Một cảnh quay lén. Ảnh: Tiền Phong |
Rúng động học đường
Đoạn video clip được H. quay vào cuối tháng 5/2007 và tung lên Blog ngày 30/5/2007. Entry (bài viết) trên Blog H. lập tức gây phẫn nộ giới Blogger. Câu chuyện được rỉ tai nhau gây nên sự tò mò và thu hút hơn 100 comment dưới entry này.
Cũng vào thời gian này, H. tiếp tục gửi đoạn phim cho trang web www.ngoisaoblog.com với những lời giới thiệu về mình: “E tên là H., đang học lớp 12, trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Em rất thích đi “đánh bóng mặt đường” với bạn em. Em rất thích ông xã em. Đó là…”.
Sự thiếu ý thức của cô bé lớp 12 đã gây phẫn nộ cho cư dân mạng. Nhiều người vào Blog H. để lại những dòng bình luận: “Bạn đã bán rẻ bạn bè”… Nghiêm trọng hơn, nhiều học sinh nam tại trường Lý Thường Kiệt khi biết chuyện này đã kéo đến lớp của H. đòi “nói chuyện phải quấy”.
Trước phản ứng quá dữ dội, H. đã xóa entry và viết một entry mới với tựa đề “entry xin lỗi” gửi đến các nạn nhân của mình. Cô cũng đã chính thức đưa ra lời xin lỗi với các bạn học vì đã đưa lên mạng cảnh không hay này.
Quản lý blog cần có ý thức của blogger
Giải thích về chuyện này, H. nói, cô chỉ xem đây như một kỷ niệm vui của thời học sinh, một kỷ niệm đáng nhớ để ghi lại dấu ấn ba năm THPT. Cô đã không lường trước được hậu quả hành động của mình.
Về trang web www.ngoisaoblog.com, (nơi H. gửi đoạn phim này), Ban quản trị đã quyết định xoá ngay sau một thời gian ngắn đưa lên vì đã hình dung được tác hại khôn lường nếu nó tiếp tục tồn tại. Ông Cao Mạnh Tuấn – GĐ Điều hành Ngoisaoblog – khẳng định: “Chúng tôi đã dừng lại ngay lập tức”.
Sự việc này cho thấy, ý thức của blogger mới chính là yếu tố quyết định trong việc quản lý Blog. Chỉ cần một phút thiếu ý thức, thế giới Blog sẽ xuất hiện hàng trăm ngàn Blog “bẩn”. Đến lúc ấy thì không một cơ quan nào, tổ chức nào có thể ngăn chặn.
Ông Nguyễn Sỹ Hoan, Hiệu trưởng THPT Lý Thường Kiệt, cho biết, thời gian này các học sinh lớp 12 bị trượt trong kỳ thi tốt nghiệp đến trường học ôn để chuẩn bị thi lại và vẫn phải mặc đồng phục để trường quản lý.
Lâu nay trường vẫn có các khu vệ sinh dành cho các em nhưng trong dịp hè này, trường phải tranh thủ sửa. Vì thế, việc có nơi thay đồ cho các em bây giờ cũng hơi bí nên phải để các em tự đóng cửa lớp học để thay đồ. Thường, nhiều em mặc đồng phục từ nhà nhưng có em đến lớp mới thay. Tuy nhiên, sau giờ học thì trường không rõ các em thay đồ và mặc trang phục nào khi rời trường.
"Tôi cho rằng đó là hành động bột phát của con trẻ, nên cũng không có ý truy tìm em nào đã làm việc đó. Tuy nhiên, trường sẽ coi đây là sự việc để giáo dục, nhắc nhở các em", ông Hoan nói
(Theo Tiền Phong)