(VietNamNet) - Chiều 13/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, giáo trình điện tử sẽ được cập nhật tại thư viện giáo trình điện tử, dự kiến khai trương tháng 3/2007. Hiện, Vụ ĐH & Sau ĐH đang xây dựng chương trình đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng trong chương trình khung.
Thư viện điện tử hoạt động, không chỉ học sinh thành thị mà cả học sinh vùng sâu, xa... cũng có thể cập nhật tri thức mới. (Anh LAD) |
Thư viện giáo trình ra đời giúp các cơ sở đào tạo trong việc tham khảo khung chương trình hoặc trực tiếp sử dụng lại nội dung giáo trình. Đối với giáo viên, tùy thuộc vào lĩnh vực giảng dạy có thể tham khảo hoặc sử dụng lại giáo trình cho công việc giảng dạy...
Cấu trúc hệ thống của thư viện gồm mặt trước (phục vụ đại chúng) và mặt sau (quản lý nội dung xuất bản). Mặt trước gồm các vùng: Tin tức (tin, văn bản, quy chế sử dụng); Giáo trình (duyệt thư mục, tra cứu, xem trực tuyến hoặc download...); Tài nguyên với các phần mềm dùng để biên tập giáo trình, bộ gõ tiếng Việt...
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), Thư viện điện tử hoạt động sẽ giúp cho việc quản lý tri thức một cách hiệu quả. Thay vì các trường làm chương trình thì chỉ cần một đội ngũ chuyên gia giỏi sẽ tiết kiệm lớn cho ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, đây là một hình thức tuyên truyền tri thức hướng đến một xã hội học tập, số người hưởng lợi gia tăng. Tính xã hội hóa cao dẫn đến tính độc quyền trong sản xuất sách của một số nhà xuất bản sẽ bị hạn chế...
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho hay, Việt Nam có hơn 80% thanh niên sử dụng thành thạo Internet. Dự kiến thư viện giáo trình được đặt ở địa chỉ http://ebook.moet.gov.vn hoặc http://ebook.edu.net.vn. Việc xây dựng thư viện phù hợp với Luật Giáo dục và các nghị định hướng dẫn, các quy định về bản quyền
-
Kiều Oanh