221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
1309140
Giáo viên thu tiền trường theo... lệnh
0
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Giáo viên thu tiền trường theo... lệnh
,

- Thường giáo viên ít lên tiếng hoặc "muốn có lời" phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng. Qua diễn đàn "lạm thu", VietNamNet nhận được rất nhiều ý kiến của giáo viên từ khắp mọi miền đất nước. Họ nói về lương không đủ sống, "hé lộ" những câu chuyện "buộc phải làm" để rồi...chiềng mặt để nghe dư luận mổ xẻ về "nhiều khoản thu" mà không sao giải thích thấu đáo. Hãy nghe họ nói về ngoài công việc chính "dạy chữ" họ phải "ngậm miệng" thu tiền. Họ oan?

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi làm theo lệnh!

a
Học sinh vào năm học mới (Ảnh Phạm Hải)
Bạn đọc Minh Thu (Nam Định) chia sẻ, là giáo viên - mỗi lần họp phụ huynh đầu năm là chúng tôi căng thẳng. Con- cháu chúng tôi đi học thì cũng phải đóng y như thế chứ có ít hơn đâu... Còn chúng tôi - giáo viên, kể cả công thu tiền của học sinh cũng không được trả, thậm chí nếu chẳng may có nhầm chỗ nào thì tự bỏ tiền lương ít ỏi của mình ra mà đền.

Với hai vai vừa là giáo viên và phụ huynh, bạn đọc Thảo Nguyên (Bình Phước) trăn trở, đọc bài về việc lạm thu ở các trường công tôi thấy chạnh lòng. Trường tôi nằm ở một vùng miền núi. Có thu Quỹ phụ huynh nhưng năm ngoái là 30.000 đồng/ năm học. Còn năm nay thu 50.000 đồng chi quà Tết, 20/11 và 8/3 cho giáo viên. Mức dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/ giáo viên và do Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh quyết định. Còn lại là tiền khen thưởng học sinh vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học. Các khoản được công khai vào cuối năm học. Tôi nghĩ nếu nhà trường công khai rõ ràng các khoản thu chi thì sẽ không có vấn đề gì.

Ban đọc Nguyễn Doãn Hùng, Gia Lai: Tất cả các khoản lạm thu mà báo chí và các vị phụ huynh phản ánh là có thật, điều này ai cũng biết. Nhưng xin đừng đổ lỗi lên hai chữ thiêng liêng "giáo viên". Tôi là một phó hiệu trưởng, vậy mà tôi cũng thấy xót xa khi học sinh trường tôi phải đóng 50.000 đến 100.000 tiền quỹ hội, trong khi phải chứng kiến gia cảnh khó khăn của các em, nhưng... Tôi nghĩ để giải quyết dứt điểm chuyện lạm thu trong các nhà trường không khó, và Bộ GD-ĐT cũng phải có trách nhiệm trong việc này.

Có vợ làm giáo viên THPT và con đang học tiểu học, bạn đọc Hà Trần (Thái Nguyên) kêu gọi, chúng ta hãy thông cảm phần nào cái khó của giáo viên vì bản thân họ cũng không muốn đứng ra làm cái việc thu tiền này đâu. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ giáo viên lợi dụng. Các chính sách các khoản thu sinh ra là do lãnh đạo nhà trường, giáo viên phải vận động phụ huynh nộp và đứng ra thu tiền là để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành chỉ tiêu. Chống lại lãnh đạo thì ai bênh mình đây?

Bạn đọc Trần Quý Quỳnh, TP.HCM tâm sự "là một giáo viên tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng khi đọc những bài báo lạm thu tôi rất chạnh lòng. Nhưng xin hỏi, khi quý vị làm ở các công ty (dù tư nhân hay nhà nước) - cấp trên bảo gì quý vị có làm nấy không hay quý vị cãi lại?. Chúng tôi chỉ là những người làm theo LỆNH!. Dẫu biết nhiều khoản thu bất hợp lý, song có ai trong quý vị chống lại lãnh đạo không? Trong môi trường công ty, quý vị không làm chỗ này còn chỗ khác. Còn giáo viên như chúng tôi chỉ có nước nghỉ ở nhà, nếu phản ứng. Vậy ai sẽ lo cho gia đình chúng tôi?

Đồng quan điểm, bạn đọc Bảo Trung nói: người thân của tôi làm giáo viên nên rất hiểu là những giáo viên chủ nhiệm chỉ là một phần thừa hành mà những ông (bà) hiệu trưởng yêu cầu làm. Họ không thể đấu tranh mãi với sếp khi mà không có ai bảo vệ.

"Đứng lớp mười năm nay, mỗi khi bước vào năm học mới tôi thấy bức xúc khi đọc những chuyện như thế này. Một sự việc mà bao năm trôi qua rồi, ngành giáo dục cũng không giải quyết nổi. Vấn đề là ngành giáo dục đã không tìm được sự đồng thuận của xã hội, mà xuất phát điểm là một cơ chế không minh bạch, lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa giáo dục. Ai là người hưởng lợi từ những nguồn thu ngoài ngân sách ấy? Tôi mong sao ngành giáo dục giải quyết dứt điểm vấn đề này". Bạn đọc Nguyễn Duy Dư (Pleiku, Gia Lai) mong mỏi.

Lương thấp phải thu thêm phụ phí?

Bạn đọc Trâm Trần (Đà Nẵng) kể, chị tôi cũng là giáo viên mầm non của một trường trong huyện. Lương tháng chưa tới 1,5 triệu, mặc dù đã dạy được 4 năm. Trong khoản lương đó, hàng tháng chị tôi phải đóng tiền quỹ này - quỹ kia hết khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Thế nhưng, chị tôi cũng như nhiều giáo viên khác phải đi dạy từ lúc 6 giờ sáng và về nhà 6 giờ tối. Vậy mà, một tháng nhà trường thu thêm của phụ huynh 200.000 đồng để phụ cấp ăn cho các cháu thì nhiều phụ huynh nhao nhao "sao nhiều thế"?

Chưa kể, giáo án phải thay đổi liên tục vì nhà trường không cho phép dạy đi dạy lại giáo án cũ. Dụng cụ dạy học giáo viên cũng tự làm...Phải yêu nghề lắm mới theo, chứ nếu là tôi thì thà đi làm việc khác còn hơn bị la ăn bớt tiền của trẻ.

Là một giảng viên ĐH, bạn đọc Lê Xuân Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm "tôi đồng ý là đời sống của đại bộ phận giáo viên trong xã hội ta hiện nay là rất thấp. Nhưng không thể lấy đó là lý do để giải thích cho những khoản thu vô lý của các nhà trường, ở tất cả các bậc học".

Mặt khác, tôi không đồng tình với quan điểm của các thầy cô có ý ủng hộ việc nhà trường thu những khoản "phụ phí" để làm nguồn ngân sách dùng vào việc tạo ra những phúc lợi nhỏ động viên giáo viên trong những ngày lễ Tết, và ủng hộ việc phụ huynh học sinh tặng những món quà cho giáo viên trong những ngày này. Tôi cho rằng, lẽ ra, các thầy phải là người hướng học sinh, sinh viên học theo lối sống tiến bộ.

Dù lương tôi thấp, cũng không có quà của sinh viên nhưng tôi không chạnh lòng. Nên phải thừa nhận rằng, không thể dựa vào những "chiêu" thu phí vô tội vạ để nâng cao đời sống giáo viên. Mà phải dựa vào những chính sách lớn của nhà nước. Nếu chính sách chưa thoả đáng - "anh" không đồng ý thì hãy đi làm những việc khác. Khi thiếu giáo viên, mà nhu cầu cho con đi học cao thì những chính sách sẽ phải thay đổi?

Tham gia ý kiến trên diễn đàn, bạn đọc Trần Châu, Hà Nam bộc bạch, là một giáo viên cấp 3 và chủ nhiệm lớp 12 ở một huyện nghèo nhất tỉnh. Trường tôi bắt đầu dạy phụ đạo cho học sinh vào buổi chiều. Nhà trường dự kiến 1 năm học 4 đợt phụ đạo, mỗi đợt 22 buổi gồm 8 môn (Văn, Toán, Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ) 4.500 đồng. Một năm mỗi học sinh phải đóng tiền học thêm cho trường là: 22 x 4.500/buổi x 4 đợt = 396.000 đồng.

Khi tôi thông báo khoản thu nêu trên thì có học sinh con nhà nông ở một huyện nghèo thốt lên "chưa bằng 2 tháng học thêm ở trung tâm của em!". Thử làm phép tính, với 396.000 đồng/ năm/ 1 học sinh mà chi cho giáo viên của 8 bộ môn trên 80% còn 20% chi vào các vấn đề khác thì hỏi giáo viên được bao nhiêu mà kêu lạm thu.

Liên tục là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chọn của trường. Năm nào, khi các em nộp hồ sơ thi ĐH tôi luôn tìm hiểu xem các em thi trường gì thì 90% các em nói: sẽ không thi sư phạm vì làm giáo viên nghèo và vất vả. Vậy các vị phụ huynh đã bao giờ nghĩ mình "kêu" là đúng?.

Tiền trường chảy đi đâu?

Bạn đọc Teo (Thanh Hóa) phàn nàn, giáo viên chúng tôi chỉ thu tiền khi đại diện Hội cha mẹ học sinh và Ban Giám hiệu thống nhất. Và có thể khẳng định, chúng tôi chỉ thu hộ thôi vì nhiệm vụ chính là dạy học chứ có muốn làm việc này đâu. Nhưng làm giáo viên chủ nhiệm thì phải thu và nộp về quỹ thế là hết nhiệm vụ. Chi tiêu thế nào không phải là việc của chúng tôi.

Từ Hà Nội, bạn đọc Trần Hảo chia sẻ "tôi cũng là 1 giáo viên, ngoài lương nhà nước thì chúng tôi chẳng được hưởng gì ở cái mà các vị gọi là lạm thu ấy cả".

Một giáo viên sau 13 năm đứng lớp với mức lương hợp đồng khiêm tốn nhưng khẳng định "vẫn theo nghề". Tôi cũng hiểu đôi chút về các khoản thu của nhà trường. Các khoản thu, có thể là hợp lý nếu được đưa ra bàn thảo thực sự vì cuối cùng lại phục vụ cho thầy và trò. Song ở đây, các khoản thu hầu như là bị áp đặt cho phụ huynh. Giáo viên thu thì cũng theo lệnh trên thôi không thu được cũng bị nhắc nhở trừ thi đua.

Bạn đọc Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (giáo viên một trường THCS huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết, đầu năm trường tôi cũng thu rất nhiều khoản thu theo quy định lẫn những khoản thu thêm khoảng hơn 800.000 đồng.

Tuy thu nhiều như vậy nhưng chúng tôi những giáo viên trong trường không được hưởng bất kỳ một khoản nào ngoài lương. Thậm chí khi chúng tôi tham dự hội giảng còn phải bỏ tiền túi để chuẩn bị cho tiết dạy như phô tô tài liệu, in tranh ảnh, thuê máy chiếu....

Là giáo viên vùng đặc biệt khó khăn với 8 năm công tác, lương gần 3 triệu - bạn đọc Nguyễn Phong Cầm (Mường Khương. Lào Cai) cho hay, ngoài lương không có thêm khoản nào khác. Thậm chí còn phải trích lương để đóng các loại quỹ hoặc khai giảng năm học mới hay 20/11, kể cả khai giảng năm nay (2010) vẫn phải đóng 100.000 đồng/ giáo viên để làm cơm mời đại biểu đến dự. Tết đến các ngành rộn ràng khen thưởng, còn chúng tôi ư? May mắn thì được "một tờ Lịch" mua chợ Trời in thêm dòng tên trường và chữ kính tặng.

Mới đây có "quan giáo dục" nói lương giáo viên cao ngất, xếp thứ 2 trong thang bảng lương lại thấy sự vô trách nhiệm với nhà giáo - Những người vẫn ngày đêm âm thầm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tổ quốc. Có lẽ họ không sống bằng lương?

  • N.Hiền (tổng hợp)

    Mong những nhà giáo có lòng tự trong, có lương tâm và có trách nhiệm đừng hiểu lầm bài báo. Bởi vì tác giả họ cũng thừa biết rằng, các khoản thu đều do cấp lãnh đạo ’’ra lệnh ’’ chứ họ không có hàm ý ’’cạnh khóe’’ các nhà giáo có nhân cách, có nhân tâm, có lòng tự trọng. Mong các nhà giáo hãy hiểu rộng một chút đừng tự dằn vặt mình, đừng trách tác giả vội.

    Có một điều đáng phải bàn là chuyện học thêm và dạy thêm. Chính đó mới là những áp lực cho cả phụ huynh lẫn học sinh, không học thì sợ bị trù dập, còn đi học thì gia đình sẽ gặp khó khăn về tài chính, các cháu quá tải về thời gian về sức khỏe. Điều đó mới là điều các nhà giáo nên suy ngẫm. Đành rằng giáo viên bỏ công sức để kiếm tiền, còn học sinh đi học thì phải mất tiền. Song hãy nên để các bên đều tự nguyện và đều cùng chung quan điểm và cùng có lợi thì hãy làm - đó là tâm nguyện của phụ huynh học sinh chúng tôi.

    • Chu Long (Hàng Kênh, Hải Phòng)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,