Nói, nghe tiếng Anh ở... Anh
Phần lớn người học tiếng Anh vẫn xem nói là kỹ năng không khó lắm vì hầu như ai học cũng nói được (ít hay nhiều) và có vẻ ai cũng hiểu mình, ngay cả đối với giáo viên nước ngoài!
Luyện phát âm với giáo viên bản xứ (ảnh: T.P) |
Ở Anh nửa năm, tôi thấy rằng "nói" không dễ như mình nghĩ và cũng hiểu được nguyên nhân vì sao "nghe" (nhất là nghe đài) vẫn là khâu đáng sợ của phần lớn sinh viên ở Việt Nam.
Thời gian đầu, không ít lần tôi phải lặp đi lặp lại với người nghe địa chỉ tôi ở và tự thắc mắc mình nói rõ như vậy sao họ vẫn không biết. Cuối cùng, tôi hiểu ra rằng đã phát âm không chính xác tên vùng. Chỉ cần mình đọc sai một âm là người bản ngữ không thể hiểu được.
Trong lớp học, giảng viên nói thật nhanh nhưng hầu như ai cũng hiểu và theo kịp nhưng khi sinh viên nước ngoài phát biểu thì mọi người phải chịu khó lắng nghe hơn mới có thể theo kịp. Sau một thời gian, tôi cũng dần quen với giọng tiếng Anh của châu Phi, tiếng Anh của người Ấn Độ, tiếng Anh của châu Mỹ La tinh, tiếng Anh giọng Trung Quốc...
Và tôi thật sự nể phục các giảng viên khi họ có thể hiểu được tất cả lời phát biểu của sinh viên nước ngoài dù hầu như ai cũng có những từ phát âm sai hoặc không chính xác và nói tiếng Anh theo giọng của... tiếng mẹ đẻ.
Về phát âm, tiếng Việt không có âm cuối nên khi nói tiếng Anh, đa phần chúng ta thường để mất âm cuối. Dù có nói nhanh đến đâu, người Anh vẫn phát âm rất rõ những âm cuối. Trong tiếng Anh, có nhiều từ khi phát âm chỉ khác nhau ở âm cuối, vì thế nếu chúng ta để mất âm cuối, họ sẽ không hiểu hoặc hiểu lầm.
Điều này thấy rõ nhất khi một trẻ em Việt Nam chưa biết nói tiếng Việt, sống và học tập trong môi trường tiếng Anh, chúng thường có khuynh hướng nói tiếng Việt... có phát âm âm cuối! Chẳng hạn khi nói "tạm biệt", đứa bé sẽ phát âm từ "biệt" có "th".
Cũng tương tự như vậy khi chúng ta nghe người châu Âu nói tiếng Việt. Nghe và nhận diện chính xác một từ tiếng Anh không phải là điều đơn giản, nhất là đối với những từ khó. Đây cũng là một thách thức đối với cả người bản ngữ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà truyền hình ở Anh có chương trình "Hard Spelling", đòi hỏi thí sinh phải đánh vần từng chữ cái của một từ chỉ được nghe một lần.
Ngoài ra, trọng âm (stress) cũng là một vấn đề quan trọng trong tiếng Anh. Tiếng Việt chỉ có trọng âm trong câu/phát ngôn, còn tiếng Anh lại có trong từ. Vì thế, khi nói, chỉ cần nhấn âm không chính xác, người nghe sẽ không hiểu.
Thật ra, những vấn đề trên hoàn toàn không mới đối với bất kỳ ai đã và đang học tiếng Anh. Vấn đề là chúng ta thật sự ít quan tâm đến chúng, nhất là khi sử dụng tiếng Anh... trong nước.
Ra nước ngoài, đặc biệt ở các nước nói tiếng Anh, đây thật sự là vấn đề sống còn vì làm sao khi mình nói, mọi người dù ở địa vị nào (môi trường giao tiếp của du học sinh đâu chỉ là trường học) cũng đều có thể hiểu được và ngược lại, có thể nghe dễ dàng những gì người bản ngữ nói. Nói đúng sẽ nghe dễ dàng hơn.
Một điều cũng đáng chú ý là mức độ khó trong việc nghe tiếng Anh ở Anh được các du học sinh đúc kết theo trật tự tăng dần: trường học nghe dễ nhất; thư viện, ký túc xá khó hơn một chút; siêu thị, chợ, cửa hàng, đường phố... đôi khi phải chào thua!
-
Thùy Ngân (Nguồn: Thanh Niên)