(VietNamNet) - Mặc dù hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 (giấy báo điểm) đang trên đường tới tay thí sinh, nhưng nhiều trường đã "nhoài" ra đón thí sinh, bỏ qua những quy định nghiêm ngặt của quy chế tuyển sinh.
Ưu tiên hồ sơ đến trước
Quy định chỉ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) qua đường bưu điện và trong thời hạn từ 25/8 đến 10/9 có vẻ đã lạc lõng khi hiện nay, hầu hết các trường dân lập không tổ chức thi đã sẵn sàng bố trí phương án nhận hồ sơ của thí sinh tại trường.
Thông báo của trường ĐH Mở-Bán công TP.HCM cho hay: Trường có nhận hồ sơ trực tiếp. Trường ĐH dân lập Thăng Long (Hà Nội) cũng sẵn sàng đón nhận thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Chưa hết, lại có trường còn thông báo sẽ kết thúc nhận hồ sơ trước ngày 10/9.
Trong khi đó, trường ĐH dân lập Quản lý Kinh doanh Hà Nội xét tuyển "hổng giống ai": Thông lệ, các trường thường tuyển NV2 theo cách căn cứ vào hồ sơ của thí sinh và lấy từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thế nhưng trường này lại xét tuyển theo cách ưu tiên cho những thí sinh đến nộp hồ sơ sớm, miễn là đảm bảo điều kiện: mức điểm tối thiểu bằng điểm sàn do Bộ quy định (và cũng là điểm trúng tuyển NV2) của Bộ GD-ĐT.
Một số trường phía Nam như ĐH Mở Bán công Tôn Đức Thắng, ĐH dân lập Hùng Vương, ĐH dân lập Hồng Bàng, ĐH dân lập Văn Hiến cũng có chủ trương nhận đến đủ chỉ tiêu thì thôi, nhưng ưu tiên cho các hồ sơ nộp trước.
Với các trường công lập, chỉ tiêu xét tuyển NV2 khá ít nên có xu hướng mau chóng kết thúc trước thời gian khai giảng của trường - ông Đoàn Phúc Thanh, trưởng Phòng Đào tạo Phân viên Báo chí Tuyên truyền cho hay. Còn với các trường "đón" thí sinh trực tiếp tại Phòng Đào tạo của trường cũng có cái lý không thể không chấp nhận: Trong khi nguồn tuyển thiếu, các trường lại đào tạo những ngành na ná như nhau, mức điểm xét tuyển giống nhau (bằng điểm sàn của Bộ) thì không có lý gì... "ngồi đợi ông Bưu điện chuyển hồ sơ đến". Mà nguy cơ cắt chỉ tiêu năm tới (cũng là nguồn sống còn của các trường) lồ lộ nếu mùa tuyển sinh này không lấy đủ thí sinh. Vậy là một quy định đã bị vượt rào mà quả là nếu có sự nhắc nhở thì cũng là... nhắc để vậy thôi!
Điểm sàn nửa vời
Năm 2001, năm đầu tiên thực hiện "ba chung", Bộ GD-ĐT đã có quy định "cứng": Các trường tuyển 80% NV1 và 20% dành để xét tuyển các NV2 và 3. Để rồi mùa xét tuyển năm đó, các trường nháo nhào và kêu gào về tỷ lệ "cứng" 80-20 bất khả thi này. Đến năm thứ hai, khi quy định xét NV1 và 2 cùng được xét đồng thời lại nảy sinh "ảo" giữa số thí sinh đã trúng tuyển.
Đến năm nay, rút kinh nghiệm, Bộ không can thiệp sâu vào chuyện tuyển sinh của các trường và thả dàn: Các trường muốn tuyển NV1 bao nhiêu thì tuỳ (miễn là trên điểm sàn). Lập tức, các trường đã làm "gọn" luôn: Tuyển đủ cả 100% chỉ tiêu NV1, hoặc lấy mức điểm chuẩn bằng mức điểm sàn. Như các trường ĐH dân lập Phương Đông, ĐH dân lập Quản lý Kinh doanh Hà Nội, hầu hết các ngành đều có mức điểm chuẩn như điểm sàn. Lý do đưa ra: Ưu tiên cho thí sinh có nguyện vọng vào trường mình trước, bởi đây là những thí sinh ngay từ khi đăng ký dự thi đã cân nhắc và lựa chọn trường. Theo ông Phạm Khắc Di, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH dân lập Phương Đông, năm nào trường cũng có khoảng 20-30% sinh viên năm thứ nhất "rơi rụng" đi vì năm trước vào ĐH theo kiểu "tìm chỗ trú chân", năm sau thi đỗ trường khác hoặc du học.
Trong khi đó, việc đặt điểm sàn của Bộ GD-ĐT, theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, là "quan tâm tới những thí sinh điểm cao nhưng trượt các trường ĐH đợt I". Thế nhưng điều gì đã xảy ra sau khi điểm sàn được công bố? Hàng loạt các trường đã lên phương án tuyển hết 100% NV1 và công bố điểm chuẩn ngay sau đó mà không "lăn tăn" gì tới điểm sàn. Cũng có số ít các trường tuyển NV2 với những tên ngành, tên trường "ngon lành" và mức điểm thông báo cũng ở tầm "đón các thí sinh có điểm cao nhưng trượt NV1", nhưng số chỉ tiêu này cực ít.
Hào phóng như ĐH Luật Hà Nội khối A cũng tuyển 120 chỉ tiêu cho thí sinh từ 18,5 trở lên. Hiếm hoi hơn là các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội và ĐH QG TP.HCM: Xu hướng của các trường này là đón thí sinh thi vào trường mình nhưng đã trượt ngành khác. Vì vậy, tiêu chí đặt điểm sàn để đảm bảo thí sinh điểm cao được vào ĐH lại không đi kèm những điều kiện ràng buộc khác đã khiến không ít thí sinh chưng hửng.
Đã xin, ắt... có cho?
Hiện nay, Ban chỉ đạo Tuyển sinh đã nhận được đề nghị của một số trường ĐH cho phép hạ mức điểm sàn xét tuyển xuống dưới mức quy định của Bộ (14 với khối A, D và 15 với khối B, C). Có lẽ, đây sẽ là những trường thuộc diện "đặc biệt" theo thông báo về điểm sàn của Bộ GD-ĐT hôm 12/8: Một số trường ĐH có khó khăn trong xét tuyển các NV 2 và 3, các trường đặc thù, trường đóng ở địa bàn dân tộc, vùng miền núi, vùng cao, hay một số trường đóng ở địa bàn có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nếu thiếu chỉ tiêu trầm trọng sẽ có đề nghị và trình Bộ trưởng GD-ĐT ấn định một mức điểm sàn khác.
Hiện nay, các trường được xem là "đóng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa" như ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên đã có mức điểm chuẩn bằng mức điểm sàn. Trường ĐH Tây Nguyên thông báo xét tuyển NV2 với khoảng 600 chỉ tiêu cũng bằng mức điểm sàn. Trường ĐH Tây Bắc thì đang lên kế hoạch điểm chuẩn của ba ngành, các ngành khác cũng đã có mức điểm chuẩn tối thiểu từ 14 trở lên. Như vậy, số các trường "chờ đợi điều đặc biệt" chủ yếu rơi vào các trường ĐH dân lập phía Nam. Việc "xin" này, phải đến ngày 10/9, tức là sau khi kết thúc xét tuyển đợt 2 mới "hậu xét".
Nếu quả có việc hậu xét sau 10/9, tức là có “sàn” mà vẫn phải có ngoại lệ cho một vài khu vực, một vài trường ĐH khó tuyển, tức là có nhiều mức “sàn” khác nhau thì điểm sàn đâu còn ý nghĩa!
Vấn đề là Bộ GD-ĐT có dũng cảm thực hiện “sàn”, lấy “sàn” làm "ngưỡng tối thiểu để vào ĐH", chấp nhận cả tình trạng một số trường ĐH không thể tuyển đủ chỉ tiêu, không để có quá nhiều ngoại lệ bên cạnh điểm sàn?
-
Hạ Anh