(VietNamNet) - Hôm nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vừa có hướng dẫn chi tiết về làm bài thi trắc nghiệm với các quy trình điền phiếu, nhận đề, làm bài, nộp bài. VietNamNet đăng tải lại nội dung để các bạn tham khảo.
Thi trắc nghiệm và câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn
Câu hỏi thi trong các đề thi viết có thể được phân chia làm 2 loại: Tự luận và trắc nghiệm khách quan.
Loại câu hỏi thi tự luận (essay) là câu hỏi yêu cầu phải trả lời theo dạng mở, tức là thí sinh phải tự trình bày ý kiến trong một bài làm (thường dài) để giải quyết vấn đề mà câu hỏi tự luận nêu ra. Phương pháp tự luận từ lâu được dùng phổ biến trong nhà trường.
Trắc nghiệm khách quan (objective test) là phương pháp thi mà trong đó đề thi thường gồm rất nhiều câu hỏi, mỗi câu nêu ra một vấn đề cùng với những thông tin cần thiết sao cho thí sinh chỉ phải trả lời vắn tắt đối với từng câu.
Trong trắc nghiệm khách quan (sau đây gọi tắt là trắc nghiệm) có nhiều kiểu câu hỏi khác nhau nhưng câu nhiều lựa chọn có cách trả lời đơn giản nhất và được sử dụng phổ biến nhất.
Câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (NLC) có hai phần, phần đầu được gọi là phần dẫn, nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là phương án để chọn, thường được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D ...
Trong các phương án để chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng hoặc một phương án đúng nhất; các phương án khác được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với thí sinh. Nếu câu NLC được soạn tốt thì một người không nắm vững kiến thức về vấn đề đã nêu sẽ không thể nhận biết được trong tất cả các phương án để chọn đâu là phương án đúng, đâu là phương án nhiễu.
Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi ĐH tháng 7/2004 |
Trong khi soạn thảo câu trắc nghiệm NLC, người ta thường cố gắng làm cho các phương án nhiễu đều có vẻ “có lý” và “hấp dẫn” như phương án đúng. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem câu trắc nghiệm rất đơn giản về Toán sau đây (cho học sinh mới bắt đầu học Đại số):
Cho a=15 và b=2; tích của a và b bằng:
A) 17 B) 13 C) 7.5 D) 30
Thí sinh nắm vững bài sẽ hiểu ngay rằng tích của a và b là kết quả của phép nhân a với b, tức là 15x2 và chọn D là câu trả lời đúng. Trong khi đó, đối với thí sinh không hiểu rõ khái niệm “tích”, các phương án A, B, C đều có vẻ “có lý”, có thể lôi cuốn thí sinh vào một trong các phương án trả lời sai:
a + b = 15 +2 = 17 chọn A
a - b = 15 - 2 = 13 chọn B
a : b = 15 : 2 = 7.5 chọn C
Qui trình thi trắc nghiệm đối với thí sinh
Điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm:
Trước giờ làm bài thí sinh được phát một phiếu trả lời trắc nghiệm. Đây là tờ giấy được in đặc biệt, là bài làm của thí sinh.
Thí sinh có thể dùng bút mực, bút bi để làm bài và chỉ được dùng một thứ mực (không phải là mực đỏ). Tuy nhiên, nên dùng bút mực, bút bi để viết chữ và dùng bút chì đen loại mềm (2B .. 6B) để tô kín các ô tròn nhỏ; như vậy, khi tô sai có thể tẩy chì dễ hơn tẩy mực.
Thí sinh dùng bút mực điền đầy đủ vào các mục để trống như địa điểm thi, ngày thi, môn thi,...; đặc biệt lưu ý ghi chính xác họ và tên thí sinh bằng chữ in hoa, ngày sinh, chữ ký và ghi đầy đủ, chính xác phần số của số báo danh vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung dành cho Số báo danh. Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.
Thí sinh phải giữ cẩn thận phiếu trả lời trắc nghiệm, không để phiếu bị rách, bị gập, bị nhàu vì máy không chấm những phiếu này. |
Nhận đề thi
Khi nhận được đề thi, thí sinh ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi; phải kiểm tra chắc chắn rằng: Đề thi có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề; Nội dung in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều có ghi cùng một số mã đề thi.
Nếu có những chi tiết bất thường, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý
Thí sinh xem Mã đề thi (in trên đầu Đề thi) và ghi ngay 3 chữ số của Mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung chữ nhật dành cho Mã đề thi; lần lượt theo từng cột tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số đầu mỗi cột.
Làm bài
Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, chọn phương án đúng nhất (A hoặc B, C, D), tô kín ô tròn tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong Phiếu trả lời trắc nghiệm.
Cần hết sức chú ý làm đúng những điều sau:
- Khi tô các ô tròn, phải tô đậm kín cả ô (tương đương độ đậm của vạch bên mép trái tờ phiếu) để máy chấm có thể ghi nhận được. Tuyệt đối không được gạch chéo, hoặc đánh dấu vào ô được chọn.
- Ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô tròn; nếu tô 2 ô trở lên máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.
- Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch ô cũ và tô kín ô khác (nếu tẩy không sạch, máy chấm sẽ xem như có 2 ô đen và câu đó sẽ không được chấm điểm)
- Tránh trường hợp trả lời câu hỏi này nhưng tô vào hàng của câu hỏi khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Chỉ có Phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh, do đó nếu thí sinh chỉ trả lời ngay trên đề thi hoặc giấy nháp thì bài làm sẽ không được chấm.
- Thí sinh phải giữ cẩn thận phiếu trả lời trắc nghiệm, không để phiếu bị rách, bị gập, bị nhàu vì máy không chấm những phiếu này.
Nộp bài
Ngay sau khi hết giờ thi, thí sinh phải ngừng làm bài, chờ nộp phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm và đề thi. Thí sinh không nộp lại đề thi và giấy nháp sẽ bị xử lý kỷ luật qui định trong Qui chế thi.
-
VietNamNet