(VietNamNet) - Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đưa ra thông báo chính thức của Bộ GD - ĐT về thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2005, VietNamNet đã trao đổi với ông Đỗ Duy Dự, thư ký Ban chỉ đạo tuyển sinh.
Ông Dự cho biết: tất cả các khâu về tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 từ khối thi, ngày thi, cụm thi, thời hạn xét tuyển thí sinh không có gì thay đổi so với năm 2004. Thí sinh vẫn học và đăng ký dự thi (ĐKDT) bình thường.
Đối với các trường CĐ trung ương và địa phương, Bộ GD - ĐT khuyến khích các trường có đủ điều kiện thì thực hiện xét tuyển, còn lại tổ chức thi như cũ. Điểm sàn ĐH, CĐ sẽ được quy định và công bố sau khi có kết quả thi. Đồng thời, để công tác chuẩn bị được chu đáo hơn, thi trắc nghiệm khách quan sẽ thực hiện vào năm 2006.
- Thưa ông, việc quyết định không điều chỉnh một số nội dung như đã dự kiến tại thời điểm này có gây ảnh hưởng tới thi sinh và các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai?
Đối với thí sinh thì không có vấn đề gì. Nhưng với công tác chuẩn bị cho kỳ thi thi không nhẹ nhàng chút nào.
Lộ trình cải tiến các kỳ thi: 81% ý kiến đồng ý từ năm 2006 thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ; 93% đồng ý từ năm 2007 thi trắc nghiệm Lý, Hóa, Sinh; từ năm 2008 thi trắc nghiệm các môn Toán, Văn, Sử, Địa (riêng môn Văn, đề thi gồm một phần tự luận và một phần trắc nghiệm) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
85% ý kiến đồng ý từ năm 2008 kết hợp thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành một kỳ thi quốc gia. Căn cứ kết quả kỳ thi chung các Sở GD - ĐT công nhận tốt nghiệp HS lớp 12, các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường. (Tổng hợp thăm dò ý kiến của Bộ GD-ĐT) |
Ngay sau đây, chúng tôi phải làm mẫu hồ sơ ĐKDT, Quy chế, hoàn thành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005... Những công việc này phải chờ kết luận hội nghị thì mới triển khai được.
Số thí sinh có NV vào học các trường không thi vẫn đảm bảo 3 đợt xét tuyển chứ không bị cắt đợt nào cả.
- Như vậy, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay không có điều chỉnh gì so với năm 2004?
-Cũng có một số điều chỉnh. Thay vì trước đây, học sinh (HS) các lớp chuyên hưởng điểm ưu tiên khu vực (KV) theo hộ khẩu thường trú riêng thì nay hưởng ưu tiên KV theo nơi học THPT. Việc điều chỉnh này cho phù hợp với quy định chung là lấy nơi học THPT là căn cứ để xác định điểm ưu tiên.
Hồ sơ ĐKDT năm 2005 có khác năm trước ở chỗ: thí sinh phải khai đồng thời 2 chi tiết gồm trường ĐKDT và đăng ký trường có nguyện vọng (NV) 1 xin học là trường nào. Thí sinh có thể khai trùng nhau hoặc khác nhau để tiện giải quyết cho những thí sinh có NV1 học tại những trường ĐH, CĐ không thi tuyển sinh.
Hồ sơ ĐKDT do các Sở GD - ĐT in và phát hành cho thí sinh tại địa phương mình.
- Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị thi và tuyển sinh 2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Phải quát triệt HS là đối tượng cần được ưu tiên xem xét và phải nhất quán trong quy định ở các khâu từ quy trình nộp hồ sơ, đánh giá, xét tuyển... Quyền lợi của thí sinh trong năm nay có gì thay đổi?
Thí sinh được hưởng điểm ưu tiên và NV ĐKDT vẫn thực hiện như quy định của năm 2004. Cụ thể, mỗi thí sinh được đảm bảo ba NV gồm 1 "cứng", 2 "mềm". NV1 đăng ghi trong hồ sơ ĐKDT và hai đợt xét tuyển.
- Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu không tổ chức thi trắc nghiệm trong năm 2005, thì lộ trình cải tiến tuyển sinh sẽ được thực hiện theo các bước như thế nào?
Bắt đầu từ 2006 thi trắc nghiệm các môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Từ năm 2007 thi trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Quang cảnh hội nghị thi sáng 02/02 (Ảnh: Kiều Hải) |
Từ năm 2008, thi trắc nghiệm các môn Toán, Văn, Sử, Địa. Riêng môn Văn, đề thi gồm một phần tự luận và một phần trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Cũng từ năm 2008, kết hợp thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành một kỳ thi quốc gia. Căn cứ kết quả kỳ thi chung các Sở GD - ĐT công nhận tốt nghiệp HS lớp 12, các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường.
- Tại hội nghị thi và tuyển sinh 2005, có rất nhiều ý kiến đề nghị việc nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh không nhất thiết phải qua Bưu điện mà có thể cho các trường nhận trực tiếp?
-Quy định của Bộ về nhận hồ sơ qua đường Bưu điện mục đích tạo công bằng, minh bạch tránh ồn ào trong thi cử. Nếu nộp trực tiếp thí sinh đến ào ào gây mất trật tự, mặt khác phải qua Bưu điện thì mới không có sự tư túi, tiêu cực. Bộ cũng lường đến trường hợp nhận trực tiếp thì chỉ có lợi cho con em cán bộ trong trường, sẽ gây mất công bằng cho những thí sinh khác.
Việc này còn nhằm khống chế tình trạng trường "tư vấn" ngành học này điểm cao và có thể chữa thành ngành khác để đậu. Hoặc là hết thời hạn nhận hồ sơ nhưng các trường vẫn nhận dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát.
- Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)