221
682
Tuyển sinh
tuyensinh
/giaoduc/tuyensinh/
652950
Bỏ thi, sao vẫn còn căng thẳng?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Bỏ thi, sao vẫn còn căng thẳng?
,

Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ kiểm tra học kỳ II lớp 5 được tổ chức theo tinh thần không gây căng thẳng cho HS. Việc tuyển sinh vào lớp 6 cũng đơn giản hơn vì không còn trường trọng điểm... Tuy nhiên trong thực tế, kỳ kiểm tra lại diễn ra chẳng mấy nhẹ nhàng, nhiều phụ huynh đòi chấm lại bài thi.

Mặc dù kiểm tra học kỳ II nhưng hầu hết HS đều đến trường từ 6g30 sáng và ngồi dò bài ở sân trường như thế này - Ảnh: H.Hg

Bài toán số 5 quá khó?

Sau khi làm bài kiểm tra học kỳ II môn toán, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng: "Bài toán số 5 khó quá. Kiểm tra học kỳ mà ra đề khó như đề thi HS giỏi làm sao HS làm được". Bài toán số 5 theo Sở GD-ĐT là một câu hỏi nhằm phân loại HS giỏi.

Tuy nhiên, TS Dương Anh Đức - trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và cũng là phụ huynh có con vừa tham gia kỳ kiểm tra này - sau khi tra cứu nhiều tài liệu đã đánh giá: “Đây là một đề toán quá lạ và đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng của HS rất cao.Dùng cho kỳ thi HS giỏi chưa chắc các em đã làm được với thời gian chỉ 40 phút cho cả môn thi năm bài toán”.

Còn hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Tân Bình thì thật tình: "Nhiều giáo viên chịu thua không giải được. Ngay cả tôi mặc dù cũng ra được đáp số nhưng là áp dụng theo cách giải người lớn dùng phương trình, còn lý giải theo kiểu HS tiểu học thì không làm được".

Với đề toán như vậy, kiếm được điểm 10/10 là cực kỳ khó như quận 10 chỉ có khoảng ba HS đạt điểm tuyệt đối môn này, Tân Phú (hai HS), Củ Chi (hai HS), thậm chí có nơi như quận 6 không có HS nào đạt 10 điểm toán. Mặc dù đây chỉ là kiểm tra học kỳ, nhưng với mục đích "lấy điểm xét tuyển vào lớp 6 công lập" khiến kỳ kiểm tra trở nên cực kỳ quan trọng.

Vì vậy trước sự lo ngại của dư luận trong và ngoài ngành, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các quận cắt cử giáo viên thanh tra từ trường khác qua, đồng thời chấm chung tại một hội đồng. Tại các trường thi, giấy thi cũng được cắt phách, làm số báo danh... Nhưng các hiệu trưởng mà chúng tôi hỏi đều khẳng định: "Chấm chung ích gì, quan trọng là khâu coi thi. Trường nào không muốn HS mình vào công lập nhiều, giáo viên nào lại không muốn HS mình đậu cao để lấy thành tích".

Tất nhiên không phải hội đồng thi nào cũng “nhẹ nhàng” cho HS mình, nhưng cô K. - giám khảo tại một quận nội thành - kể: "Chúng tôi phát hiện một loạt bài thi toán sai giống y hệt nhau ở bài số 5. Chứng tỏ HS làm và cho các bạn chép nhưng không ngờ làm sai". Có giáo viên thật sự lo lắng khi thấy em HS thuộc dạng yếu của mình học lực có môn không đạt yêu cầu nhưng điểm hai môn thi lại đến 17 điểm!

Bỏ "trọng điểm" nhưng điểm vẫn cao!

Kèm theo chủ trương bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, Sở GD-ĐT cũng thông báo “không còn trường trọng điểm THCS” và dự kiến 100% HS lớp 5 sẽ vào lớp 6, tất cả HS đều có chỗ học. Nhưng học lớp 6 hệ nào, trường THCS nào mới là nỗi lo lắng của phụ huynh HS trong thời điểm này.

Một số quận đã thực hiện nghiêm túc chủ trương bỏ trường trọng điểm, có những phương án tuyển đã làm giảm đi gánh lo của nhiều phụ huynh HS như quận 3 dành hẳn ba trường THCS công lập Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Bạch Đằng cho HS từ phường 10-14 chỉ cần hoàn thành chương trình tiểu học; còn hai trường “trọng điểm” Lê Quý Đôn và Colette tuyển hoàn toàn theo tuyến (HS chỉ cần đủ điểm vào công lập).

Hay như quận 9 tuyển 100% theo địa bàn, kể cả hai trường những năm trước tuyển riêng là Hoa Lư và Trần Quốc Toản. Q.Phú Nhuận cũng tuyển vào Trường Cầu Kiệu 100% HS các phường 1,2,15,17 chỉ cần đạt điểm chuẩn công lập... Trong khi đó, không ít quận dù đã hạ bảng "trường trọng điểm" nhưng vẫn tìm cách tuyển riêng để có thể chọn vào đây những HS giỏi.

Phổ biến nhất vẫn là cách cho HS nộp đơn không hạn chế địa bàn, không giới hạn điểm rồi lấy điểm từ cao xuống thấp. Có nơi như Q.Tân Phú, giai đoạn đầu cho HS chọn lựa nộp đơn thoải mái vào bất kỳ trường nào và như vậy đương nhiên HS có điểm cao sẽ nộp đơn vào những trường vốn được xem là trọng điểm.

Các trường này sẽ thoải mái tuyển lớp trên sàng, còn lại mới được phân tuyến theo địa bàn. Với những cách tuyển như thế này, trường trọng điểm đương nhiên vẫn tồn tại theo cách mà Sở GD-ĐT vẫn biện minh: “Do phụ huynh tín nhiệm đổ vào nhiều tạo áp lực nên điểm mới tăng cao ở những trường này” (?!).

Nếu như các quận bỏ trường trọng điểm, phân bổ HS hoàn toàn theo địa bàn nhà gần trường (như cách tuyển trước khi có loại hình trường trọng điểm) phần nào tạo được sự ổn định trong việc tuyển sinh, thì ngược lại với điểm tuyển cao ngất cho các trường vốn là “trọng điểm” của một số quận đã gây không ít áp lực cho HS. Trong đó có những HS học thí điểm chương trình tiểu học mới phải làm kiểm tra đề tiếng Việt (đề của Bộ GD-ĐT) rất khó so với đề cải cách nên kết quả số HS đạt điểm giỏi hai môn toán, tiếng Việt khá thấp.

Tình trạng này khiến nhiều phụ huynh HS không yên tâm khi thấy con mình không đủ điểm vào trường trọng điểm đã yêu cầu được chấm lại bài kiểm tra. Thế nên năm nay mới có “chuyện lạ”, dù chỉ là kiểm tra học kỳ nhưng Sở GD-ĐT lại có thông báo thành lập hội đồng phúc khảo cho những HS có yêu cầu chấm lại!

Bỏ trường trọng điểm là một chủ trương đúng đắn vì sẽ giảm được áp lực cho cả thầy và trò. Tất nhiên quyết định này phải được thực hiện triệt để, nếu không phụ huynh HS vẫn còn nhấp nhổm trong đợt tuyển sinh năm nay và cả những năm sau.

  • Kim Liên (Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,