221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
909304
"Tôi chọn nghề báo vì dám đương đầu!"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
"Chọn nghề cùng bạn":
'Tôi chọn nghề báo vì dám đương đầu!'
,

(VietNamNet) - Tôi đã bắt đầu hiểu ra mình yêu nghề báo là vì lí do gì? Có lẽ vì làm báo sẽ khiến cho tôi năng động hơn, tôi được tiếp cận thế giới bằng cảm nhận của chính mình, được bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình.

Bạn đọc Trần Thu Trang (lớp 12 chuyên Địa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) gửi tâm sự tới diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn". Dưới đây là bài viết của Thu Trang và góp ý của các nhà tư vấn.

(Mời các bạn tham gia diễn đàn  tại đây)

****************

’Các

Các phóng viên chầu chực "săn ảnh" nữ diễn viên Angelina Jolie đến Trung tâm Tam Bình nhận con nuôi người Việt Nam. Ảnh: Minh Cường

Tôi - 18 tuổi, cái tuổi đủ nhạy cảm để hiểu ước mong của cha mẹ, thầy cô, đủ nhạy cảm để hiểu được rằng mình đang phải đứng trước những ngã rẽ quan trọng của cuộc đời. 

Rồi tương lai của tôi sẽ đi về đâu? Mười, mười lăm hay vài chục năm nữa, tôi sẽ có một công việc danh giá, lương cao hay có một công việc giản dị, bình thường như bao người bình thường khác?

Ước mơ của tôi là được làm một nhà báo. Từ hồi bé xíu, tôi đã thích làm nhà báo rồi. Cũng chẳng biết vì sao, hồi đó có lẽ vì nghe cái nghề đấy hay hay.  

Lớn lên một chút, tôi bắt đầu thích viết. Nhớ hồi hè năm lớp 8, khi ngồi nhà một mình ngắm trời mưa, tự nhiên tôi lại có hứng và viết liền tù tì ba bài thơ. Hứng chí đi khoe bọn bạn ở lớp, rồi khoe mấy anh chị hàng xóm. Được mọi người khen “Viết thơ được phết nhỉ?”. Tôi vui lắm.

Chẳng biết có phải vì cái tính thích khen của trẻ con hay không mà ngày nào tôi cũng cố viết vài bài. Tuy nhiên, gọi là “cố” nên nhiều lúc viết ra thấy sao thơ mình nó khô như ngói vậy?

Sự nghiệp thơ văn của tôi chấm dứt từ đó đến tận năm lớp 11. Khi ấy, tôi có vài bài được đăng báo, rồi cũng nhận được mấy chục bức thư làm quen của các anh bộ đội từ mọi miền tổ quốc. Vui và hãnh diện!

Tôi lại bắt đầu viết lách. Cơ hội đầu tiên đến với tôi, đó là khi một chị sinh viên truờng báo tìm gặp tôi để cùng thành lập một bút nhóm cho báo Thiếu niên tiền phong. Tôi háo hức lắm, nhưng rồi cơ hội ấy đã đi qua vì bọn tôi không tìm đủ người để thành lập bút nhóm, cũng như việc học hành ở trường không cho phép tôi có nhiều thời gian rảnh.

Sau lần đó, tôi bắt đầu tìm mọi thông tin về các tờ báo, tìm xem nơi nào có cần cộng tác viên không, rồi còn đăng kí thành viên ở một diễn đàn của sinh viên báo chí. Tôi có viết một số bài về tình hình báo chí nước nhà, và được sự quan tâm, động viên: ”có giọng văn sắc sảo” của các anh chị sinh viên, làm tôi càng quyết tâm hơn để theo đuổi nghề báo.

Tôi, học lớp 12, với biết bao áp lực của thi cử từ gia đình, thầy cô, rồi từ bạn bè nữa. Bên cạnh đó là sự băn khoăn, trăn trở sẽ thi trường gì, ngành gì? Nhiều người nói tôi “có dáng làm nhà báo lắm”, vì tôi khá nhanh nhẹn, và năng động. Nhưng không ít người đã khuyên tôi “nên thi ngành luật vì học Luật ra sẽ có tương lai”.

Rồi người ta còn nói “con gái học báo vất vả, ra trường lại khó xin việc”. Tôi băn khoăn giữa một bên là “tương lai“ và một bên là “ước mơ”. Nhiều lúc tôi trách cuộc sống sao cứ đặt con người ta ở giữa những sự lựa chọn, sao cứ phải chọn một mà không được chọn cả hai?

Tôi tâm sự với một số anh chị sinh viên, các anh chị ấy nói với tôi rằng đã có không ít sinh viên ra trường phải làm trái nghề, và cũng có nhiều sinh viên chán nản vì đã theo đuổi ngành học mà mình không yêu thích.

Tôi hiểu rằng, tôi nên chọn “ước mơ”, vì thực tế đã cho tôi thấy  tương lai của mình là do chính mình quyết định. Nếu tôi yêu nghề, tôi đam mê thực sự thì tôi mới có thể làm tốt nghề đó được, mà có làm tốt được thì tôi mới xây dựng cho mình một tương lai đẹp.

Dù có thể làm nhà báo sẽ vất vả, sẽ phải xa gia đình, phải đi nhiều nơi, nhưng có sao đâu khi trong mình là một tình yêu thật sự. Tình yêu nghề sẽ cho tôi nghị lực để tôi vượt qua tất cả.

Ai đó bảo học báo ra sẽ khó xin việc, còn học ngành luật ra sẽ dễ dàng hơn. Nhưng theo tôi, dù học gì cũng thế, nếu mình giỏi thực sự thì mình sẽ có chỗ đứng trong xã hội. Kể cả khi mình theo học một ngành đang được xã hội trọng dụng, nhưng mình không giỏi thì cũng khó mà có một công việc tốt được.

Tôi đã bắt đầu hiểu ra mình yêu nghề báo là vì lí do gì? Có lẽ vì làm báo sẽ khiến cho tôi năng động hơn, tôi được tiếp cận thế giới bằng cảm nhận của chính mình, được bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình.

Tôi còn có cơ hội để thể hiện cá tính của tôi, được viết, và được lắng nghe cuộc sống. Với tôi đó không chỉ  là “ước mơ” mà còn là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì sống có ước mơ, theo đuổi ước mơ bằng tất cả sự nhiệt tâm.

Yêu thích một nghề nghiệp đã cho tôi sự định hướng cụ thể cho tương lai. Tôi có một cái đích để bước tới, có niềm đam mê để cho tôi quyết tâm. Và chắc chắn tôi sẽ đặt bút viết trong hồ sơ của mình là thi ngành báo. Tôi chấp nhận và dám đương đầu với sự lựa chọn của tôi!

  • Trần Thu Trang

*************
Ý kiến:

TS Xã hội học Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học): Đã biết nhìn nhận về khả năng

Qua những gì thể hiện, chứng tỏ em quyết định chọn lựa nghề nghiệp một cách nghiêm túc. Tức là có phương pháp tư duy, có ý thức nhìn nhận về khả năng, sở thích của bản thân; và có đánh giá những đòi hỏi của nghề, đồng thời có xem xét, cân nhắc đến những nhu cầu của xã hội.   

Tuy nhiên, trong cách nhìn của em vẫn còn sự lãng mạn và trong một số đoạn tự nhủ với bản thân, em có xu hướng hơi khẩu hiệu, có vẻ như hơi cương lên. Ví dụ như "Tôi hiểu rằng, tôi nên chọn “ước mơ”, vì thực tế đã cho tôi thấy  tương lai của mình là do chính mình quyết định. Nếu tôi yêu nghề, tôi đam mê thực sự thì tôi mới có thể làm tốt nghề đó được, mà có làm tốt được thì tôi mới xây dựng cho mình một tương lai đẹp".

Hay, "dù có thể làm nhà báo sẽ vất vả, sẽ phải xa gia đình, phải đi nhiều nơi, nhưng có sao đâu khi trong mình là một tình yêu thật sự. Tình yêu nghề sẽ cho tôi nghị lực để tôi vượt qua tất cả".

Điều này cũng là dễ hiểu vì các em vẫn đang ở độ tuổi mới lớn và chưa va chạm thực tế, còn đôi chút mơ mộng. Đôi khi tự ve vuốt, tưởng tượng ra những khó khăn, để rồi nghĩ rằng mình vượt qua được.

Cần có sự tỉnh táo. Nếu tỉnh táo là phẩm chất thì không đợi tuổi.

Thêm một vấn đề nữa là về nhìn nhận về nghề của em còn đôi chút cảm tính. Em nhìn nhận nghề báo như một thứ khiến mình năng động, được tiếp cận thế giới, được bày tỏ suy nghĩ và có phần oai và có thể nói đó là động cơ yêu nghề. Việc em chọn nghề chưa hoàn toàn là do mẫn cảm nghề nghiệp mà có yếu tố tô hồng lên.

 Có thể hơi ngộ nhận. Tuy nhiên, ngộ nhận ở một mức độ nào đó thì không phương hại mà là một yếu tố kích thích.

Nhận xét của Th.s Thẩm Tuyên, Phó TBT VietNamNet, giảng viên thỉnh giảng Khoa Ngữ văn Báo chí – ĐH KHXH NV TP Hồ Chí Minh:  Hãy mạnh dạn thử và sẵn sàng tự đào tạo lại

 

Trước hết về sở thích nghề nghiệp, đó là động cơ quan trọng để lựa chọn nghề. Đối với nghề báo, nghề văn nếu không có ý thích lớn đến mức đam mê thì không theo nổi. Nhưng, thích thôi chưa đủ. Điều quan trọng là năng khiếu mà hiện tại nền… “thi cử” của nước ta không cho phép phát hiện ra năng khiếu làm báo.

 

Chính vì vậy bạn phải dùng nhiều biện pháp để tự phát hiện năng khiếu cuả mình, trong đó đơn giản là viết bài cộng tác với các báo. Một số tố chất hàng đầu của người làm báo là: Có óc quan sát phát hiện chi tiết,tính tò mò, muốn biết tất cả, khả năng tổng hợp tìm ra thông tin cốt lõi của hiện tượng-sự việc. Đặc biệt là cần có và thường xuyên rèn luyện để có kiến thức tổng quát về mọi vấn đề của đời sống xã hội.

 

Thứ hai, về sở thích viết. Chỉ có một điều tôi muốn nhấn mạnh là : trong quan niêm và thực hành báo chí hiện đại, viết báo khác làm thơ, làm văn. Lấy vì dụ như: nền báo chí lớn nhất thế giới là Mỹ đã tách báo chí ra khỏi văn học từ đầu thế kỷ XX. Ở châu Âu, người ta cũng tự hào làm được điều nầy từ giữa những năm XX. Đó là điều bạn cần suy nghĩ.

 

Thứ 3, về nhận xét bạn “có dáng điệu nhà báo”. Có lẽ bạn không nên quan tâm nhiều đến yếu tố này. Vì cái dáng chưa nói lên được điều gì. Tôi biết có nhiều người làm báo dáng vẻ bề ngoài bình thường thạm chí hơi “lờ đờ” nhưng khi đứng trước một sự kiện thời sự, họ có phản ứng hết sức bất ngờ từ dáng điệu cho đến tư duy.

 

Thứ 4, Bạn băn khoăn giữa “ước mơ” và “tương lai”, tôi khuyên bạn cần suy nghĩ hết sức kỹ và tự quyết định về vấn đề này. Bởi “ước mơ” không đủ tạo nên tương lai nghề nghiệp vững chắc. Và ngược lại khó có thể nói một cách rạch ròi: nghề nào cơ hội hơn nghề nào. Chỉ có người giỏi và dở trong nghề mà thôi.

 

Tôi có ý kiến là bạn nên tập trung làm quen với khả năng chuyển đổi nghề nghiệp và khả năng chuyển đổi chương trình học trong các giai đoạn đàu của cuộc sống. Nếu học báo thì trong một hai năm đầu bạn phải tự trắc nghiệm như trên tôi đã nói, bạn có thật sự hiến cả cuộc đời cho nghề nầy không, có năng khiếu không, thậm chí sau khi tốt nghiệp trong vòng 2-3 năm mà bạn cảm thấy mình không có đam mê cháy bỏng cũng như không phát hiện được điều gì lớn (cái đó gọi là năng khiếu), thì hãy mạnh dạn tự tái đào đạo, học lại văn bằng hai ở những ngành liên thông hoặc những ngành nghề khác. Khi đó bạn cũng chỉ 27 tuổi, vẫn còn thời gian. Để quá 30 thì mọi sự chuyển đổi trở nên phức tạp hơn.

 

Cuối cùng, về nhận định học báo khó xin việc. Tôi cho rằng đây là nhận định đúng và bạn nên cân nhắc điều này. Các trường đào tạo báo chí hiện nay không tạo nên nhà báo, mà chính do nỗ lực cá nhân cuar từng người làm báo. Do đó hầu hết toà soạn phải đào tạo lại. Và nếu khi ra trường, bạn may mắn có được một chỗ làm thì cũng đừng vội mừng, vì đây chỉ là là giai đoạn thử việc để đào tạo lại. Bạn rất dễ bị “quăng” ra. Và nếu cứ để bị “quăng” mãi, không có quyết dịnh dứt khoát, sẽ có lúc quá lứa lỡ thì… 

  • Hoàng Lê - Ngọc Oanh (ghi)

 

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: lthanh@vasc.com.vn.

Bạn đang làm nghề báo, hay sinh viên báo chí? Có thể chia sẻ về sự lựa chọn nghề nghiệp của Thu Trang?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,