(VietNamNet) - Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học, việc"an cư" lại trở thành vấn đề trăn trở với SV ngoại tỉnh. KTX các trường ĐH mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu SV. SV may mắn tìm được nhà trọ cũng phải chấp nhận thuê với giá cắt cổ.
Cung chạy xa không đuổi kịp cầu
Đỗ Thu Phương, SV HV Báo chí Tuyên truyền có em vừa đỗ ĐH Thương mại. Cả tháng nay, hai chị em chạy long sòng sọc tìm nhà trọ khu vực từ Cầu Giấy đến Cầu Diễn nhưng gần như vô phương. Cuối cùng tìm được 1 căn phòng vừa phải nhưng giá tận 900.000 đồng/tháng, đành cắn răng đặt cọc ngay 500.000 đồng.
Một phòng tại ký túc xá Trường ĐH Thương mại. Ảnh: Lan Hương
Còn bà Nguyễn Thị Lộc, chủ nhà trọ trên đường Giải Phóng, có đứa cháu ở quê ra học ĐH Kinh tế Quốc dân, không thuộc diện được vào KTX. Chạy đôn đáo không tìm được nhà trọ. "Muốn cho cháu về ở nhà mình mà cũng không được vì các SV thuê trọ nhất định không chịu đi", bà Lộc nói.
Giá rẻ, an ninh đảm bảo, thuận tiện tới trường là những lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng quá tải của KTX.
ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ có 450 suất ở KTX cho tân SV trong khi số lượng tuyển mới là hơn 2.000. ĐH Thương mại chỉ có vẻn vẹn 180 suất, chia đều có 9 khoa, mỗi khoa được 20 chỗ. Trường có sáng kiến sang thuê tạm KTX "hàng xóm" là ĐH Sân khấu Điện ảnh nhưng cũng chỉ được thêm 60 chỗ. Năm nay, ĐH Kinh tế quốc dân có được 800 chỉ tiêu KTX nhưng lại phải chi cho 4.000 SV.
KTX ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay có 1.550 chỗ ở cho SV (2 cơ sở), giảm hơn so với các năm trước. Phí KTX tăng từ 80.000 lên 90.000 đồng. KTX “hàng xóm” – ĐH Khoa học Tự nhiên ngay bên cạnh vẫn giữ nguyên giá 70.000/tháng.
KTX ĐH Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ở quận 2 dành hơn 700 chỗ cho SV năm nhất. Tại đây, có riêng khu giảng đường cho một số khoa, khá thuận lợi cho SV khi chỗ trọ và chỗ học chỉ cách vài chục bước chân. Tuy nhiên, SV tuyệt đối không được mặc áo sát nách, đồ bộ ở nhà ra khỏi hành lang dãy nhà ở!
Trong khi đó, phần nhiều những sinh viên GTVT năm thứ 2 phải chuyển xuống cơ sở 2. Ở đây, khu KTX “quá đát” cũ đã bị đập để triển khai xây dựng khu nhà 9 tầng làm giảng đường và KTX.
Bà Vũ Thị Liên, Trưởng BQL KTX Trường ĐH Thương mại Hà Nội cho biết: "Do chỉ tiêu rất hạn chế nên trường chỉ xét đối tượng 01 đến 06, miền núi, vùng sâu vùng xa. Còn lại, hầu hết đối tượng KV2 nông thôn đều không có cơ hội được vào KTX".
“Tuy vậy, rất nhiều sinh viên đã ở KTX, gặp trực tiếp cán bộ quản lý xin cho bạn bè, anh em mình, và ai cũng đưa ra hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở" – bà Ngoan, BQL KTX ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết. Ở KTX này đang có hơn 400 chỗ trống chờ chỉ tiêu từ trường xét về.
Đầu tư nhỏ giọt
Hầu hết, KTX ở TP.HCM hiện đều trong tình trạng xuống cấp vì phần lớn sử dụng những toà nhà tiếp quản từ trước chiến tranh.
Nấu cơm "chui" là thói quen của nhiều SV trong KTX. Ảnh: Thu Hương
KTX Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đầu tư trung bình hơn 100 triệu/năm nhưng số tiền này chỉ tạm đáp ứng sửa chữa cơ sở vật chất theo kiểu… cuốn chiếu, không thể đủ để sửa chữa, trang bị đồng loạt.
Năm nay, trường vừa được duyệt kế hoạch thay 120 giường tầng mới cho SV, vì số giường cũ có tuổi thọ hàng chục năm, không còn đảm bảo an toàn. Kế hoạch cần kíp không kém là xây lan can mái tầng 3 vẫn đang nằm… chờ. Ban quản lý (BQL) KTX cho biết, SV vốn hiếu động, leo trèo ra lan can nên mong xây gấp.
Theo ông Trần Văn Thành, BQL KTX nhà trường, năm nay, giá cả nhìn chung đắt đỏ so với mọi năm nên nhu cầu vào KTX để bớt chi phí chỗ ở của SV cũng cao hơn.
Tương tự, KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ có thể tu sửa từng phần và luôn trong tình trạng tận dụng hiệu quả đến cùng. Năm học mới này, số bàn ghế quá "đát" trong hội trường sẽ được tân trang. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạng mục cơ sở vật chất trong quá trình chờ nâng cấp.
Theo bà Bùi Thị Ngoan, BQL KTX nhà trường, mỗi năm chi hàng chục triệu đầu tư “tái kiến thiết” KTX là hết sức tiết kiệm, trong hoàn cảnh KTX cần nâng cấp nhiều.
Bà Vũ Thị Liên, Trưởng BQL KTX Trường ĐH Thương mại Hà Nội cho biết: "Nhà trường cũng đã đề xuất xây dựng lại 2 khu nhà KTX để tận dụng quỹ đất nhưng vẫn chưa được duyệt. Cải tạo lại nhà cũ nhiều khi còn khó khăn hơn xây mới hoàn toàn do vướng mắc về cơ chế".
Quan điểm của nhiều trường là phải ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ học tập trước, rồi mới đầu tư vào KTX.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Công tác Chính trị HSSV, Trường ĐH Giao thông Vận tải, bày tỏ: "Xây dựng KTX là một phần rất quan trọng trong chiến lược phát triển các trường, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh thu hút SV. Nếu SV còn phải loay hoay với "tư duy tồn tại", tức là lo ăn, ở sao cho rẻ mà tốt thì khó có thể tập trung học hành".
Cũng theo ông Chương, VN nên học tập mô hình của Trung Quốc, giao tự chủ cho các trường, cho phép trường vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để xây KTX. "Khi đó, trường chúng tôi sẵn sàng vay tiền để xây khu KTX đàng hoàng, phục vụ được số lượng lớn nhu cầu của SV"- ông Chương khẳng định.
-
Thu Hương - Lan Hương