(VietNamNet) - Năm học 2007-2008, để chuẩn bị cho việc thực hiện một kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và ban hành khung chính sách về xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các trường xây dựng phương án xét tuyển vào trường mình và thông báo rộng rãi để học sinh, phụ huynh biết.
Đó là một trong nội dung đưa ra thảo luận ở hội nghị tổng kết giáo dục ĐH sáng nay (16/8).
Một giờ lên lớp (Ảnh LAD)
Tại đây, Bộ GD-ĐT công bố Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.
Theo đó, từ năm học 2007-2008, các trường tổ chức đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ. Khóa học là thời gian thiết kế để sinh viên hoàn thành một chương trình cụ thể. Tùy thuộc chương trình, khóa học được quy định:
Đào tạo trình độ ĐH được thực hiện từ 4 đến 6 năm tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng trung cấp; từ 2 năm rưỡi đến 4 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ 1 năm rưỡi đến 2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp CĐ cùng ngành...
Một năm có 2 học kỳ chính, mỗi học kỳ có ít nhất 15 tuần thực học và 3 tuần thi. Ngoài 2 học kỳ chính, Hiệu trưởng xem xét quyết định tổ chức thêm một kỳ học phụ để sinh viên có điều kiện được học lại; học bù hoặc học vượt. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi.
Căn cứ khối lượng và nội dung kiến thức tối thiểu quy định cho các chương trình, Hiệu trưởng dự kiến phân bổ số học phần cho từng năm học, từng học kỳ.
Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Có 2 loại học phần bắt buộc và tự chọn.
Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường...
Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Nguyễn Ngọc Hợi bầy tỏ, mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tín chỉ, nhưng việc thực hiện từ trường còn khó khăn. Một trong những khó khăn đó là việc chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ như: viết lại giáo trình, đội ngũ giảng viên...
Nên chăng, Bộ GD-ĐT nên ban hành phần mềm quản lý đào tạo học chế tín chỉ chung cho các trường? - ông Hợi đề xuất.
Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết, Bộ dự kiến biên soạn 1 cuốn sách và phần mềm quản lý để hỗ trợ các trường chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ...
-
Kiều Oanh