(VietNamNet) - Công an TP Hà Nội cũng đã phát hiện 9 sinh viên “rởm” trúng tuyển theo kiểu làm giả giấy tờ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Vụ việc được xem là "lần đầu tiên ở Hà Nội". Nhưng tìm hiểu kỹ ở các trường, té ra SV "rởm" vì giấy giả NV2 là chuyện năm nào cũng có. Và, mặc dù đã có hướng dẫn, nhưng quy trình tuyển sinh vẫn còn kẽ hở cho nhưng tiêu cực này lọt lưới.
SV "rởm" vì giấy giả: Năm nào cũng có
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Thăng Long (Hà Nội) cho hay: trong tổng chỉ tiêu (CT) tuyển mới hàng năm, trường thường dành 90% CT xét tuyển NV2 của những thí sinh (TS) đã dự thi vào các trường ĐH cả nước.
Để kiểm tra Giấy xét tuyển NV2 là thật hay giả, sau khi gọi nhập học, trường thống kê toàn bộ danh sách TS đã trúng tuyển gửi về các trường TS đã dự thi để kiểm tra và xác nhận lại kết quả thi.
Với cách làm này, trường đã phát hiện được 3 trường hợp có sử dụng Giấy xét tuyển giả.
Việc xác định điểm gốc của trường TS đã dự thi, thực hiện chỉ trong vòng hơn 1 tháng là có thể đem đến sự công bằng trong thi cử - ông Phú nhận đinh. Đây cũng là quy định của Bộ GD - ĐT. Vấn đề là, các trường phải thực hiện cho đúng.
Phát hiện vụ gian lận trúng tuyển ĐH bằngnguyện vọng 2 Công an TP.Hà Nội vừa khám phá một vụ gian lận trong việc làm hồ sơ trúng tuyển NV2 vào các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. |
Ông Đàm Quang Giang, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Đông Đô thông tin: vì xét tuyển 100% chỉ tiêu được giao, nên khi nhận được danh sách TS dự thi không đỗ vào các trường ĐH có cùng khối từ Bộ GD - ĐT, trường đều kiểm tra thông số để loại những đối tượng có sử dụng giấy tờ giả. Mỗi TS trường đều nhập các thông số vào máy tính (số báo danh, tên, tuổi, năm sinh...) để kiểm tra. Bởi vậy, các trường hợp thông số không đúng đều bị loại.
Với cách thực hiện như vậy, 3 năm gần đây trường phát hiện được từ 5 - 7 trường hợp làm giả Giấy báo kết quả để xét tuyển NV2 vào trường. Động thái làm giả thường là: TS dùng Giấy báo kết quả điểm của người khác để chữa tên của mình vào hoặc photo mẫu và bắt chước chữ ký của người có chức năng của trường đã dự thi - ông Giang cho hay.
Tại Viện ĐH Mở Hà Nội, mấy năm gần đây, không phát hiện thí sinh dùng Giấy xét tuyển NV2 giả, nhưng mỗi năm cũng xóa tên trong danh sách từ 5- 10 trường hợp giấy tờ nhập học không hợp lệ. Phó phòng Đào tạo Phạm Đức Vọng đã cho biết như vậy.
Trường hợp bị đuổi học ở Viện trong tình trạng: thuộc đối tượng khai sai khu vực và đối tượng; hoặc giấy tờ ưu tiên không hợp lệ... với lý do sau một thời gian yêu cầu thí sinh không đáp ứng, bổ sung giấy tờ theo quy định.
CT xét tuyển NV2 của Viện tùy thuộc điểm chuẩn của thí sinh đăng ký NV1 (năm 2004 là 15 điểm). Ông Vọng cho biết, năm có ngành CT xét tuyển NV2 tới 40%, có ngành 15% nhưng cũng có ngành không xét tuyển.
Xác nhận của trường dự thi: kẽ hở dễ làm giả?
Dùng ống đựng tăm làm giả hồ sơ ĐH Một nữ sinh cấp 3 tự tạo hồ sơ trúng tuyển ĐH (theo NV2) từ ống đựng tăm, nắp chai rượu vang Thăng Long, bút màu... và giấu không cho gia đình biết. |
Ông Phú cho biết, tại trường cũng đã có thông báo cho thí sinh trước khi gửi Giấy xét tuyển NV2, NV3 rằng: đây chỉ là điều kiện ban đầu. Và những SV nhâp học đều phải làm Giấy cam đoan khẳng định sự trung thực, nếu có phát hiện gian lận sẽ xóa tên khỏi danh sách.
Nếu không có kinh nghiệm thì rất khó nhận điểm giả vì Giấy thật và giả giống nhau y chang. Với kinh nghiệm làm tuyển sinh nhiều năm cũng phải nhìn thật kỹ mới thấy có một số điểm khác mẫu của các trường cụ thể.
Điểm giả nhận thấy là Giấy xét tuyển giả có sử dụng một số phông chữ khác. Tuy nhiên, điểm quan trọng trong Giấy xét tuyển giả là xác nhận của trường đã dự thi để TS có tên trong danh sách đủ điểm xét tuyển NV2 gửi về trường. Đây mới là nguyên nhân cần có biện pháp khắc phục.
Theo ông Phú, việc làm giả con dấu thực tế đã xảy ra cũng không quá khó khăn, nếu đối tượng chủ mưu có toan tính. Đối tượng hoàn toàn có thể lấy mẫu dấu trên mạng của một trường bất kỳ để làm giả.
Do vậy, sau mỗi kỳ tuyển sinh hàng năm trường đều lưu hồ sơ và có kiểm tra lại tất cả kết quả của TS đã được gọi nhập học. Việc kiểm tra đối với NV1 không khó khăn vì trường có hồ sơ gốc; đối với NV2, NV3 của TS cần xác nhận của các trường TS đã dự thi.
Lý do Viện ĐH Mở trong 3 năm thực hiện "3 chung" không gặp sự cố Giấy xét tuyển giả là vì công tác tập huấn những cán bộ tham gia làm công tác tuyển sinh rất có trách nhiệm - ông Vọng giải thích.
Thông thường, khi có danh sách các trường gửi TS đủ điểm xét tuyển NV2 vào trường, ngoài Giấy báo điểm, Viện đều gửi công văn đề nghị các trường (khoảng 30 trường) phối hợp xác nhận lại một lần nữa kết quả thi của TS đủ điều kiện xét tuyển NV3, NV3.
Theo ông Vọng, nếu trách nhiệm của người làm công tác tuyển sinh tại mỗi trường không chặt chẽ và không có kinh nghiệm thì rất dễ để xảy ra hiện tượng tuyển nhầm những SV "dởm". Lý do nữa ông Vọng đưa ra là: mặc dù Bộ GD - ĐT đã ban hành mẫu Giấy báo kết quả thi nhưng mỗi trường làm một kiểu. Đây là nguyên nhân dẫn đến xảy ra tình trạng có thể làm Giấy báo điểm giả để xét tuyển NV2, NV3 vào các trường khác thực tế vẫn xảy ra.
Công an (CA) TP Hà Nội cho biết đang hoàn tất công văn gửi Bộ GD-ĐT, đề nghị chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng rà soát lại tất cả các trường hợp sinh viên trúng tuyển theo diện nguyện vọng 2. Cũng theo nhận định của CA TP, chắc chắn sẽ còn rất nhiều trường hợp trúng tuyển ĐH, CĐ gian dối sẽ bị đưa ra ánh sáng, khi Bộ GD-ĐT tiến hành việc rà soát hàng loạt.
-
Kiều Oanh