,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
920318
Giải nhất tháng đầu tiên cho "Chọn nghề cùng bạn"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Giải nhất tháng đầu tiên cho 'Chọn nghề cùng bạn'

Cập nhật lúc 07:22, Thứ Hai, 16/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - “Xác định nghề nghiệp xuất phát từ nhận thức nhu cầu xã hội; tinh tế trong quan sát và nhìn nhận cuộc sống xung quanh. Kỹ năng trình bày vấn đề khúc triết, khoa học; chín chắn, tự tin và có mục tiêu rõ ràng”.

LAD.jpg
Đó là những lý do khiến bài dự thi “Tôi sẽ thành lập bệnh viện thú y” nhận được sự nhất trí cao từ Ban tổ chức, các nhà tư vấn và nhà tài trợ cuộc thi  “Chọn nghề cùng bạn" để nhận giải Nhất trong tháng đầu tiên.

Giải Nhất gồm 500.000 và một học bổng trị giá $400 cho khoá học lập trình viên tại Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech đã thuộc về bạn Phạm Thu Hà, lớp 11A3, Trường THPT Bắc Kiến Xương (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Ngoài ra, các bài được chọn đăng trong thời gian vừa qua đều được nhận nhuận bút của toà soạn theo chế độ hiện hành.

Với gần 1000 email, phản hồi và thư tay gửi về sau một tháng phát động, cuộc thi đã thực sự là một diễn đàn mở để các sĩ tử bàn luận, chia sẻ những mong mỏi, dự định tương lai của mình. Băn khoăn và trăn trở. Bối rối và lo lắng. Tin tưởng và kỳ vọng. Ước mơ và hoãi bão… các tâm sự gửi về VietNamNet - cũng có thể là một mẫu điều tra nho nhỏ để về xu hướng và cách thức chọn nghề của giới trẻ.

Lượng thư gửi về rất nhiều, nhu cầu thắc mắc và trao đổi là khá lớn, trong khi khả năng tư vấn là có hạn. BTC cuộc thi đã cố gắng để lựa chọn những bài viết điển hình cho những dạng trường hợp phổ biến được phân loại. Hi vọng, qua những phần tư vấn tương tự, các bạn khác cũng tự vận dụng vào trường hợp của mình.

Cuộc thi sẽ còn kéo dài trong 2 tháng nữa, với rất nhiều phần thưởng hấp dẫn. VietNamNet hi vọng tiếp tục nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

  • VietNamNet

Trao đổi bên lề cuộc thi

TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học:

Là một nhà tư vấn quen thuộc ở nhiều chương trình liên quan đến các vấn đề gia đình, trẻ em, phụ nữ, nguồn nhân lực… ông có gặp khó khăn gì khi tham gia ban tư vấn trong cuộc thi này?

Cuộc thi này là một sáng kiến thú vị. Trước hết vì nó gãi đúng chỗ ngứa của giới trẻ: một bộ phận rất lớn các em học sinh, sinh viên mang nhiều tâm trạng và đang cần định hình tương lai, đặc biệt là những đối tượng chưa thành công.

Tuy nhiên, vì đây không phải là hình thức tư vấn trực tiếp nên khi đưa ra lời khuyên, đôi khi nhà tư vấn cũng hồ nghi về cảm giác của mình.

Không được gặp mặt, không được trò chuyện trực tiếp với các em, nên việc tư vấn, ngoài lý luận, ngoài kỹ năng, phải sử dụng rất nhiều đến cảm nhận. Điều này thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin các em cung cấp trong bài viết.

Với bản thân ông, một bài viết như thế nào thì đạt tiêu chuẩn nhất để dễ tư vấn?

Các em cung cấp thông tin càng đầy đủ, khách quan… thì việc tư vấn càng dễ chính xác.

Bệnh rất phổ biến của các bài viết là rất dài. Nhiều em viết tuỳ hứng, tràng giang đại hải như là trút bầu tâm sự về cuộc đời, về gia đình… Thông tin thì rất nhiều, nhưng những thứ thực sự cần thì lại chưa được bao nhiêu.

Một lỗi khác rất nhiều em mắc phải là “bệnh cảm thán”. Đúng như lứa tuổi cần được sự chia sẻ,  các em than vãn, ăn năn… hoặc ngược lại thể hiện khao khát, mơ mộng… chiếm đến hơn nửa bài viết.

Giọng điệu chung dễ gặp trong các bài viết là sự cường điệu những khó khăn, đôi khi là sự triết lý đao to, búa lớn…

Trong khi đó, lại có những bài quá ngắn, không có tính vấn đề, ít nội dung, viết như một sự hiếu kỳ. Hoặc có những bài rất chung chung, mang tính đánh đố…

Tất cả những lỗi như vậy… gây không giúp ích được nhiều cho nhà tư vấn “nắm bắt” tinh hình và đưa ra lời khuyên chính xác.

Các em rút kinh nghiệm cho những bài viết sau, cố gắng trình bày theo đúng hướng dẫn của BTC  “Chọn nghề cùng bạn", như thế sẽ có ích hơn cho cả ban tư vấn lẫn người cần tư vấn.

Nếu coi đây là một mẫu điều tra, ông nghĩ gì về cách thức chọn nghề của giới trẻ hiện nay?

Có một nét đáng mừng là hầu hết các em đều đã có ý thức xác định mối liên quan giữa ước mơ và khả năng và đã biết trăn trở, biết đặt câu hỏi trước ngưỡng cửa tương lai.

Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech:

Ông Đinh Trí Dũng
Ông Đinh Trí Dũng
Theo ông, việc định hướng chọn nghề cho giới trẻ hiện nay đã được thực hiện tốt hay chưa?

Chọn nghề là bước đầu để khởi nghiệp, đặt nền móng cho tương lai. Với lứa tuổi đứng trước ngưỡng cửa cuộc sống, điều này khá quan trọng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ không được làm tốt.

Có rất nhiều lý do, trong đó quan trọng là hệ thống giáo dục của chúng ta còn nhiều lỗ hổng lớn trong đào tạo, và ít có những gợi mở. Chúng ta chú trọng quá nhiều đến “nhồi nhét” kiến thức mà bỏ quên việc phổ biến những life-skill (kỹ năng cuộc sống) cơ bản.

Việc thiếu những nền tảng này dẫn đến việc thiếu cái nhìn tổng thể để đánh giá mình đúng nhất có thể.

Như vậy, xã hội, nhìn tổng quát, cần xây dựng những yếu tố nào để nâng cao khả năng định hướng nghề nghiệp của mỗi cá nhân?

Xây dựng nghề nghiệp phải xuất phát từ quan sát xã hội và sự lăn lộn với cuộc sống. Hệ thống giáo dục cần tạo điều kiện hơn cho các cá nhân được tham gia những tình huống ấy, càng sớm càng tốt.

Những kỹ năng “khám phá bản thân”: sở thích, khả năng của mình là gì…, những kỹ năng mềm trong cuộc sống như tư duy, phân tích, phản biện, thuyết trình… rất cần đưa thêm vào mạng lưới giáo dục dưới nhiều hình thức: các phương tiện thông tin, các loại hình đào tạo, các tổ chức xã hội…

Cần có thêm những hình thức giới thiệu các nghề nghiệp một cách có hệ thống, bài bản. Có thể là từ các trường đại học, các doanh nghiệp…

Ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm đào tạo Tâm Việt

Ông Việt
Ông Việt
Một cuộc thăm dò nho nhỏ cho thấy, một bộ phận lớn học sinh, sinh viên còn rất lúng túng trong việc chọn ngành, nghề thi ĐH. Ông nghĩ gì về điều này?

 

Vấn đề định hướng nghề nghiệp chưa bao giờ mạnh trong một nền giáo dục như của ta.

 

Thời kỳ trước đây, do các yếu tố lịch sử, các thế hệ trước không được tự do lựa chọn ngành nghề theo học mà đều do nhà nước phân công.

 

Như thế hệ chúng tôi, những năm 70 khi được đi học nước ngoài vẫn là nhà nước bố trí về trường này, ngành kia.

 

Những yếu tố lịch sử này còn kéo dài đến thập niên 80 và di chứng của nó là người ta không được xây dựng được thói quen và những kỹ năng và chọn lựa một cách bài bản.

 

Ngoài ra, ở ta vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ, cho nên nhiều khi việc chọn lựa vẫn chịu chi phối rất lớn từ gia đình, mà xu hướng nghề nghiệp hiện tại thay đổi liên tục, cha mẹ không thể nắm bắt kịp thời được.

 

Ở Tây, khi trưởng thành, người ta được độc lập tương đối, vì thế mà sự phụ thuộc vào cha mẹ, gia đình không còn nhiều, về cả mặt kinh tế cho đến tư tưởng. Cho nên, họ có quyền tự quyết định nhiều hơn.

 

Ví dụ, ở rất nhiều nền giáo dục tiên tiến, sinh viên được cho vay (không phải thế chấp) học phí học ĐH, thậm chí nhiều nước, như Đức, Pháp… nhà nước trợ cấp học phí cho sinh viên.

 

Ông có lời khuyên nào cho các bạn đang băn khoăn trong việc chọn nghề nghiệp?

 

Thực ra, việc chọn ngành để thi lúc mới vào ĐH không quá quan trọng. Bằng chứng cho thấy là rất nhiều người thành đạt sau này lại không đi theo nghề nghiệp mà họ được đào tạo lúc ban đầu.

 

Đặc biệt là ĐH ở ta hiện nay, việc học vẫn duy trì nhiều ở công đoạn truyền tải kiến thức bằng lời nhiều hơn là truyền đạt các kinh nghiệm thực tế trong ngành, nghề. Cho nên, sự khác biệt giữa việc học ngành này, ngành khác không quá lớn.

 

Tôi khuyến khích các bạn trẻ nên học phương pháp tư duy, tự rèn luyện các kỹ năng xã hội. Đấy là những yếu tố cần thiết giúp ích trong mọi ngành học.

  • Trung Kiên (thực hiện)

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: giaoducvnn@yahoo.com. Lưu ý, để tiện liên hệ, các bạn ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại liên lạc.

 

,
,