán công phải được định nghĩa rõ ràng để phân biệt với các loại hình ngoài công lập khác. Hơn nữa, trong khi các nước không tồn tại mô hình trường bán công, giáo dục Việt Nam lại đang kỳ vọng hội nhập quốc tế thì càng cần thiết phải có điều chỉnh mô hình bán công để có hệ thống giáo dục đồng bộ.
Ông Đỗ Xuân Thụ, vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ GD-ĐT) cho biết: Việc ra đời loại hình trường bán công cách đây mười năm là thời điểm không thể thực hiện "quá độ" từ bao cấp sang tư nhân ngay được! Nghĩa là khái niệm trường tư thục thời điểm đó còn quá mới mẻ và không phải người có tiền nào cũng có đủ thông tin để mạnh dạn mở trường. Tuy nhiên, giá trị lịch sử của mô hình trường bán công tại thời điểm này cần phải chấm dứt và phải chuyển đổi sang loại hình trường tư thục (một trong hai loại trường tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân thời gian tới). Thực tế, mô hình trường bán công hiện nay đã hạn chế thành lập mới, không có đề án nào được phê duyệt thêm.
Công hay tư, phải quy định rõ
Vấn đề khiến nhiều vị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ bán công băn khoăn là việc điều chỉnh sẽ ra sao để phù hợp với thực tế quy mô đào tạo của các trường hiện nay. Có ý kiến cho rằng chỉ nên tồn tại loại hình trường ĐH, CĐ công lập và tư thực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường bán công hiện nay có thể chuyển sang loại hình tư thục thông qua việc "cổ phần hoá" một phần hay toàn bộ giá trị tài sản, hoặc chuyển sang loại hình công lập áp dụng cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị định 10/2002/NĐ-CP. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên loại hình trường ĐH, CĐ bán công như hiện nay và cần ban hành quy chế hoạt động chính thức cho loại hình này. Thực tế, thời gian qua các trường bán công hoạt động chỉ dựa vào "Quy chế tạm thời trường ĐH bán công" do Bộ GD-ĐT ban hành.
Báo cáo tổng kết hoạt động các trường ĐH, CĐ bán công của Bộ GD-ĐT thừa nhận: "Quy chế tạm thời trường ĐH bán công" chưa phân định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức trong nhà trường, dẫn đến các trường cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên có trình độ cao. Vì thế, nhiều giáo viên có học hàm, học vị chỉ về làm việc ở các trường ĐH, CĐ bán công khi đã ở tuổi... nghỉ hưu. Mô hình trường bán công hiện nay chưa có sự phân định rõ ràng giữa công và tư. Tài sản các trường chưa được định giá và vì chưa có huy động vốn từ khu vực tư nhân nên chưa thể hiện tính đa dạng của thành phần kinh tế như mong muốn..."
TS Lê Vinh Danh, phó hiệu trưởng trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng (TP.HCM) búc xúc: Quan điểm của Bộ GD-ĐT về mô hình trường bán công phải rõ ràng hơn, không nên tồn tại kiểu trường "nửa công-nửa tư" như hiện nay. Trong quy chế, Bộ xem trường bán công là trường công nhưng thực tế hơn mười năm qua, mô hình trường bán công được xem là trường ngoài công lập.
Táo bạo hơn, bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng trường CĐ bán công Hoa Sen đề xuất: Mô hình trường bán công không nên tiếp tục tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Bà dẫn chứng: Sự "hợp tác" giữa Nhà nước và tư nhân (ý nghĩa đúng của mô hình bán công) dễ dẫn đến khả năng lạm dụng từ bên này hay bên kia. Trường bán công chỉ nên có ở những vùng sâu, vùng xa và chỉ nên đầu tư có thời hạn. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng cần định giá nguồn vốn ngay từ đầu...
Bà Phượng kiến nghị: Trong thời gian điều chỉnh mô hình này trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT nên xem xét xác định nguồn vốn Nhà nước đầu tư để tạo điều kiện phát triển nguồn vốn tư nhân. Đồng thời, thay vì cách quản lý ôm đồm hiện nay, Bộ sớm xem xét lại việc giao quyền "quản lý" trường ĐH, CĐ cho các cấp quản lý khác để phát huy quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới.
-
Vy Vy