,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
913672
"Chọn nghề cùng bạn": Tôi sẽ thành lập bệnh viện thú y
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

'Chọn nghề cùng bạn': Tôi sẽ thành lập bệnh viện thú y

Cập nhật lúc 14:05, Thứ Tư, 28/03/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Tôi sẽ thành bác sĩ thú y, bác sĩ thú y có bằng cấp và chuyên môn hẳn hoi chứ không phải chỉ bằng kinh nghiệm như bà Năm. Tôi sẽ giúp những người dân nghèo quê tôi. Tôi sẽ nhiệt tình.

 

Sinh ra ở một vùng nông thôn, chứng kiến tình hình đời sống liên quan đến gia đình và làng xã, bạn Phạm Thu Hà, lớp 11A3, Trường THPT Bắc Kiến Xương (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã gửi đến diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" một lời hứa với quê nhà. 

 

Dưới đây là bài viết của Thu Hà:  

 

Khám phá khả năng, sở thích bản thân, kết hợp với đánh giá nhu cầu, điều kiện xã hội, gia đình... là cách chọn nghề chính xác.

Khám phá khả năng, sở thích bản thân, kết hợp với đánh giá nhu cầu, điều kiện xã hội, gia đình... là cách chọn nghề chính xác.

Lớp 2, tôi đã được giao nhiệm vụ chăn trâu. Con trâu đực to kềnh càng. Tôi học lớp 3, con trâu tự nhiên bị ốm. Tôi chỉ nhớ nó bị vết loét rất nặng. Ở chỗ loét bốc mùi thịt thối. Mẹ tôi chạy ngược chạy xuôi khắp các xã lân cận, cũng chỉ tìm được một người chuyên chữa bệnh cho lợn.

 

 

Mẹ tôi bảo, con trâu chết là vì mẹ tôi không tìm được bác sĩ cho nó. Từ đó, ước mơ trở thành bác sĩ thú y đã ấp ủ trong tôi.

 

Nhà tôi không nuôi trâu nữa. Mẹ tôi mua thêm lợn về nuôi. Ba con lợn sề. Quanh năm tôi lúc nào cũng có lợn con. Lũ lợn con rất dễ bị tiêu chảy. Những quả hồng xiêm, đu đủ xanh hay những thứ thuốc mẹ tôi mua về đều không thể cứu được đàn lợn. Một con lợn mẹ chết khi nó cố sức mà không thể sinh con. Mẹ tôi đành bán cho hàng thịt.

 

Quê tôi nhà nào cũng nuôi lợn. Nhưng khắp cả vùng chỉ có một bà Năm làm nghề chữa bệnh cho lợn. Mỗi lần lợn nhà tôi bị bệnh, mẹ tôi lại phải tất tả đạp xe 5 cây số sang xã bạn để mời “thầy thuốc”. Có những hôm trời mưa, mẹ lụp xụp áo mưa đạp đi rồi lại lụp xụp một mình về. Bà Năm không có nhà. Bà Năm luôn bận vì mình bà “chăm” lợn cho cả 4, 5 xã. Và vì thế bà kiêu lắm. Phải sang nhà mời vài lần bà mới đến. Mọi người đều không ưa nhưng vẫn phải luỵ đến bà.

 

Tôi sẽ thành bác sĩ thú y, bác sĩ thú y có bằng cấp và chuyên môn hẳn hoi chứ không phải chỉ bằng kinh nghiệm như bà Năm. Tôi sẽ giúp những người dân nghèo quê tôi. Tôi sẽ nhiệt tình.

 

Dịch cúm gà bùng phát. Quê tôi là một trong những điểm nóng khi xã bên cạnh có 2 người bị nhiễm bệnh vì ăn tiết canh vịt. Có quyết định từ trên xuống: tất cả mọi ngưòi dân phải giết hết gia cầm. An ninh xã đi vào từng nhà, kiểm tra từng góc bếp, góc vườn, để đảm bảo người dân diệt sạch. Mẹ tôi, bác tôi, thím tôi, hàng xóm nhà tôi… đều tìm mọi cách để giữ gà. Gà được nhốt trong các lồng, đem phủ rơm hay bao tải kín mít. Mẹ tôi chép miệng: “biết là nguy hiểm nhưng giết đi tiếc lắm! Nuôi 5, 6 tháng trời chứ có ít đâu!”. Tôi chẳng dám nói gì trước những tính toán rất “trước mắt” ấy của mẹ. Tôi thương mẹ, thương những người dân quê tôi. Họ chỉ được biết đến thuốc tiêm phòng khi dịch bệnh đã bùng phát.

 

Người nông dân gắn với ruộng đồng, nhưng họ cũng gắn với trâu bò, lợn gà không kém. Nhưng hoàn toàn phó mặc cho may rủi. Tôi mơ ước sẽ trở thành một bác sĩ thú y, sẽ thành lập một bệnh viện thú y ngay trên chính quê hương mình.

 

Rồi đây, dân quê tôi sẽ ít trông đợi vào mùa màng, sẽ chuyển sang đầu tư cho chăn nuôi. Họ sẽ chăn nuôi có quy mô hẳn hoi chứ không phải manh mún theo kiểu tận dụng mọi thứ dư thừa như bây giờ.

 

Tôi đang học lớp 11, tôi theo cả hai khối A và B. Tôi sẽ thi vào ĐH Nông nghiệp I HN, Khoa Thú y.

 

  • Phạm Thu Hà

********************************

 

Ý kiến tư vấn

 

TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học

 

Em khẳng định "Tôi sẽ thành lập bệnh viện thú y". Tôi cho rằng, khi viết như vậy, em đã chọn cách gây ấn tượng, hơn là suy nghĩ chín chắn thực sự. Phải nói rằng, mong muốn này không khả thi. Hiện tại, đây vẫn là phần thuộc về khối dịch vụ công cộng và phải đưa dịch vụ đến tận dân chứ chưa thể có một mô hình tập trung.

 

Tuy nhiên, trừ một chút sạn đó ra, bài viết của em rất thú vị. Em viết rất gãy gọn, khoẻ khoắn, hồn hậu, không có những sự lên gân hay những điều huyễn hoặc.

 

Văn của em có nghề một cách tự nhiên. Em viết rất giản dị, nhưng nội dung luôn tạo được điều bất ngờ. Những câu kết của từng đoạn của em đều "chốt lại" ý một cách nhẹ nhàng nhưng chắc chắn.

 

Em viết rất ít về bản thân, về những thế mạnh hay đặc điểm tính cách, nhưng tôi vẫn cảm thấy tin tưởng. Em thuyết phục được độc giả tin vào sự lựa chọn của mình bằng sự dẫn chuyện logic, bằng bố cục chặt và sự phát triển rất tự nhiên trong các câu chuyện. 

 

Nhưng, em chưa nói nhiều đến sự chuẩn bị để tiếp cận với nghề, để củng cố thêm lòng tin về việc em đã nhập cuộc và sẵn sàng cho lựa chọn của mình.

 

Em mới học lớp 11 và còn nhiều thời gian để khám phá bản thân và định hình con đường tương lai. Nếu có một lời khuyên nào thì tôi nghĩ em nên tự vấn mình một cách kỹ càng hơn nữa về các khả năng của bản thân và tập trung rèn luyện thêm các kiến thức cần thiết để yên tâm hơn với lựa chọn đó.

 

Chúc em thành công.

Bác sĩ thú y Nguyễn Văn Phát, Trưởng bệnh xá Thú y thuộc ĐH Nông lâm TP.HCM:

Bạn là một người yêu động vật. Đây là thuận lợi cho bạn để học ngành Bác sĩ thú y, Chăn nuôi Thú y. Bởi điều kiện để theo nghề này phải là yêu thích động vật.  

Về học lực, ngành học này đòi hỏi phải có học lực tương đối khá. Căn cứ theo điểm chuẩn những năm trước đây của ĐH Nông Lâm TP.HCM, đây là một trong những ngành lấy điểm cao. Yêu cầu về sức khoẻ đối với ngành BS Thú Y ở mức bình thường. 

Sau khi tốt nghiệp, SV có thể làm việc ở các chi cục Thú y, trạm thú y, trại chăn nuôi hoặc cũng có thể làm việc trong các công ty thuốc thú y....Nhiều người lo ngại rằng, làm nghề này sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh. Nhưng thực tế cho thấy, các bệnh lây nhiễm giữa người và gia súc gia cầm là rất ít. Và đương nhiên, một bác sĩ thú y sẽ được học để phòng tránh lây nhiễm.  

Riêng với ý tưởng thành lập Bệnh viện Thú y, nếu ở thành phố, việc thành lập một bệnh viện là có thể. Nhưng ở nông thôn thì một phòng mạch sẽ khả thi hơn. 

Thứ nhất chi phí để mở một bệnh viên là điều đáng quan tâm. Theo dự kiến, để có một bệnh viện Thú y tương đối thì phải mất vài trăm triệu, chưa tính chi phí mặt bằng. Trong khi đó, chỉ cần 100 triệu đồng là có thể mở được một phòng mạch tương đối. 

Thứ nhì, chỉ có ở thành phố - nơi mà người ta nuôi thú cưng nhiều thì một bệnh viện Thú y mới hoạt động được. Hàng ngày, sẽ có vài chục đến vài trăm chú chó, mèo... được chữa trị. Ở nông thôn thì khác, chó mèo bị bệnh ít ai có nhu cầu chữa trị. Chỉ có trâu, bò, heo bị bệnh thì người nông dân mới cần đến bác sĩ thú y. Chính vì thế, nếu có ý định trở về phục vụ cho quê hương mình, bạn chỉ cần mở một phòng mạch nhỏ. Như thế, khi nào người ta cần thì sẽ gọi cho bạn.  

Đối với một bác sĩ thú y ở nông thôn, đi đến tận nơi để khám chữa bệnh cho động vật, gia súc, gia cầm...là việc cần làm thường xuyên.

  • Trung Kiên - Đoan Trúc (ghi)

 

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: hanhrua@yahoo.com

,
,