221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
938314
Nở rộ lớp học kỹ năng mềm
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Nở rộ lớp học kỹ năng mềm
,

(VietNamNet) -  Mấy năm gần đây, những trung tâm đào tạo kỹ năng, tâm lý ngày càng xuất hiện nhiều ở TP.HCM. Nhiều trung tâm tham gia giảng dạy trưng biển quảng cáo rầm rộ, đua nhau lập website giới thiệu những môn học “không thể thiếu trong cuộc sống”.

Nhiều bạn trẻ đăng ký sinh hoạt những buổi nói chuyện chuyên đề ở NVH TN  về kỹ năng sống

Thực tế, giáo dục trong nhà trường ở ta lâu nay đã "bỏ quên" mảng đào tạo kỹ năng sống. Nhu cầu "tự đào tạo bản thân" tăng lên cùng với sự phát triển xã hội, nhiều trung tâm "đánh hơi" ngay thấy tiềm năng "khoảng trống" này. 

Trăm hoa đua nở. Công ty Hồn Việt, Trung tâm Huấn luyện Thành công và Hạnh phúc, Nhà văn hoá Phụ nữ, Nhà Văn hoá Thanh niên, Trung tâm đào tạo của Khu công nghệ cao ĐHQG… đều "nhảy vào mặt trận” rèn luyện kỹ năng mềm.

Kỹ năng mềm, giá cả “cứng”

Ngoài một số ít câu lạc bộ đôi dịp mở lớp học kỹ năng mềm - thực chất là trao đổi, học hỏi phần nhiều bằng kinh nghiệm, hầu hết các khoá học kỹ năng đều có giá ngất ngưởng tiền triệu.

Trung tâm Tư vấn Hồn Việt, giá tới gần 2 triệu cho mỗi khoá học. Trung tâm Thành công và Hạnh phúc cũng dao động mức giá 1,8 triệu/khoá. Trung tâm đào tạo của Khu công nghệ cao hướng vào đối tượng học viên là sinh viên, nên giá cả có phần mềm hơn: 500.000/khoá cho 4 buổi học.

Chương trình học của nhiều nơi na ná nhau về mục đích: trang bị kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… để có thêm cơ hội thành công trong cuộc sống.

Tùy từng "mảng" kỹ năng, các trung tâm tạo ra thế mạnh cho riêng mình bằng cách mời những giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực đó về giảng dạy. Tuy vậy, nét riêng của từng nơi chưa nhiều.

Ở những câu lạc bộ, nhà văn hoá như NVH Thanh niên, NVH Phụ nữ, NVH Lao động chưa có những khoá học đầy đủ ngoài học kỹ năng giao tiếp, mà chủ yếu là những buổi nói chuyện chuyên đề.

Khoá học giao tiếp chỉ hơn 200–300 nghìn, những buổi nói chuyện chuyên đề khoảng 15.000 đồng.  Nội dung phần nhiều dừng lại ở mức trò chuyện, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống.

Các chương trình học kỹ năng hiện nay hoàn toàn không bắt buộc, mà chỉ mang tính chất trang bị, bồi đắp kĩ năng sống, nên các học viên đều có tâm lý thoải mái lựa chọn.

Vì các chương trình đào tạo "hao hao" nhau nên "bên cạnh uy tín trung tâm, uy tín giảng viên, quan trọng là xem qua các bài học và để xem gu của người dạy có hợp với mình không" - chị Hà Thanh Thanh, quận 3, TP.HCM chia sẻ tiêu chí "tầm sư" của mình.

Xu hướng hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ chú ý trang bị kiến thức kỹ năng mềm cho mình, với quan niệm: “Biết nhiều kỹ năng thì cuộc sống sẽ ít gặp khúc mắc, và nếu gặp khúc mắc cũng có cách tháo gỡ khoa học” - Trung Thành (Hội doanh nghiệp trẻ NT), khẳng định.

"Trang bị kỹ năng là điều cần thiết, nhất là với các bạn thanh thiếu niên, vì sẽ có tác dụng tích cực trong định hướng. Tôi chỉ mong có những lớp học phù hợp, cả nội dung lẫn... túi tiền, cho các bạn trẻ đến nhiều hơn" - anh Huỳnh Văn Huy (Phường 8, Q3, TP.HCM) cho biết. 

Truyền kinh nghiệm là chính

vth

Một buổi học kỹ năng làm việc nhóm ở TT Chất lượng cao (ảnh SHTP)

Hiện nay, tham gia đào tạo kỹ năng mềm đa phần  là những cá nhân có một số thành công được ghi nhận. Việc giảng dạy có khi vẫn là “kể chuyện đời” và truyền đạt kinh nghiệm của họ cho học viên.

Chuyện tếu bên bàn nhậu, một giảng viên vui miệng cho biết, dạy kỹ năng mềm không cần thiết soạn giáo trình, vì "mình nói cái gì học viên chả há hốc miệng ra nghe"! Cũng không ít giảng viên dạy kỹ năng không nắm rõ lý thuyết, phương pháp khoa học mà chỉ lên lớp truyền kinh nghiệm.

Với cách dạy như thế, có thể học viên thích nghe nếu giảng viên có khiếu kể chuyện (điều này không khó vì phần lớn họ đều giỏi về kỹ năng giao tiếp).  “Vốn liếng” người học thu nhận lại là “kinh nghiệm của thầy chứ không phải “chữ thầy”. Kinh nghiệm cá nhân ít giống nhau, vì thế khi gặp tình huống cụ thể không ít người vẫn bỡ ngỡ.

Nguyễn Bách Đông, sinh viên ngành marketing bức xúc: “Công việc tương lai của tôi chắc chắn đòi hỏi trang bị kỹ năng mềm đủ dày. Tuy vậy, qua vài trung tâm uy tín lại thấy giá cả quá chênh lệch với chương trình dạy, chất lượng lại không được như ý. Nhiều khi thấy có phần phí phạm khi bỏ tiền ngồi nghe tư vấn, nói về kinh nghiệm, những điều đó một số chương trình trên sóng phát thanh cũng có".

Với anh Trung Thành thì khẳng định, giá trị những khoá học không chỉ nằm trong nội dung giảng dạy - tiếp nhận, mà còn tính mặt tinh thần, vì thế là rất phù hợp.

Sau một số khoá học, theo anh Thành, điều nhận thấy rõ nhất là tự tin lên rất nhiều và khi đứng trước khó khăn hay tình huống cụ thể nào đó đều tư duy theo chiều tích cực:  “chắc chắn có hướng giải quyết”.

"Bản thân người học và người dạy phải luôn ý thức rằng, với kỹ năng mềm bản chất là học về lý thuyết khoa học, giỏi hay không là cách nắm được phương thức và ứng dụng vào thực tế chứ không phải dạy kinh nghiệm mà coi thường hoặc không dạy lý thuyết khoa học" - giảng viên Nguyễn Đông Triều, ĐH Bách khoa cho biết.

Theo anh, ở phương Tây, trẻ con mới đi học đã được làm quen với kỹ năng mềm qua hình thức giáo viên chú trọng dạy lũ trẻ xử lý tình huống. Càng lớn, những kỹ năng theo đó phát triển hoàn thiện và đương nhiên trang bị đủ cho trẻ tự tin vào đời.

"Cũng vì thế, ở tuổi 18, vị thành niên nước ngoài đã có thể tự tin mình đã lớn, đã trưởng thành, có suy nghĩ độc lập, có quyết định đúng về cuộc đời mình, khác với nhiều bạn trẻ Việt Nam khác”. – TS.GS Vũ Gia Hiền khẳng định.

  • Thu Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,