(VietNamNet) - Trường ĐH dân lập đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên: ĐH dân lập Yersin Đà Lạt vừa có quyết định thành lập ngày 1/10. Trường được sáng lập bởi Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Lâm Đồng do PGS-TS sinh học Phạm Bá Phong làm chủ tịch. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Bá Phong xung quanh công tác chuẩn bị của trường. Ông Phong cho biết:
Sang tuần tới, đại diện Hội đồng quản trị lâm thời sẽ trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phương án tổ chức. Sau khi Bộ ra quyết định thành lập Hội đồng quản trị (7 thành viên); công nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (cử nhân Nguyễn Bào); công nhận chức danh hiệu trưởng (PGS-ST Phạm Bá Phong), trường sẽ xin mở các ngành tuyển sinh.
- Ông có thể cho biết cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường?
Trường hợp tác với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sử dụng trên 4.000 m2 phục vụ lớp học; một viện thực nghiệm sinh học 1.500m2; 9000m2 dùng để sử dụng vào các hoạt động thể dục thể thao. Ngoài ra, cơ sở chính của trường đặt tại số 1, Tôn Thất Tùng, phường 8, Đà Lạt có một nhà làm việc hành chính 650m2, 6 dãy nnhà trên 3.000m2 làm giảng đường, lớp học. Như vậy, tính cả hai nơi sẽ có khoảng 7.000 ha phục vụ lớp học.
Trường đã liên hệ được giáo viên ở TP.HCM và trong cả nước và có 31 giảng viên, giáo sư đồng ý làm giáo viên “cơ hữu” của trường; ký hợp đồng với trên 50 giáo viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên “thỉnh giảng”
- Trường dự kiến mở những ngành nghề nào, cụ thể là trong năm 2004-2005?
Dự kiến sẽ có 3 chương trình tuyển sinh. Chương trình 1: Các ngành công nghệ thông tin; Năng lượng và Môi trường; Kiến trúc và Xây dựng (khối A). Chương trình 4: thuộc các ngành kinh tế: Quản trị kinh doanh; Kinh tế đối ngoại; Kinh tế nông lâm nghiệp; Du lịch. Chương trình 7: Gồm 2 chuyên ngành: Ngoại ngữ và Quan hệ quốc tế.
Do mới thành lâp nên trường trình xin tuyển 700 chỉ tiêu trong năm học này, trong đó, chương trình 1: 250; chương trình 4: 350 và chương trình 7: 100 chỉ tiêu. Nếu được chấp nhận, trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển vào cuối tháng 10 này.
Trường cũng đã dự phòng, nếu chưa được phép tuyển sinh trong năm nay thì sẽ làm công tác ổn định khoa, các ngành; có thể liên kết với các trường ĐH phía Nam để chuẩn bị tổ chức đào tạo và công tác tuyển sinh vào năm sau 2005-2006. Trước mắt, trường sẽ liên kết với các trường kinh tế, CNTT, Kiến trúc…
- Hiện nhiều trường dân lập mở ngành nghề nhưng không đủ thí sinh lại phải ngưng tuyển sinh. Vậy vì sao trường lại quyết định đào tạo những ngành nghề này?
Những ngành nghề này sau khi ra trường sinh viên dễ kiếm được việc làm. Hơn nữa sản phẩm trường đào tạo ra là những sản phẩm “công nghệ” chứ không phải là “cơ bản”.
- Ngoài ra, nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo hệ ĐH, trường còn dự kiến gì vào những năm tới?
Sau khi đã ổn định công tác tuyển sinh ĐH, trường dự kiến bước 2: trình phương án thành lập trường THPT chất lượng cao – gần như là nơi đào tạo nguồn cho ĐH; rồi mở rộng quan hệ hợp tác với các trường nước ngoài….
-Xin cảm ơn ông!
-
Cam Lu (thực hiện)