(VietNamNet) - Trong thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, 4 bạn SV đã cố gắng trả lời một phần trong số gần 400 câu hỏi gửi về. Các bí quyết ôn thi, ăn, ngủ trong mùa thi, cách làm bài thi, giữ tâm lý trong phòng thi....đã được các bạn chia sẻ.
Khối C và D, khó lòng mà đạt điểm "tuyệt đối" 30/30 như khối A và B. Tuy nhiên, giành được mức điểm cao như Tô Phúc Vi Xuân, thủ khoa khối D của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) và Hoàng Thị Phương Loan (Trúng tuyển khối C với mức điểm: Văn: 9, Địa: 8,5 và Sử: 8, cùng với 1,5 điểm thưởng học sinh giỏi; lại vượt qua một kỳ thi của trường để "chọn" vào lớp "chất lượng cao" khoa Ngữ văn - trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng đáng để chúng ta học hỏi kinh nghiệm.
Chiều nay, Tô Phúc Vi Xuân phải cho học trò nghỉ học, Trần Huỳnh Thanh Thảo cũng mới rời phòng thi, Lê Quang Bách đành gác" lại buổi học tiếng Anh.
Coi bộ, các thủ khoa của chúng ta khá bận rộn đấy chứ? Thế các thủ khoa học hành, thi cử như thế nào và họ có thời gian để... yêu không nhỉ?
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu
"Hậu" thủ khoa?
Phan Đình Tùng - Nam 18 tuổi - Hà Nội
Em nghe nói anh Bách sắp du học , nhưng theo một số nguồn tin em biết được: tuy là một trong các thủ khoa, nhưng học kỳ một vừa qua ,điểm học kỳ của anh không cao cho lắm. Phải chăng, anh vì nghĩ sắp được đi du học nên anh bỏ qua việc học?
Lê Quang Bách: Bạn cập nhật thông tin hơi nhầm rồi. Tôi đã thi hết học kỳ I đâu. Đúng là tôi được nhận một suất học bổng du học ở Anh. Tôi đã nghỉ học ở trường ĐH Y từ cuối tháng 12/2004 để theo học tiếng Anh, vì tiếng Anh của tôi không tốt để thi lấy điểm TOEFL.
Tuy nhiên, việc học ĐH hoàn toàn khác với thi ĐH và nếu như bạn có một cơ hội như tôi, bạn sẽ làm gì?
Vũ Minh Thao - Nam 23 tuổi - Thị xã Tuyên Quang
Bách có tham gia thi hoc sinh giỏi tại trường phổ thông không? Sau khi đỗ thủ khoa, học ĐH, bạn có chịu nhiều áp lực không?
Lê Quang Bách: Cả 3 năm cấp 3 mình đều tham dự học sinh giỏi môn Hoá học cấp thành phố, nhưng chỉ được giải khuyến khích.
Việc đỗ thủ khoa cũng có gây đến chuyện học ĐH của mình, bởi vì các thầy cô đều chú ý đến mình và mình không thích như vậy. Mọi sinh viên đều có quyền lợi ngang nhau và đều phải được quan tâm như nhau.
Kinh nghiệm của mình là học đến mức nào mình có thể chịu đựng được, nếu chán quá thì có thể nghỉ ngơi khoảng 1 đên 2 ngày.
Nguyễn Anh Minh - Nam 18 tuổi - Hà Nội
Lên ĐH, phương pháp học của các cậu thế nào? So sánh với phổ thông thì sao ? Các bạn có thấy chán học hơn so với phổ thông không?
Lê Quang Bách: Mình nghĩ là nhà trường ĐH bắt sinh viên học nhiều môn một lúc quá, khiến sinh viên không có thời gian nghiên cứu sâu từng lĩnh vực. Cách học như thế này đôi khi khiến sinh viên cảm thấy rất khó khăn trong tiếp cận và hệ thống kiến thức. Nếu Bộ GD - ĐT có chủ trương cho phép sinh viên tự chọn các học phần như một số trường ĐH nước ngoài sẽ giúp sinh viên chủ động và không có cảm giác bị ép buộc.
Học phổ thông khác ĐH ở chỗ: ở phổ thông học sinh phải lệ thuộc vào SGK còn học ĐH sinh viên được chọn các giáo trình phù hợp và tự nghiên cứu.
Ăn, ngủ và...yêu có gì đặc biệt?
Vi Xuân |
Nguyễn Thanh Tùng - Nam 22 tuổi - Thái Bình
Cho mình hỏi, mình muốn ngồi học thật nhiều, nhưng đêm nào cũng chỉ thức được đến 12h, sáng thì đến 5h30 mới dậy, không thức khuya được. Khi các bạn ôn thi thì ngủ mấy tiếng một ngày, làm thế nào để thức khuya được nhỉ? Mình ngủ một ngày 6 tiếng có quá nhiều không?
Tô Phúc Vi Xuân: Có ngủ thì mới tỉnh táo học bài được. Mình thấy bạn tối ngủ 12h,sáng dậy 5h30 là giống mình hồi đó. Nhưng mình còn ngủ trưa nữa. Ngủ 1 ngày 6 tiếng là ít. Mình hay học những môn học thuộc bài vào buổi tối vì nó yên lặng, buổi chiều để làm bài tập. Nhiều lúc thấy mệt và chán thì bạn chuyển sang học môn khác làm như vậy không những sẽ đỡ mệt mà còn rất hiệu quả.
Vũ Anh - Nam 17 tuổi - THPT Luong Van Chanh
Các anh chị trước khi thi có lo lắng về chuyện ăn uống hay không? Trước khi thi, mình nên ăn gì là tốt nhất?
Tô Phúc Vi Xuân: Trước lúc thi mẹ mình cho mình uống UpsaC hằng ngày, hoặc bạn có thể uống những thuốc bổ làm tăng sức đề kháng chống lại bệnh, lúc đi thi mà lại bị bệnh thì không còn gì khổ hơn. Ăn uống thì bình thường thôi,đầy đủ chất là ổn.
Dương Tuấn Hưng - Nam 23 tuổi - United States
Trước tôi xin chúc mừng các bạn vì kết quả tuyệt vời này. Những nỗ lực và cố gắng liên tục của các bạn đã được đền đáp. Các bạn chắc hẳn có nhiều kinh nghiệm trong học tập và thi cử. Nhưng câu hỏi của tôi dành cho các bạn xin được phép hỏi về một khía cạnh khác. Sau đọc bài giới thiệu về các bạn, tôi thấy Bách thì "hơi nhút nhát'' chắc có lẽ vì ít đi chơi, Thanh Thảo thì "rụt rè" do dành nhiều thời gian tập trung học tập mà có ít bạn bè. Các bạn có nghĩ mình đã dành rất nhiều thời gian vào học tập (đôi khi có người sẽ gọi các bạn là mọt sách) mà quên đi một điều là cần hòa nhập với cuộc sống cộng đồng và tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn vì trong xã hội thay đổi với tốc độ nhanh như hiện nay một người kém hòa nhập hay chậm hòa nhập sẽ bị tụt hậu? Sau nữa các bạn có suy nghĩ khi vào đại học các bạn sẽ hoạt bát hơn, hòa nhập nhiều hơn?
Lê Quang Bách: Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi. Tôi rất khâm phục những người như bạn, một mình sống ở nước ngoài. Tôi ít đi chơi lung tung trong thưòi gian ôn thi ĐH, mục đích để tập trung vào ĐH. Những khi bạn bè rủ đi chơi mà tôi cảm thấy cuộc đi chơi đó thú vị thì không từ chối. Ví dụ như bạn có nhã ý mới tôi sang thăm bạn chẳng hạn...
Phạm Anh Tuấn - Nam 23 tuổi - F.An Phú, TP Cần Thơ
Bạn lo cho việc học như thế thì thời gian bạn dành cho nguời yêu thì sao?
Thanh Thảo |
Hoàng Thị Phương Loan và
Trần Huỳnh Thanh Thảo: Hiện tại thì mình chưa có người yêu. Nhưng trong tương lai, mình sẽ có cách sắp xếp thời gian hợp lý cho vấn đề này.Lê Quang Bách: Mình rất muốn một ngày nào đó sẽ có điều bạn hỏi. Còn hiện giờ thì...
Tô Phúc Vi Xuân: Mình thì chưa có người yêu nhưng nếu có thì cả 2 người cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến việc học và thi của nhau.
Nguyễn Hoàng Lan - Nữ 19 tuổi - Đống Đa - Hà Nội
Theo bạn, để học thủ khoa thì có phải la cứ suốt ngày đâm đầu vào học không?
Trần Huỳnh Thanh Thảo: Theo mình thì không nên suốt ngày đâm đầu vào học không ,cũng phải giải trí chứ. Vì thời gian học cấp 3 rất là vui và có biết bao kỉ niêm đẹp. Tuy rằng, mình ít đi đâu chơi nhưng khi ở trường thì cũng vui đùa ,giỡn cùng bạn bè nhiều lắm. Nhưng phải nhớ chơi thì chơi mà học cũng phải lo học.
"Châm ngôn" học?
Vũ Như Việt - Nam 18 tuổi - nhà A2 Khương Thương
Em muốn hỏi chị Vi Xuân về kinh nghiệm học 3 môn khối D .Em sắp thi nhưng em thấy có nhiều kiến thức quá.
Tô Phúc Vi Xuân: Mình không giỏi môn Toán lắm nên mình sắp xếp thành từng chuyên đề và học theo những chuyên đề đó. Môn văn và anh Văn cũng vậy, nhất là anh Văn cũng chia thành những dạng bài và nên lưu ý là chia thành những dạng cơ bản đừng chia nhiều quá thì sẽ bị rối.
Đinh Thị Hương - Nữ 18 tuổi - 7, tran thu do
Em muốn hỏi kinh nghiệm của các anh chị thi khối A. Câu hỏi của em là làm thế nào để ôn tập tốt chương trình thi đại học trong khi lượng kiến thức cần nhớ là rất lớn?
Trần Huỳnh Thanh Thảo:
Đây là kinh nghiệm do thầy cô và những anh chị học trước đã truyền cho Thảo: lượng kiến thức cần nhớ là rất lớn. Nên để ôn tập tốt thì trước hết Hương phải đọc và hiểu thật kỹ về lý thuyết. Nếu có gì không hiểu thì phải hỏi ngay thầy cô và bạn bè. Đừng bao giờ để mình còn thắc mắc hoặc không hiểu rõ một vấn đề, một bài tập nào đó.Nguyễn Thị Mỹ Hồng, nữ, 18 tuổi, Quảng Bình: Em học hóa không được tốt lắm. Chị có cách học hóa nào hay chỉ giúp em được không?
Trần Huỳnh Thanh Thảo: Theo chị, thì dể học học hóa tốt thì các em phải nắm vững các phản ứng hóa học vì đó chính là nội dung cơ bản của môn hóa mà. Phải biết được các phản ứng có xảy ra hay không, và em nhớ nắm kĩ tính chất vật lý và hóa học của các chất như thế mới có thể biết được chiều hướng của phản ứng và mới có thể giải quyết được các bài tập từ dễ đến khó.
Nguyễn Ngọc Giao - Nữ 18 tuổi - Qui Nhơn
Làm sao để nhớ tốt từ vựng nhất?
Tô Phúc Vi Xuân: Học là sự tích lũy cũng giống như "mưa dầm thấm lâu". Để có được kết quả thi tốt phải cố gắng ngay từ đầu năm. Học bài nào chắc bài đó thì đến lúc thi sẽ không bị lúng túng. Đó cũng là cách học từ vựng. Thực ra cách học từ vựng tốt nhất là đọc sách, báo, tạp chí nhưng bây giờ gần thi rồi bạn chỉ nên tổng hợp và làm bài tập.
Nguyễn Xuân Quang - Nam 18 tuổi - Te xuyen- dinh xuyen- Gia Lâm, Hà Nội
Em dự thi khối B vào trường ĐH Y Hà Nội. Em rất lo về lý thuyết môn Sinh học. Vậy học lý thuyết các mônl àm sao để "nhanh thuộc, lâu quên"?
Lê Quang Bách: Thứ nhất bạn phải hiểu bài. Sau đó, học các ý chính và phải thường xuyên ôn lại. Mỗi người có một cách học hiệu quả nhất cho mình. Bạn hãy tự tìm cách nào phù hợp nhất cho bạn. Để học bài nhớ lâu, tốt nhất bạn thường xuyên ôn lại. Bách đã lấy câu thành ngữ "Ôn tập là mẹ của học hành" làm phương châm học tập.
Bách thường ưu tiên cho các môn thi ĐH nhiều thời gian hơn sau mỗi buổi lên lớp về.
H
oàng Nam Giang - Nam 19 tuổi - Nghệ AnĐể học tốt môn khối C thì phải làm thế nào? Làm sao để học thuộc các số liệu môn Địa lý? Và bí quyết làm bài để đạt điểm cao nữa chứ?
Hoàng Thị Phương Loan: Cách tốt nhất để học thuộc số liệu môn Địa lý là ghi số liệu ra những mẩu giấy nhớ. Còn để đạt điểm cao thì bố cục bài thi phải rõ ràng, mạch lạc. Có thể đánh dấu các ý trả lời bằng dấu - hoặc +. Bài tập thực hành phải rất chính xác.
Hoài Niệm - Nữ - HN
Kinh nghiệm học môn lịch sử thế nào để đạt đuợc chất lượng tốt nhất? Mình học nhưng mà thấy hơi khó vào môn Sử?
Hoàng Thị Phương Loan: Cũng giống như các môn khác, môn Sử cần có một đề cương chi tiết, chia theo các giai đoạn vì giữa các giai đoạn có những sự kiện rất dễ nhầm. Do vậy, các bạn nên đối chiếu và so sánh giữa các giai đoạn. Bạn chỉ nên nhớ ý, không nên học thuộc lòng cả cách diễn đạt. Để nhớ tốt thì có thể nhờ người khác kiểm tra kiến thức vừa học hoặc tự mình kiểm tra bằng cách viết những điều đã nhớ ra giấy, sau đó đối chiếu với sách vở.
Đinh Công Dũng - Nam 23 tuổi - Hà Đông, Hà Tây
Mình thi khối C năm nay là năm thứ tư rồi. Các bạn hãy bay cho mình giải pháp với?
Hoàng Thị Phương Loan: Mình có thể góp ý với bạn một cách hệ thống lại toàn bộ chương trình Văn, Sử, Địa trong thời gian từ giờ tới khi thi. Bạn nên lập một thời gian biểu thật chi tiết cho ba môn trong một ngày.
Nên xen kẽ học cả ba môn: ngày hôm nay học phần nào của văn, sử và địa (như thế bạn sẽ bao quát toàn bộ chương trình từ đầu đến cuối và dành thời gian dài hay ngắn cho từng phần kiến thức cụ thể ). Bạn sẽ giải quyết các phần kiến thức đã đề ra cho từng ngày. Nếu đã nhớ, bạn sẽ gạch phần kiến thức trên thời gian biểu đó đi. Còn nếu chưa nhớ, bạn sẽ buộc mình phải hoàn thành lượng kiến thức ấy trong ngày hôm sau.
Bạn không chỉ học kiến thức của ngày hôm nay mà phải kiểm tra lại kiến thức ngày hôm qua xem mình còn nhớ hay đã quên bằng cách viết phần kiến thức đó ra giấy và đối chiếu với sách vở. Cứ như thế, mình tin chắc rằng bạn sẽ không bỏ sót một lượng kiến thức nào vì thời gian từ giờ tới khi thi còn tới gần 3 tháng nữa (cách học này mình đã áp dụng trong tháng cuối cùng sau khi thi tốt nghiệp cho tới khi thi đại học).
Nguyễn Văn Tăng - Nam 22 tuổi - xã Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội:
Năm nay, mình cũng thi khối B và mình năm ngoaí cũng thi khôi B, được 21 điểm nhưng không đậu. Mình không biết cách nao để học tốt môn Sinh và mình muốn bí quyết của bạn học môn ấy như thế nào?
Lê Quang Bách:
Bạn đừng quá căng thẳng, cứ coi như cuốn Giáo trình môn Sinh học như một cuốn truyện ấy. Nếu như chán quá thì tìm một quyển giáo trình Sinh học khác, ví dụ như quyển Sinh học tập 1 và tập 2 của Philip.Bạn hãy cố liên hệ những gì mới và những gì đã học. Nên học ít những phần dành học thuộc lòng. Ví dụ như phần Đại và Kỷ, không cần phải học thuộc lòng những năm xuất hiện và kết thúc. Chỉ cần nhớ Kỷ nào trước kỷ nào sau, các sự kiện chính trong mỗi kỷ.
Phạm Hữu Phúc - Nam 15 tuổi - 395, Nguyen Thi Mhhinh Khai
Một ngày ngoaì giờ học ở trường, anh chị tham gia học thêm những môn anh chị thi ĐH thời gian mất bao nhiêu? Và tự học ở nhà? Kết quả anh chị đạt được có sự hên (trúng tủ) hay kết quả tự tin của mình 100% không?
Lê Quang Bách: Mình học thêm vào các buổi chiều và buổi tối. Thời gian còn lại dành cho tự học ở nhà.
Kết quả mình đạt được khi thi ĐH cũng có sự may mắn. Bởi vì toàn bộ câu hỏi trong đề bài mình đều nắm rất rõ, Tuy nhiên, trong lúc học bạn không biết đề bài vì vậy bạn phải học hết. Và sự may mắn không phải lúc nào cũng đến...
Mai Diệp Phong - Nam 21 tuổi - Tuy Hòa
Bạn Bách có thể cho mình hỏi cách học 3 môn khối B được không?
Lê Quang Bách: Mình có thể nói ngắn gọn cách học như sau:
- Về môn Toán: Hiểu, làm nhiều bài tập và phải thuộc các dạng toán.
- Về môn Hoá: Hiểu, nhớ tất cả các công thức, làm nhiều bài tập để ôn (nhất là dạng bài tập biến hoá)
- Về môn Sinh: Hiểu, đọc nhiều sách tham khảo (kể cả chuyện Sinh học cũng được).
Bí quyết của mình là: tụ tập trao đổi với bạn bè và đặt nhiều câu hỏi.
Tư Nghĩa Tình - Nữ 18 tuổi - Hạ Long, Quảng Ninh
Chào các anh chị. Em học khối A nhưng môn lý em thấy khó "gặm" quá. Anh chị có thể chỉ cho em cách học tốt nhất được không? Em hay học đêm và biết như thế là rất hại cho sức khỏe nhưng em không thể dậy sớm đuợc mặc dù đã để chuông đồng hồ? Hãy chỉ cho em cách học được không ạ? Em xin chân thành cám ơn.
Trần Huỳnh Thanh Thảo:
Chào bạn Tình và Nguyễn Văn An, hai bạn đều "khó nuốt" môn Lý. Thảo xin được trao đổi cùng hai bạn.Các em ghét học môn Lý có phải vì nó có quá nhiều chương, nhiều phần nên không thể nắm hết kiến thức không? Theo chị, môn Lý có rất nhiều điều hay, có rất nhiều kiến thức rất gần với đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ rằng môn Lý khó thì nó sẽ khó. Các em nên đọc nhiều tài liệu và làm nhiều bài tập. Như vậy các em sẽ thấy thích môn Lý hơn.
Nguyễn Đắc Khương - Nam 36 tuổi - tỉnh đội Bắc Ninh
Chào các thủ khoa! Bây giờ anh thấy nếu muốn học giỏi phải học suốt ngày và ít giao lưu với bạn bè thì mới học giỏi được có đúng không?Vì bây giờ anh thấy HS học thêm quá nhiều.
Lê Quang Bách: Chào anh. Em thấy có một số bạn không mấy khi đi học thêm và giao lưu với bạn bè khá nhiều mà vẫn thi đậu ĐH điểm cao.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của em những thầy giáo tận tình có thể giúp đỡ thêm học trò rất nhiều trong quá trình ôn thi ĐH. Và bạn có thể hỏi thầy giáo những gì bạn không hiểu.
Hồi mình đi học thêm môn Sinh học thầy Hiền (thầy giáo trường Amsterdam) thầy rất tận tình trả lời các câu hỏi em đưa ra. Và điều đó thực sự giúp em rất nhiều trong quá trình ôn học. Học thêm không phải là điều xấu. Cái chính là người thấy giáo tổ chức lớp học thêm như nào để học sinh ôn tập một cách có hiệu quả nhất.
Vào phòng thi: Bình tĩnh
Dương Viết Thắng - Nam - 20 tuổi - Biên Hòa - Đồng Nai
Năm nay tôi thi lần 3, nếu lần này không được thì đúng là một kết cục đáng buồn. Từ trước đến giờ, chưa giáo viên nào nói tôi không học giỏi, nhưng khi làm bài lại là lúc mất bình tĩnh. Bạn cho tôi một lời khuyên để khắc phục điểm yếu này nhé?
Trần Huỳnh Thanh Thảo: Chắc bạn mất bình tĩnh vì bị nhiều áp lực về tâm lý khi bước vào phòng thi. Trước khi mình đi thi, thầy cô cũng nhắc nhở nhiều rằng phải tự tin, không được mất bình tĩnh khi thi vì như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả. Và thầy cô cũng có lời khuyên với mình rằng: "Nên ôn bài trước ngày thi khoảng 2-3 hôm. Gần ngày thi nên để đầu óc thoải mái". Nếu như bạn có cảm giác rằng mình đã quên tất cả những gì đã học thì cũng đừng nên lo lắng.
Nguyễn Hoàng Lan - Nữ 19 tuổi - Đống Đa - Hà Nội
Thế cảm giác của bạn khi vào phòng thi nó như thế nào?
Lê Quang Bách: Bạn có thể hỏi câu này ở bất cứ ai đã dự thi ĐH, nhưng với tôi không hiểu sao tôi cảm thấy bình tĩnh. Tôi cho bạn một lời khuyên: "Đề bài thi luôn khó hơn là mình tưởng". Khi vào phòng thi hãy nghĩ nhớ đến câu này thì bạn sẽ luôn bình tĩnh.
Đỗ Thị Quế Sương - Nữ 18 tuổi - Edrang -Eahleo -DakLak
Xin cho em hỏi làm thế nào để có 1 bài thi tốt trong kỳ thi TS đại học sắp tới.Em thi khối D?
Tô Phúc Vi Xuân: Khi làm bài văn, bạn đừng bỏ quá nhiều thời gian vào chuyện làm nháp. Có một lời khuyên mình thấy hay và bây giờ mình nói lại cho bạn là bài thi văn nên làm bằng bút đen, như vậy sẽ làm "dịu mắt" giám khảo, khiến làm giám khảo có cảm tình tốt. Vì họ đã phải chấm cả trăm bài bút xanh rồi. Nhất là vào mùa hè nóng nực như thế này.
Theo bạn, giữa một đống những tư liệu lịch sử, phải lựa chọn thế nào cho phù hợp với bài viết?
Hoàng Thị Phương Loan: Theo mình, với cách ra đề hiện nay, kiến thức giáo khoa rất quan trọng. Mình nghĩ kiến thức giáo khoa không phải là một đống tư liệu lịch sử mà là những sự kiện đã được chọn lọc. Khi đề thi ra vào giai đoạn nào, bạn nên lấy trúng những sự kiện của giai đoạn đó.
L
ê Thị Hà - Nữ 21 tuổi - đường Láng ,Láng Thượng, Đống Đa , Hà Nội Đạt điểm 9 môn Văn rất khó.Vậy thì bạn có thể cho một số bí quyết được không?Hoang Thi Phương Loan: Thứ nhất là cố gắng để không mất điểm những câu học thuộc. Lập dàn ý tất cả các câu trước khi làm. Dành thời gian hợp lý cho từng câu theo điểm đã cho ở đề bài. Trong quá trình làm, nên cố gắng diễn đạt trong sáng, mạch lạc. Nếu có cảm xúc thì rất tốt. Chữ viết cũng là một nhân tố quan trọng.
Nguyễn Hà Anh - Nam 18 tuổi - Long Xuyên
Thời gian 180' cho môn văn theo mình là hơi ít. Vậy, gặp những đề có quá nhiều ý , viết không kịp thì làm sao nhỉ? Bạn có cách nào để học thuộc các câu dẫn chứng trong các bài văn không? Nhất là các bài văn dài và hơi rối như "Người lái đò sông Đà" chẳng hạn. Bạn làm bài văn có khác gì với làm bài kiểm tra trong lớp không ?
Hoang Thi Phương Loan: Bạn có thể ghi những dẫn chứng quan trọng ra giấy và học thuộc những dẫn chứng đó. Tất nhiên là trước khi làm việc đó thì phải đọc và nắm kỹ tác phẩm. Khi làm bài thì tạo cho mình có tâm lý thoải mái, không nên quá căng thẳng thì viết văn sẽ tự nhiên hơn.
Nguyễn Anh Phương - Nam 18 tuổi - Qui Nhơn _Binh Đinh
Chào bạn Bách. Mình rất phục về cách làm bài thi của bạn đó. Bạn có kinh nghiệm gì hay về cách học cũng như cách làm bài môn sinh đat kết quả cao?
Lê Quang Bách: Mình trình bày bài rất rõ ràng, viết chữ to. Thường gạch chân mỗi câu trong khi làm bài thi ĐH các môn, thậm chí gạch chân cả những ý mà mình cho là quan trọng để các thầy không bỏ sót khi chấm ý. Bạn cứ yên tâm vì mình đã làm như vậy trong kỳ thi ĐH vừa rối và hoàn toàn không gặp rắc rối gì.
Bùi Việt Anh - Nam 18 tuổi - Hà Nội
Anh chị cho em hỏi, khi vào thi thì làm thế nào để bình tĩnh nhanh nhất?
Hoàng Thị Phương Loan: Để tránh mất bình tĩnh khi vào phòng thi, em không nên quá căng thẳng, đừng nên nghĩ về đề thi sẽ ra vào phần nào... Em có thể hít một hơi thật sâu và có thể nghĩ một ai đấy (là động lực của mình) trước khi giám thi giao đề. Sau đó, tập trung toàn bộ suy nghĩ vào bài thi và thể hiện hết mình. Khi đấy em sẽ không cảm thấy mất bình tĩnh một chút nào. Chúc em bình tĩnh và tự tin!
Trong thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, 4 bạn SV đã cố gắng trả lời một phần trong số gần 400 câu hỏi gửi về. Có một số câu hỏi chưa kịp trả lời nhưng nội dung giống như những câu đã trả lời trước đó, mời các bạn theo dõi toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến tại đây.
Ngoài ra, các khách mời cũng đã sẵn lòng chia sẻ địa chỉ e-mail. Bách: drlebach@yahoo.com; Xuân: chinayemox@yahoo.com; Loan: Kisutamhon19586@yahoo.com
Chúc các bạn tìm được "bí quyết" học và làm bài thi từ các thủ khoa nhé. Cảm ơn các bạn đã tham gia buổi giao lưu. Thân mến.
- Thực hiện: Ban Giáo dục
- Ảnh: Phạm Hải - Thu Thảo