(VietNamNet) - Làng sinh viên (LSV) Hancinco đã trở thành điểm dừng chân của nhiều sinh viên trong suốt 4 năm học. Hiện tại, nhiều cư dân làng, bên cạnh “an cư học tập”, còn mong muốn có một sự đổi mới để LSV mơ trở thành niềm ước cho sinh viên xa nhà…
Ở trọ ngoài phức tạp, nhiều sinh viên đã coi làng là một điểm "tập kết" |
Hiện nay, trong làng nhiều phòng phổ biến hoạt động “sàn bình dân” này.
LSV cũng là nơi nhiều đôi uyên ương chọn để ở. Sẽ rất tiện để “góp gạo thổi cơm chung” mà không bị bàn dân thiên hạ đàm tiếu. Nếu KTX chỉ được ăn cơm ở căng tin hay ăn quán bên ngoài thì làng Hacinco dành cho SV một chỗ để nấu nướng trong phòng.
Đến giờ ăn, phòng 206 lại nhộn nhịp. Người góp gạo, người góp thức ăn, chia nhau nấu nướng... cũng đủ tạo thành một bữa ăn vui vẻ. Một số người chỉ cần một nồi cơm điện, vừa nấu cơm, rán trứng, nấu canh, luộc khoai…
Ngọc Hà kể: “Thời gian ôn thi, chuyện ăn uống phòng mình là rôm rả nhất, được nghỉ ở nhà suốt nên thường nấu ăn. Cả phòng góp tiền chung, mỗi đứa 1 nhiệm vụ: đi chợ, nấu ăn, rửa bát. Vui lắm”.
Trước cổng làng còn có một đội ngũ xe "ôm" khoảng 10 người. Chú Phương, một xe "ôm" cho hay, nhiều SV chú biết mặt, biết tên, biết cả quê quán và hiện đang học năm mấy trường nào. Khách quen nên nhiều đứa cứ nằng nặc nhờ đưa đi. Nhiều lúc như thế, không nỡ lấy giá cao.
Từ năm 2007, ban quản lí đã thắt chặt thêm an ninh trong làng bằng cách cấm bạn lên chơi vào ban ngày, trừ cuối tuần, còn buổi tối được chơi từ 6h đến 9h30. Sinh viên sau 11h đêm là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Một bảo vệ kể, cứ hơn 10h đêm, chú phải đi “quét” ban công một lần. Từ tầng 3 đến tầng 7 thường ít người đi cầu thang bộ, nên đó trở thành nơi các đôi tâm sự. Các cô cậu quấn quýt nhau quá đến nỗi quên cả thời gian cấm cửa. Chú đành phải đích thân lên gọi xuống.
Hay chuyện cô SV Th. xinh xắn toàn bị các chàng đến trồng cây si. Có những chàng si tình đến mức muộn rồi mà vẫn cứ lôi Th. xềnh xệch trước mặt các chú, bắt nói chuyện với mình bằng được. Th. dở khóc dở mếu phải nhờ đến các chú lôi anh ta ra ngoài.
Đổi mới làng... còn xa
Với nhiều dịch vụ kinh doanh như café, khách sạn, văn phòng cho thuê… dần dần LSV đi xa ý nghĩa cái tên đó. |
Thuỳ Linh sống trong làng tâm sự: “Qua nhiều năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Nhưng ban quản lý đã không kịp thời sửa chữa, nhất là khu vệ sinh. Thường thì bọn tớ phải đi năm lần bảy lượt mới có người lên sửa. Nhưng sửa xong nó lại hư…”.
Cường (ĐH Giao thông Vận tải) tâm sự: “Sống trong làng đã gần 3 năm, tớ thấy trước đây LSV để phục vụ cho SV thuê trọ và học tập còn bây giờ thì dần dần không còn mang đúng nghĩa cái tên LSV nữa. Hiện nay trong làng có các hình thức dịch vụ kinh doanh như café, khách sạn, văn phòng cho thuê… ”.
Liên (Học viện Hành chính quốc gia) cho biết: “Việc có các dịch vụ tổng hợp đó bọn tớ cũng không có ý kiến gì. Vì dù sao, đây cũng là doanh nghiêp, đặt lợi nhuận lên hàng đầu là lẽ dĩ nhiên. Nhưng sẽ tốt hơn nếu những cơ sở vật chất trong các phòng được sửa lại một cách đồng bộ”.
Lí giải về điều này, ông Đinh Đại Cồ, Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ và kinh doanh nhà LSV cho biết: "LSV không phải như kí túc xá được bao cấp mà là hình thức kinh doanh hợp đồng nhà ở có tính chất ưu đãi. Nếu chúng tôi không mở các dịch vụ khác thì bao giờ bù được lỗ".
Tuấn (ĐH Ngoại thương) nói: “Tớ chỉ mong đợi LSV hoàn thiện khu giáo dục thể chất cho sinh viên có nơi tập thể dục ; xây dựng thêm một thư viện nho nhỏ để bọn mình có nơi yên tĩnh học hành”.
“Hiện nay LSV chỉ mới xây dựng xong giai đoạn 1. Trên thực tế dự án này nếu hoàn thiện sẽ có thư viện, nhà thi đấu đa năng, bể bơi.... - Ông Cồ phân trần.
Bà Lê Thị Mai Phương, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Hacinco nói thêm: “Công ty hiện đang kê gọi nguồn vốn của Nhà nước, vay vốn ngân hàng, huy động vốn của cán bộ nhân viên để hoàn thành nhà 17 – 21 tầng đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt. LSV cũng rất muốn thành phố giới thiệu thêm quĩ đất để làm tiếp dự án này, khắc phục nhà ở cho SV. Việc hoàn thiện LSV cần phải có thời gian”.
SV mơ đến một nơi ở hoàn thiện hơn, còn doanh nghiệp thì mong Nhà nước có phương pháp giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn. Liệu trong những năm tới Công ty Hacinco có qui hoạch lại LSV, hay sinh viên còn phải đợi chờ và những điều tốt đẹp về LSV “trong mơ” đó còn trên bàn giấy?
-
Phan Thị Hoài Thương (SV khóa 51, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)
Làng sinh viên |
Bắt đầu xây dựng từ cuối năm 1999 đến tháng 8/2001 làng đã đưa vào sử dụng 3 dãy nhà lớn 7 tầng. Hiện nay có 5 tòa nhà A,B,C,D,E. Làng có 175 căn hộ, 314 phòng, trung bình mỗi phòng 6 người/36m2, tiện nghi khép kín. Tiền thuê phòng trung bình mỗi người là 150 000/ tháng, cao nhất là 180 000 và thấp nhất là 128 000/tháng. Vé tháng xe đạp là 15.000/ tháng, xe máy là 25.000/tháng. Hiện nay, LSV có gần 2000 sinh viên sinh sống, công suất ở 98 %. |