- Công văn yêu cầu Sở GD - ĐT các địa phương phối hợp với Liên đoàn Vovinam Việt Nam tuyên truyền phổ biến rộng môn Vovinam và đưa môn Vovinam vào chương trình thể thao ngoại khóa ngày 21/7 lập tức dấy lên nhiều phản ứng khác nhau trong làng võ.
Bạn đọc Rồng Vàng "xin phép được mạo muội đặt ra 5 câu hỏi và mong có sự giải đáp rõ ràng với ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Học sinh Sinh viên - người đã ký quyết định này".
Hình ảnh tập luyện của môn phái vovietnam. |
1 - Xin hỏi, liệu trước lúc đặt bút ký công văn đưa môn võ Vovinam vào trong chương trình phổ thông và yêu cầu phối hợp thực hiện, ông có biết, hiện nay, có bao nhiêu trường tiểu học, THCS,THPT, cao đẳng và đại học trong cả nước đang có các câu lạc bộ võ thuật hoạt động và hoạt động tốt không?
Và đặt trường hợp là "có biết" thì tôi xin được hỏi: Ông đã khi nào hình dung được các CLB võ thuật đang hoạt động ấy sẽ phản ứng như thế nào với các CLB Vovinam mới được thành lập theo quyết định của ông?
Ở đây, tôi chưa muốn nói đến những sự phản ứng và kỳ thị lớn hơn có thể có từ các môn phái lớn khác với suy nghĩ bị chen lấn, o ép, cạnh tranh không bình đẳng?
2 - Điều tiếp theo, ông có biết trong nước ta, hiện có bao nhiêu môn phái võ cổ truyền? Và môn võ Vovinam liệu đã phải là môn võ cổ truyền chính thống được các nhà khoa học, các nhà sử học với các luận chứng khoa học cụ thể để chứng minh hay chưa? Vậy, chúng ta nên phát triển môn Vovinam với một hướng khác chứ không phải bằng cách áp đặt cụ thể.
3. Mong muốn lớn nhất của Đảng, Chính phủ cùng tất cả người dân Việt Nam là mong muốn bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cổ truyền người Việt.
Nhưng bảo tồn và phát triển như thế nào là một vấn đề, mà vấn đề đưa một môn võ cụ thể vào các trường học đến với các đối tượng là các em học sinh, sinh viên trong cả nước thì không khác gì gián tiếp thừa nhận đây là môn “Quốc võ”. Mà đã là một cái gì đó đại diện cho một quốc gia thì cần phải được nghiên cứu, thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi trong quần chúng nhân dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó mới đi đến phê duyệt và quyết định.
Vậy, quyết định trên đã đạt được những yêu cầu tối thiểu trên hay chưa? Chỉ vấn đề chọn loại hoa nào làm “Quốc hoa”, loại rau nào là “Quốc rau” cũng đã có bao nhiêu sự nghiên cứu và tham luận chứ huống gì là “Quốc võ”!
4- Và như ý kiến của ông, đến năm 2012, dự kiến sẽ đưa môn thể thao dân tộc này vào chương trình thi đấu chính thức từ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 8 (2012). Mục đích này có phải là điểm nhấn để đẩy nhanh việc thực hiện hóa chỉ đạo của quyết định đưa Vovinam vào trường học hay không?
Nhưng tôi xin hỏi: Thời gian 2 năm thì các em đã học được những gì để có thể tham dự hội thi? Và Hội khỏe Phù Đổng sẽ dành cho những đối tượng tập luyện nào tham gia? Và ông có hiểu tại sao, chúng ta tổ chức một hội thi như vậy lại lấy tên gọi của vị anh hùng Phù Đổng?!
Và bây giờ đi vào thực tế sẽ triển khai, những giáo viên thể dục các trường sẽ được cử đi tập huấn, vậy tập huấn trong thời gian bao lâu thì đủ?
5 - Cũng từng là sinh viên, nay là giáo viên thực tế tôi biết, không phải giáo viên thể dục nào cũng có năng khiếu thể thao chứ chưa nói là năng khiếu võ thuật.
Vậy muốn có những giáo viên có đủ khả năng và kiến thức võ thuật để truyền dạy võ thuật phù hợp theo cấp độ tuổi cho các em thì phải làm thế nào?
Nếu không thì chính những người thầy đó sẽ làm trò cười cho mọi người, cho một môn võ tạm gọi là “Quốc võ”, vì trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi vấn đề rất dễ bị so sánh, bình luận và thắc mắc, nhất là với các em học sinh, sinh viên.
Bởi theo tôi biết, quy trình đào tạo của Bộ GD - ĐT tại các trường Đại học Thể dục –Thể thao chuyên nghiệp cũng cần thời gian bốn năm để có những giáo viên chuyên về các môn như bóng rổ, bóng bàn, điền kinh, võ thuật…
Tôi thấy, để đẩy mạnh phong trào xã hội hóa thể thao, phải có một lộ trình rõ ràng mà vấn đề cụ thể đang thảo luận ở đây là đưa một môn võ vào trong các trường học thì cần phải chậm lại. Nếu có thì tạm thời khuyến khích các môn võ có lịch sử truyền thống và có ưu thế tại các địa phương thực hiện thí điểm để có sự lựa chọn và sàng lọc.
Sau đó, nếu có đưa môn võ thuật vào trường học thì đưa vào cấp học nào? Môn võ gì? Và điều quan trọng hơn là các giáo trình tập luyện phải kèm theo các báo cáo khoa học luận chứng, lập chứng cụ thể.
Mà trước khi đưa ra một quyết định như vậy thì phải có sự bàn bạc thống nhất giữa Bộ GD - ĐT với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, các nhà văn hóa, nhà khoa học, các môn phái võ thuật cổ truyền lâu đời ở Việt Nam như Bình Định, Nhất Nam…cùng với các ban ngành liên quan khác.
Tôi có mấy ý kiến trên kính gửi tới ông, hy vọng được ông xem qua và có ý kiến cụ thể, để quyết định này và các quyết định khác của ông không làm xáo động thêm môi trường giáo dục.
Vovinam - Việt Võ Đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng lúc này hoạt động âm thầm, đến 1938 mới đem ra công khai, trên cơ sở võ học cổ truyền Việt Nam, đồng thời ông đề ra chủ thuyết "Cách mạng Tâm Thân" để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần. Vovinam là cách viết tắt của cụm từ "Võ Việt Nam" để dễ đọc. Bên cạnh việc tập luyện võ thuật, binh khí, các võ sinh còn tập luyện nhuyễn công, khí công và coi trọng việc trau dồi nhân tính. Vovinam có đòn bay cao kẹp cổ nổi tiếng, luôn có mặt trong các buổi biểu diễn. Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam Việt Võ Đạo được phát triễn qui mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh ở nhiều nơi trên thế giới. (Theo wikipedia) |
-
Rồng Vàng
Phần 2: Đón xem ông Ngũ Duy Anh trả lời và giới võ lên tiếng như thế nào?