(VietNamNet) - Làm thế nào để bán được 1000 chiếc lược cho… nhà sư, người không bao giờ có nhu cầu sử dụng sản phẩm này? Câu hỏi được đặt ra từ đầu chương trình “Kỹ năng thuyết phục: Con đường dẫn đến thành công” do CLB Nhà kinh tế trẻ thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức tối 26/5. Các bạn SV cùng với những khách mời là các doanh nhân trẻ đã cùng nhau trao đổi để tìm câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này.
Khách hàng “thịt nạc”
Các khách mời chia sẻ kinh nghiệm thuyết phục khách hàng với các bạn SV. Ảnh: Lan Hương
Đối với công việc kinh doanh, thuyết phục được khách hàng đi từ tin tưởng đến đồng ý sử dụng sản phẩm của mình là một kỹ năng rất quan trọng cần được rèn luyện và mài giũa hàng ngày.
Anh Cao Duy Phong, Giám đốc điều hành Siêu thị thông tin HaSaiCo, chia sẻ quan điểm chia bán hàng thành 3 giai đoạn chính.
Thứ nhất là phải tìm được nguồn khách hàng và tìm hiểu, phân loại khách hàng. Tiếp theo đến giai đoạn thuyết phục để khách hàng mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của mình. Giai đoạn cuối cùng và rất quan trọng là chăm sóc khách hàng để họ tiếp tục sử dụng sản phẩm, đồng thời giới thiệu những người khác cùng sử dụng sản phẩm của mình.
Dựa vào kinh nghiệm bản thân, anh Duy Phong cho biết nên phân loại khách hàng theo nhu cầu và khả năng mua sản phẩm của họ: “Chúng tôi thường chia khách hàng làm 4 nhóm: Nhóm có nhu cầu và có khả năng mua hàng; Nhóm có khả năng nhưng chưa có nhu cầu; Nhóm chưa có khả năng nhưng lại có nhu cầu và Nhóm chưa có khả năng và chưa có nhu cầu.” Tùy từng đối tượng khách hàng mà cần có biện pháp thuyết phục hợp lý để lôi kéo họ mua hàng.
Đồng tình với anh Duy Phong, anh Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn Tâm Việt, đưa ra so sánh dí dỏm rằng cần phải nhắm vào những khách hàng chiến lược, cũng như khi ngồi vào mâm cơm thường tập trung gắp thịt nạc trước. Với những khách hàng “thịt nạc” này, phải chăm sóc họ đặc biệt bởi họ sẽ là đối tác lâu dài của công ty.
Bán hàng kiểu… 4B
“Bạn – Bàn – Bán – Ban”. Đó là 4B trong các bước tiếp cận khách hàng mà anh Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ với các bạn SV.
Một bạn SV đặt câu hỏi với khách mời. Ảnh: Lan Hương
Trước tiên phải trở thành người bạn thực sự của khách hàng, người được khách hàng “gửi trọn niềm tin” thì sau đó họ mới sẵn sàng ngồi bàn bạc công việc với mình. Trong lúc bàn bạc, phải thuyết phục họ tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình thì mới có thể bán hàng cho khách. Sau đó, khách hàng sẽ ban cho doanh nghiệp những cơ hội khác.
Trong khi tiếp cận khách hàng, chị Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Siêu thị trang sức ScentSun, cho rằng quan trọng nhất là thái độ của người bán hàng: “Chúng tôi yêu cầu nhân viên phải thể hiện ánh mắt, nụ cười thân thiện ngay trong 5 giây đầu tiên khi khách bước vào cửa hàng.”
Bên cạnh đó, chị Lan Hương còn chia sẻ một bí quyết kinh doanh thú vị. ScentSun có chính sách đánh bóng trang sức miễn phí cho khách hàng. Theo chị Hương, đây là khoảng thời gian quyết định vì trong lúc khách chờ đợi trang sức được làm sạch, nhân viên có thể tiếp thị những sản phẩm của cửa hàng. Khách hàng lúc này đang có sự hài lòng nhất định vì được phục vụ miễn phí nên cũng dễ dàng “mở hầu bao” hơn.
Trả lời thắc mắc của một bạn SV hỏi về quan niệm một người bán hàng tốt là người phải “nói nhiều, nói hay” hay là người “biết lắng nghe”, cả 3 vị khách mời đều đồng tình rằng đây là 2 yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong kỹ năng bán hàng. Không chỉ biết thuyết phục khách hàng bằng ngôn ngữ, mà còn cần “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Các vị khách mời chia sẻ quan niệm kinh doanh thời đại mới không còn đặt lợi nhuận của mình lên hàng đầu mà phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Khi khách hàng được thoả mãn lợi ích thì họ sẽ gắn bó với sản phẩm, dịch vụ của mình và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng lên.
Cuối buổi giao lưu, các bạn SV đã vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm vừa trao đổi với các vị khách mời để giải quyết bài toán: Bán 1.000 chiếc lược cho nhà sư.
Thuỳ Chi, SV khoa Ngân hàng Tài chính, đã giành giải thưởng lớn nhất của chương trình khi thuyết phục được nhà sư mua 1000 chiếc lược làm quà kỷ niệm cho khách thập phương về thăm chùa.
Sau khi trò chuyện, hỏi han về lịch sử nhà chùa và số lượng khách thường đến thăm, Thùy Chi nói rằng mỗi vị khách đến đều muốn có một vật kỷ niệm của nhà chùa để hàng ngày nhìn thấy vật đó là nhớ tới lời Phật dạy. Chi gợi ý cho nhà chùa mua 1.000 cái lược để tặng cho khách đến thăm.
Bán 1000 chiếc lược cho sư, thoạt nghe có vẻ bất khả thi, nhưng lại hoàn toàn khả thi nếu thực sự có kỹ năng thuyết phục.
-
Lan Hương