Các SV ĐH ở Ấn Độ với nỗi lo thất nghiệp |
Với những cái bắt tay mạnh mẽ, âm điệu chuẩn xác và bước đi tự tin, bạn có thể tìm được công việc với mức lương 300 USD/tháng ở Citibank hoặc Microsoft.
Còn ngược lại, bạn sẽ chỉ nhận được công việc với đồng lương 2 USD/ngày.
Sở dĩ có sự khác biệt này chính là do sự thiếu hụt kỹ năng của đa số SV Ấn Độ hiện nay.
Đó đều là những kỹ năng “mềm” hoàn toàn có thể dạy được trong nhà trường như: giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh, làm việc nhóm, thuyết trình, sử dụng các công cụ tìm kiếm trên mạng, phân tích vấn đề thay vì học thuộc lòng bài giảng.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng vài nghìn SV đang theo học ở những trường “đẳng cấp” như Học viện Quản lý Ấn Độ hoặc Học viện Công nghệ Ấn Độ mới được trang bị những kỹ năng này. Gần 11 triệu SV thuộc 18.000 trường ĐH và CĐ khác của Ấn Độ thì đều phải tiếp thu một nền giáo dục kém hơn, nặng về lý thuyết và yếu về kỹ năng.
Các SV than phiền rằng họ không được học cách giao tiếp hiệu quả, thậm chí những kỹ năng cần thiết cho công việc như sắp xếp giấy tờ, trả lời điện thoại cho tới thuyết trình. Các khoá học thì không có nhiều cơ hội làm việc nhóm hoặc thảo luận. Trong một số trường dạy bằng tiếng Anh thì các giảng viên sử dụng ngữ pháp không chuẩn xác và phát âm kiểu địa phương.
Kiran Karnik, Chủ tịch Hiệp hội Công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia cho biết: “Cùng một con người, tốt nghiệp cùng một trường với cùng bằng cấp nhưng nếu không có những kỹ năng đó thì rất có thể không tìm được việc làm hoặc chỉ tìm được những việc tầm thường.”
Khi mà SV tốt nghiệp kêu thiếu việc làm thì các công ty ở Ấn Độ lại kêu thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng tốt. Các chuyên gia phân tích rằng nguyên nhân là do chất lượng đào tạo quá yếu kém khiến cho các trường ĐH và CĐ ở Ấn Độ mỗi năm cho “ra lò” hàng triệu SV chỉ có bằng cấp mà chẳng nơi nào muốn nhận.
-
Lan Hương (Theo New York Times)