(VietNamNet) - Liệu quy chế rèn luyện có biến SV thành “HS cấp 4”? Làm thế nào đảm bảo công bằng và trung thực trong đánh giá? Những băn khoăn, thắc mắc này của đông đảo giáo viên và SV đã được ông Nguyễn Đình Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) giải đáp trong cuộc trao đổi với VietNamNet.
“Đến cái chợ còn phải có quy định nữa là trường học”
- Một số ý kiến cho rằng quy chế rèn luyện này ra đời sẽ là “một bước thụt lùi” trong đánh giá SV, coi SV là “HS cấp 4”…
- Nếu mức độ tự giác của SV cao và mức độ thực thi pháp luật tốt thì đã không cần đề ra quy chế này. Nhưng hiện nay, ở nước ta chưa đạt được điều đó mà mới trong giai đoạn quá độ nên chúng tôi tin rằng quy chế này sẽ mang tính tích cực.
Đến cái chợ còn phải có quy định, hàng cá ngồi hàng cá, hàng tôm ngồi hàng tôm, huống hồ môi trường sư phạm.
Trong một buổi hội thảo góp ý xây dựng quy chế, cũng có người đặt vấn đề: Liệu quy chế này có vi phạm nhân quyền không? Theo tôi, bất cứ quy định nào cũng hạn chế quyền của một cá nhân nhưng đem lại quyền lợi cho tập thể.
- Xin ông cho biết những ưu điểm và hạn chế của quy chế rèn luyện mới?
- Từ trước năm 1999, chỉ có quy định về đạo đức SV và được đánh giá hoàn toàn do chủ quan của giáo viên (GV) chủ nhiệm. SV hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đồng nghĩa với đạo đức tốt.
Sau đó, có thêm một quy định áp dụng tới năm 2001, những SV được khen thưởng hoặc bị kỷ luật có văn bản thì sẽ được cộng hoặc trừ 2 điểm rèn luyện. Như vậy, có tới 90% SV bình thường, không vi phạm cũng không có thành tích nổi bật sẽ không được đánh giá kết quả rèn luyện.
Năm 2002, quy chế mới được ban hành, đánh giá trên cơ sở định lượng với 5 tiêu chí lớn. Từ đó, các trường xây dựng những tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng trường, từng vùng. Với quy chế này, tất cả các HSSV đều được đánh giá và tự mình đánh giá. Sau đó mới tới lớp, khoa và trường. Điều này giúp phát huy dân chủ ở cơ sở.
Đội ngũ giáo viên ở trường phải chuyển động theo vì nếu không có sự theo dõi sát sao thì không đánh giá chính xác được SV, vai trò của Đoàn, hội được phát huy.
Điểm hạn chế của quy chế này là khi xét học bổng sẽ có những SV điểm học tập thấp nhưng cộng điểm rèn luyện thì lại cao hơn SV có điểm học tập cao.
Bên cạnh đó, quy định SV tham gia công tác Đoàn - Hội thì được cộng nhiều nhất 10 điểm. Như vậy những SV bình thường chỉ được tối đa 90 điểm, mấp mé loại tốt, rất khó để đạt loại xuất sắc.
"Phải tin SV"
Tham gia hoạt động tình nguyện là một trong những tiêu chí để đánh giá rèn luyện của SV. Ảnh: Phạm Hải |
Sau khi đi khảo sát thực tế ở nhiều trường, chúng tôi nhận thấy trong quá trình thực hiện, một số trường làm tốt. Nhưng vẫn có những trường lúng túng trong việc định ra những tiêu chí cụ thể, mang tính định lượng rõ ràng.
Trong quá trình kiểm tra, có nơi số lượng SV xếp loại trung bình cao quá. Như vậy là không hợp lý. Chúng tôi yêu cầu các trường phải xây dựng tiêu chí phù hợp để một SV bình thường, không tham gia hoạt động gì nhưng cũng không vi phạm gì thì cũng phải đạt loại trung bình hoặc trung bình khá trở lên.
Chúng tôi cũng yêu cầu các trường phải có sự điều chỉnh linh hoạt theo từng năm học nhưng một số trường giữ tiêu chí “cứng” từ năm này qua năm khác dù tình hình của trường và điều kiện kinh tế - xã hội có những thay đổi.
Bên cạnh đó, một số trường không đảm bảo huy động được đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ nhân viên nhà trường tham gia tích cực vào thực hiện quy chế này. Chỉ khi nào đội ngũ này tham gia tích cực, có trách nhiệm, thậm chí phải cụ thể hoá thành tiêu chí thi đua để đánh giá giảng viên thì mới có kết quả.
- Có một thực tế là theo quy trình tính điểm thì SV là người đầu tiên, cũng là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc… tự chấm điểm cho mình. Nhưng như ông đã nói, mức độ tự giác của SV chưa cao nên mới phải áp dụng quy chế này. Trong khi đó, SV trong lớp lại có xu thế bao che cho nhau. Nhiều giáo viên chủ nhiệm lại chưa sát sao với lớp. Như vậy, làm thế nào để đảm bảo đánh giá điểm rèn luyện của SV một cách trung thực, chính xác và công bằng?
- Theo tôi, chúng ta buộc phải tin SV. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Sự thiếu trung thực này cũng là biểu hiện của bệnh thành tích và cần phải có chế tài thích hợp. Nếu phát hiện ra gian dối thì phải phạt thật nặng.
Ban chấp hành chi Đoàn, Hội SV và Ban cán sự lớp phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì chính SV là người hiểu rõ bạn bè trong lớp nhất. Bên cạnh đó, điểm rèn luyện đã qua thẩm định nhiều cấp nên tôi tin sẽ đảm bảo công bằng.
Hơn nữa, cần lượng hoá các tiêu chí đối với giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi đề nghị các trường xây dựng đội ngũ GV chủ nhiệm tốt, đưa các tiêu chí đánh giá GV chủ nhiệm vào xếp loại thi đua, lên lương, lên bậc và có chế tài xử lý những GV không hoàn thành nhiệm vụ.
Như ở ĐH DL Hải Phòng, số GV quản lý rất ít nhưng nắm được 5.000 SV vì có camera theo dõi từng phòng học qua hệ thống máy vi tính. Tất nhiên, để làm được việc đó, đòi hỏi phải có cơ sở vật chất tốt.
Đi cổ vũ văn nghệ cũng là tham gia hoạt động phong trào!
- Qua thực tế áp dụng, một số trường có ý kiến rằng mục “Phẩm chất công dân và quan hệ cộng đồng” tương đối khó đánh giá. Vậy Bộ có đề xuất gì giúp các trường giải quyết vướng mắc này?
- Khi ở nhà trường thì SV là những công dân - SV nên không thể tách khỏi trách nhiệm công dân đối với xã hội. Đầu năm, chúng tôi đều yêu cầu các trường tổ chức Tuần lễ công dân - SV để SV xác định rõ vai trò công dân của mình.
Vai trò công dân thể hiện ở việc quan hệ với cộng đồng. Những SV tham gia bắt cướp, tố cáo tội phạm hoặc thực thi tốt pháp luật đều phải được biểu dương.
Còn những SV là công dân bình thường, không vi phạm thì chỉ đạt điểm ở mức độ nào đó. Điều này phụ thuộc vào tầm nhận xét đánh giá của GV hoặc người phụ trách đánh giá ở trường.
- Có một số SV kiến nghị rằng do hoàn cảnh kinh tế, họ phải đi làm thêm, không có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá. Cũng có những SV muốn tham gia đội văn nghệ, thể thao nhưng không có năng khiếu, số lượng thành viên của các đội này lại có hạn. Vậy làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho những SV này?
- Đối với những SV đó thì được mặt này phải mất mặt kia. Đi làm thêm nhưng vẫn học tốt thì đã được đánh giá ở mục vượt khó học tập, còn nếu không tham gia hoạt động phong trào thì tất nhiên không được tính điểm.
SV có thể tham gia ngoại khóa dưới nhiều hình thức như tham dự hoặc cổ vũ các chương trình văn nghệ, thể thao, hiến máu nhân đạo… chứ không nhất thiết cứ phải tham gia đội tình nguyện hoặc đội văn nghệ. Còn những SV có năng lực, đoạt giải trong các kỳ thi toàn quốc hoặc Olympic thì được xếp vào mục có thành tích đặc biệt xuất sắc.
-
Lan Hương (thực hiện)